Truyền thông Nga lo ngại
Lô hàng hệ thống tên lửa tiên tiến S-400 của Nga được giao trong tuần này đã châm ngòi cho ngọn lửa đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Washington đã tìm cách trừng phạt đồng minh NATO vì thỏa thuận cấm kỵ, trong khi đó, Ankara đang tìm kiếm các lựa chọn để giảm thiểu các biện pháp trừng phạt có thể gây tổn hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, không chỉ Ankara đang nín thở chờ đợi tai họa ập tới, truyền thông Nga cũng liên tục cân nhắc những rủi ro mà thỏa thuận này có thể gây ra cho Moscow, đặc biệt liên quan đến sự bất mãn của Mỹ.
Al-Monitor dẫn một nguồn tin giấu tên ở Moscow cho biết, một số chính trị gia Nga đang tỏ ra lo ngại về thỏa thuận này.
"Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO nên nhiều câu hỏi và mối quan tâm đã nảy sinh. Nhiều người tin vào các thuyết âm mưu, đặc biệt là các cựu sĩ quan quân đội, thành viên quốc hội, nhà báo và chuyên gia truyền thông", nguồn tin giấu tên cho biết.
"Trong vài tháng qua, những tin đồn và suy đoán đã lan truyền ở Nga về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 là để áp đặt các khu vực cấm bay đối với chính người Nga. Thậm chí, có người tin rằng việc mua S-400 là yêu cầu của Mỹ hoặc NATO để phương Tây có thể nghiên cứu hệ thống của Nga tốt hơn".
Theo nguồn tin này, một số quan điểm ở Nga tin rằng hợp đồng không nên được thực hiện vì nó không xứng đáng với lợi ích mang lại, thậm chí còn sợ Thổ Nhĩ Kỳ có thể "lật lọng".
Trước những quan điểm lo ngại như vậy, Moscow được cho là đã tăng tốc các chuyến giao hàng theo yêu cầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Ngoài ra, một trong những động lực chính thúc đẩy quyết định bán hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là sự phấn khích của Moscow trước viễn cảnh Ankara rời khỏi Mỹ.
"Ý định này cuối cùng đã thắng thế. Đây là chiến thắng cá nhân của Tổng thống Vladimir Putin", nguồn tin cho biết.
Vào tháng 4/2018, truyền thông Nga lưu ý, việc tăng tốc giao hàng S-400 là một trong số ít nội dung trong chương trình đàm phán của ông Putin.
Trước đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Erdogan, Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng khung thời gian giao hàng sẽ được rút ngắn theo yêu cầu từ "bạn bè và đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi".
Rủi ro nào cho Nga khi bán S-400?
Thương vụ S-400 được coi là một chiến thắng cá nhân của Tổng thống Putin.
Mikhail Barabanov, một chuyên gia quân sự và là Tổng biên tập tờ Moscow Defense Brief nhấn mạnh, Tổng thống Putin là người chiến thắng trong thương vụ S-400, nhưng điều đó không hẳn là không có những rủi ro đối với Nga.
"Theo như tôi hiểu, cá nhân ông Putin đã đặt cược lớn vào việc mở rộng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ theo nhiều ý nghĩa, bao gồm cả ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria cũng như là một công cụ để làm xói mòn NATO", ông nói.
"Rõ ràng, có những rủi ro tồn tại - cả về kỹ thuật quân sự, chẳng hạn như việc NATO tiếp cận bí mật của hệ thống phòng không. Điều này gây lo ngại vì ngay cả phiên bản xuất khẩu cũng có thể cung cấp thông tin quan trọng để phát triển các chiến thuật khắc chế. Trong khi về mặt chính trị, nó là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ kéo thêm nhiều thủ đoạn chính trị", chuyên gia Barabanov nêu quan điểm.
Về phần mình, nhà phân tích chính trị Mikhail Troitskiy ở Moscow đồng ý rằng việc cung cấp hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là một thành công lớn của Điện Kremlin.
"Hầu như không có khuyết điểm nào trong thỏa thuận này. Một vật cản gây chia rẽ đang được thúc đẩy giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ (cũng như NATO nói chung). Nga đang kiếm tiền với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí, đồng thời lại thêm một cái ‘tai' trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông", ông nói với Al-Monitor.
Tuy nhiên, chuyên gia Troitskiy cũng nhắc đến một số rủi ro cho Nga. Một trong số đó là tương lai chính trị của Tổng thống Erdogan vốn đang chênh vênh không khác gì nền kinh tế hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu ảnh hưởng của các phong trào đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ không được Tổng thống Erdogan dẹp bỏ, họ có thể cố gắng đảo ngược các cuộc trao đổi của ông Erdogan với Moscow.
Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ đang cùng với Nga đứng trước các thách thức tiềm năng ở Trung Đông, như vấn đề ở Syria hay người Kurd.
Điều này có thể dẫn đến việc sự cạnh tranh giữa Ankara và Moscow sẽ bùng phát trở lại. Và sau đó, Nga có thể hối hận vì đã cung cấp cho đối thủ cạnh tranh của mình những công nghệ và thiết bị tiên tiến, ông Troitskiy nêu quan điểm.