Bản quyền hình ảnh của Beckham, Ronaldo... được quản lý như thế nào?

ANH DŨNG |

Cầu thủ sống bằng lương, và tích luỹ tương lai bằng tiền bản quyền hình ảnh. Hầu hết các vụ trốn thuế trong giới quần đùi áo số liên quan tới bản quyền hình ảnh.

Bản quyền hình ảnh là gì?

Năm 2002, khi đàm phán hợp đồng mới với MU, Beckham đã nói thế này: "Lương chỉ là chuyện nhỏ, bản quyền hình ảnh mới là vấn đề".

Bản quyền hình ảnh của Beckham, Ronaldo... được quản lý như thế nào? - Ảnh 1.
Beckham là thương hiệu toàn cầu, thu về khối tài sản kếch xù từ bản quyền hình ảnh.

Người đại diện bao giờ cũng đàm phán lương riêng, bản quyền hình ảnh riêng cho cầu thủ. "Bản quyền hình ảnh" là quyền sở hữu của cá nhân với hình ảnh bản thân và các đặc điểm độc đáo khác liên quan đến họ (ví dụ: chữ ký, biệt danh, giọng nói). 

Người ta có quyền sở hữu, kiểm soát và quản lý hình ảnh của chính mình. Chúng tương đương với bảo hộ nhãn hiệu cho logo hoặc bản quyền tác phẩm nghệ thuật.

Bản quyền hình ảnh chống lại những người không được xác nhận quyền sở hữu, hoặc tuyên bố sở hữu mà không được sự cho phép của chính chủ. Những người của công chúng (như vận động viên, diễn viên và ca sĩ) có thể thu lợi ích tài chính khổng lồ từ việc tận dụng triệt để bản quyền hình ảnh.

Ở đẳng cấp cao nhất, tiền lương của cầu thủ ở câu lạc bộ có thể thấp hơn nhiều với số tiền họ kiếm được từ các nguồn thương mại. Ví dụ, lương của Cristiano Ronaldo mỗi năm khoảng 32 triệu euro, trong khi thu nhập từ thương mại khoảng trên 50 triệu euro.

Bản quyền hình ảnh của Beckham, Ronaldo... được quản lý như thế nào? - Ảnh 2.
Ronaldo kiếm tiền từ bản quyền hình ảnh nhiều hơn nghề đá bóng.

Lương và bản quyền hình ảnh chịu mức thuế khác nhau. Thuế đánh trên lương nộp cho quốc gia nơi cầu thủ đó thi đấu. Thuế đánh trên bản quyền hình ảnh phức tạp hơn nhiều. Do đó, đa phần vụ trốn thuế đều có liên quan đến bản quyền hình ảnh.

Trong một vụ chuyển nhượng, khi đến giai đoạn "đàm phán điều khoản cá nhân", cuộc thảo luận về sự chuyển giao bản quyền hình ảnh của cầu thủ từ CLB này sang CLB kia tốn khá nhiều thời gian.

Phần trăm sở hữu hình ảnh giữa cầu thủ - CLB có thể được đàm phán lại thường xuyên hơn so với hợp đồng của cầu thủ, điều này xuất phát từ tính chất biến động liên tục của các sản phẩm quảng cáo có sử dụng hình ảnh cầu thủ.

Bản quyền hình ảnh của Beckham, Ronaldo... được quản lý như thế nào? - Ảnh 3.
Ronaldo, bạn gái cũ Irina Shayk và tỷ phú Peter Lim (áo đen), người sở hữu công ty đang giữ bản quyền hình ảnh của CR7.

Năm 2013, vấn đề chính trong cuộc đàm phán tái ký hợp đồng giữa Ronaldo với Real Madrid là bản quyền hình ảnh. Theo hợp đồng ban đầu ký năm 2009, đội bóng Hoàng gia nắm 40% còn CR7 chiếm 60% còn lại.

Tuy nhiên, đến tháng 6 năm 2015, Ronaldo ký hợp đồng 6 năm với Mint Media, một công ty có trụ sở tại Hong Kong do tỷ phú Peter Lim người Singapore sở hữu. 

Theo hợp đồng, Mint Media sở hữu bất cứ thứ gì liên quan đến Ronaldo, từ hình ảnh, nickname, chữ ký, giọng nói… ngoại trừ những gì liên quan đến Real Madrid. Điều đó có nghĩa đội bóng Hoàng gia chỉ được khai thác những hình ảnh của Ronaldo liên quan đến CLB.

Những người đại diện cầu thủ có thể thương lượng lại với câu lạc bộ dựa trên tổng doanh thu thương mại và số lượng vật phẩm mà cầu thủ góp mặt. Một phần của tổng doanh thu bán hàng sau đó có thể chi trả cho cầu thủ.

Lịch sử bản quyền ở Premier League

Sự ra đời của Premier League vào năm 1992, cùng với sự bùng nổ tài trợ cho môn thể thao này đã dẫn tới những hợp đồng tài trợ triệu bảng đầu tiên cho cầu thủ bóng đá, khi các tập đoàn tìm kiếm những cách mới để quảng bá sản phẩm của họ. Từ đây, cầu thủ tìm thấy con đường mới để tăng đáng kể thu nhập.

Bản quyền hình ảnh của Beckham, Ronaldo... được quản lý như thế nào? - Ảnh 4.
Zidane từng mất khoản tiền lớn từ bản quyền hình ảnh sau cú húc đầu vào ngực Materazzi.

Tuy nhiên, hợp đồng tài trợ có thể chấm dứt ngay lập tức nếu cầu thủ có hành vi mà nhà tài trợ cho là gây tổn hại đến thương hiệu của họ. 

Hợp đồng tài trợ khổng lồ của Eric Cantona bị đình chỉ sau khi ông tung cú kung-fu vào ngực khán giả. Chuyện tương tự xảy ra với Zinedine Zidane sau khi huyền thoại người Pháp húc đầu vào ngực Marco Materazzi trong trận chung kết World Cup 2006.

Tiền lương được trả ở Anh, còn tiền bản quyền hình ảnh sẽ được gửi vào tài khoản một công ty được cầu thủ ủy quyền.

Các công ty này có thể đặt trụ sở ở những nước có thuế suất thấp, nhằm tránh mức thuế rất cao ở nước Anh. Tiền lương cung cấp đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày cho cầu thủ, còn bản quyền hình ảnh được sử dụng như một quỹ cho tương lai. Nếu tiền bản quyền hình ảnh được chuyển trở lại Vương quốc Anh, họ sẽ phải trả thêm thuế thu nhập cũng như thuế doanh nghiệp.

Bản quyền hình ảnh của Beckham, Ronaldo... được quản lý như thế nào? - Ảnh 5.
David Platt và Denis Bergkamp, hai cầu thủ mở đường cho bản quyền hình ảnh ở Anh

Mãi tới năm 1995, bản quyền hình ảnh mới xuất hiện ở Ngoại hạng Anh. Những người mở đường tới từ Italy: Denis Bergkamp từ Inter Milan tới Arsenal, và David Platt trở về từ Sampdoria.

Khi Bergkamp và Platt đến nước Anh, cả hai đều đã có sẵn công ty và hợp đồng hình ảnh của riêng họ. Arsenal sau đó đã ký hợp đồng thi đấu với hai cầu thủ, và ký hợp đồng bản quyền hình ảnh với các công ty. Bergkamp nhận 2 triệu bảng tiền lương năm, kèm 1,5 triệu bảng tiền bản quyền hình ảnh.

Huyền thoại người Hà Lan đã đấu tranh để được công nhận rằng anh nhận 2 triệu + 1,5 triệu chứ không phải 3,5 triệu. Lương bị đánh thuế 50%, còn bản quyền hình ảnh chịu thuế 28%. Bergkamp đã chiến thắng trong vụ tranh chấp, người ta tin rằng chiến thắng của Bergkamp là yếu tố quan trọng để tăng số lượng cầu thủ nước ngoài đến Anh.

Các cầu thủ Anh thì không được may mắn như vậy, họ phải nộp thuế 50% cho cả lương và bản quyền hình ảnh. Cách duy nhất để lách luật là thành lập một công ty ở nước ngoài, và không chạm đến tiền bản quyền hình ảnh cho đến lúc cầu thủ này không còn được coi là công dân Anh phải chịu thuế.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại