Bán S-400 chỉ là "một phần chiến lược": Nga-Thổ-Iran muốn Mỹ chấm dứt "dấu chân trăm năm" ở Trung Đông?

Quốc Vinh |

100 năm gắn bó ở Trung Đông có thể là yếu tố đủ để đảm bảo rằng Washington sẽ không rời khỏi khu vực, bất chấp sự mong mỏi của Nga-Thổ-Iran.

Các chuyên gia quân sự Nga vừa có chuyến đi lần hai tới điểm nóng Venezuela, Iran gia tăng ảnh hưởng ở vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ đang nóng lòng tiến hành một chiến dịch quân sự mới ở miền Đông Syria.

Trên khắp Trung Đông, các đối thủ hàng đầu đang muốn thách thức chính quyền Tổng thống Donald Trump ở mọi điểm nóng mà Mỹ tham gia.

Với tình thế hiện nay, giới lãnh đạo Mỹ đang cần phải có một chiến lược đối ngoại hợp lý hơn, tờ National Review nhận định.

Với đối thủ chính Iran, trong những căng thẳng thời gian qua ở vùng Vịnh, Iran chưa bao giờ tỏ ra nao núng trước những lời đe dọa từ Mỹ - thậm chí còn sẵn sàng bước vào một cuộc xung đột với siêu cường hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thách thức Mỹ về vấn đề người Kurd ở Syria, đồng thời không quan tâm đến các lệnh trừng phạt xoay quanh thương vụ mua hệ thống S-400 của Nga.

Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga dường như đã sẵn sàng thúc đẩy tình hình để khiến Mỹ mất tập trung ở nhiều nơi và làm tổn hao lợi ích.

Theo giới phân tích, mục tiêu của Iran là sử dụng các lực lượng ủy nhiệm của mình để đối đầu với các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Washington trước đó từng cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công các cơ sở dầu của Saudi Arabia hôm 14/9 và các đội máy bay không người lái sát thủ của nước này đã đe dọa Israel từ Syria.

Mặc dù lên tiếng phủ nhận sự tham gia của mình vào các vụ việc trên, nhưng sự trỗi dậy ngày càng lớn của Iran đã được coi là một thông điệp rõ ràng cho Mỹ và khu vực.

Trong những bình luận gần đây, Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng Hezbollah ở Syria cho rằng, cuộc tấn công vào Saudi khiến Mỹ và đồng minh Ả Rập lộ rõ "sự yếu đuối".

Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh truyền thống của Mỹ cũng đang ngày càng tiến sát hơn đến Iran và Nga. Ankara đang coi những rắc rối mà Washington gặp phải lúc này là cơ hội để thúc đẩy sáng kiến khu an toàn ở phía Đông Syria.

Tại đây, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có một sự chia rẽ giữa Mỹ và người Kurd, đồng thời hy vọng có thể kiểm soát miền Đông Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/9 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với tốc độ đàm phán về khu an toàn với Mỹ, không quên cảnh báo sẽ đơn phương hành động.

Bán S-400 chỉ là một phần chiến lược: Nga-Thổ-Iran muốn Mỹ chấm dứt dấu chân trăm năm ở Trung Đông? - Ảnh 2.

Mỹ đang có ý định rút quân khỏi Syria.

Về phần mình, mục tiêu của Nga phức tạp hơn. Nước này muốn lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Mỹ, bán vũ khí cho Ankara như S-400, trong khi tăng nguồn xuất khẩu năng lượng. Nhưng Nga đang cảnh giác với một cuộc xung đột mới ở Syria, giữa Israel và Iran, cũng như giữa các nhóm khác, như quân Chính phủ và phiến quân ở Idlib.

Mục tiêu chung của Nga là làm suy yếu Mỹ trên khắp Trung Đông bằng cách âm thầm xây dựng bản thân như một diễn viên khu vực đáng tin cậy.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ giờ đây đang bối rối trước tình hình hiện tại. Giới quan sát trong nước cho rằng, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump không còn hào hứng với sự hiện diện ở Syria và Iraq sẽ có khả năng gây nguy hiểm đến lợi ích của Mỹ, cũng như phản bội người Kurd – đồng minh chống khủng bố thân thiết.

Thậm chí, bất kỳ cuộc rút quân nào của Mỹ ở Iraq hoặc Syria sẽ bị Iran tận dụng để đe dọa các đồng minh của nước này, đặc biệt là Israel.

Ở miền Bắc Iraq, nơi các lực lượng Mỹ đang kề vai sát cánh với người Kurd trước mối họa IS đang tiếp diễn, cũng có những lo ngại rằng các dân quân được Iran hậu thuẫn đang gia tăng sự hiện diện tại đây.

Từ những điều ở trên, tờ National Review kêu gọi Mỹ cần có một chính sách mạnh mẽ và nhất quán, trong đó ủng hộ các đồng minh, gắn bó với các mục tiêu đánh bại IS và gây áp lực tối đa đối với Iran.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Washington nên tiếp tục ủng hộ người Kurd ở miền Đông Syria cũng như ở miền Bắc Iraq.

Iran , Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang theo dõi các bước đi của Mỹ. Họ gặp nhau thường xuyên trong các cuộc thảo luận về tương lai của Syria.

Cả ba tin rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực đang suy giảm. Tuy nhiên, một trăm năm gắn bó ở Trung Đông có thể là yếu tố đủ để đảm bảo rằng Washington sẽ không đi đâu cả và Mỹ đang gắn bó với các đối tác và đồng minh, tờ National Review kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại