Thế là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới kết thúc. Kết thúc trong nuối tiếc của không chỉ riêng tôi. Lần đầu tiên Việt Nam được đăng cai và kết quả thì quá tuyệt vời. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của khoảng 50 bộ trưởng và cấp tương đương của các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và gần 1.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực, giới học giả và truyền thống quốc tế.
Hội nghị kết thúc và tôi ngồi nhớ về những sự kiện, các diễn đàn đã diễn ra trong suốt 3 ngày, xuyên cả buổi trưa. Nghĩ về đất nước Việt Nam, những cơ hội và thách thức.
Nghĩ về chính mình và những người xung quanh. Rồi tôi tự đặt câu hỏi cho chính mình và cho bạn. Bạn muốn thành CEO nổi danh, bộ trưởng 26 tuổi hay là người hạnh phúc?!
Trước hết xin chia sẻ thật những câu nói vẫn cứ vang vọng trong đầu tôi lúc này đã nhé. Cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu 4.0 sẽ thất bại!
Sự khác biệt của Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 là toàn diện và tốc độ.
CMCN 4.0 không đơn thuần chỉ nắm giữ một công nghệ mà bao gồm nhiều công nghệ khác nhau như robot, trí tuệ nhân tạo, xe hơi tự lái, y học hiện đại,..
Nhận thức được sức mạnh của CMCN 4.0 để tạo ra cơ hội thành công, tinh thần doanh nhân và hệ sinh thái doanh nhân.
CMCN 4.0 để con người không trở thành nô lệ của robot.
Không nên kỳ vọng rằng CMCN 4.0 chỉ là bật một công tắc mà đòi hỏi phải có một chính sách dài hạn.
Cách mạng công nghiệp 4.0 định nghĩa lại chúng ta là ai. Bạn là ai và tôi là ai.
Kết thúc cuộc CMCN 4.0 này, con người sẽ chứng kiến sự kết hợp giữa công nghệ số, vật chất và tinh thần.
Tôi ấn tượng nhất với Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Giáo sư đã trực tiếp ra mắt sách "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" bản tiếng Việt.
Cuốn sách này đã xuất bản bằng 29 thứ tiếng và tại nhiều nơi, sách đã đã in trên một triệu bản. Các phát biểu của GS rất cô đọng, thực tế, chạm vào tim người nghe. GS có hỏi tôi, thế ở Việt Nam sẽ in bao nhiêu bản!
Tôi đã ấn tượng với diễn giả người Việt Nam đầu tiên. Đó là anh Lê Hồng Minh CEO VNG. Anh ấy nói tiếng Anh ngon lành và trả lời hóm hỉnh cũng bằng tiếng Anh. Anh đưa ra nhiều phân tích và lời khuyên cho các doanh nhân trẻ và các bạn muốn khởi nghiệp.
Tôi rất ấn tượng về anh Bộ trưởng 26 tuổi của Malaysia. Ấn tượng lắm. Bộ trưởng trẻ tên là Syed Saddiq. Anh ấy được bổ nhiệm Bộ trưởng từ ngày 10 tháng 5 năm 2018.
Anh là Bộ trưởng trẻ nhất Malaysia và có khi trẻ nhất thế giới không biết chứng. Công nhận anh ấy giỏi, nói thuyết phục, tiếng Anh ngon và trả lời các câu hỏi tuyệt vời.
Tôi ấn tượng với diễn giả Việt Nam nói tiếng Anh ngon lànhtiếp theo. Đó là quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thôngNguyễn Mạnh Hùng.
Anh đã là người đứng đầu và có công rất lớn đưa Vietel thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam và vươn ra thế giới. Ý tưởng của nhà chính trị gia, nguyên là doanh nhân cũng rất thực tế mà lại táo bạo.
Rồi tôi ấn tượng về chị Phương Thảo của Vietjet. Chỉ cần nghe chị kể về quá trình từ khi máy bay Vietjet bắt đầu cất cánh với sự chú tâm về dịch vụ hàng không và thương mại điện tử, đầu tư công nghệ mới vào các lĩnh vực hoạt động, vận hành đã thấy đáng học và suy ngẫm rồi.
Đúng là Vietjet đã góp phần thay đổi ngành hàng không Việt Nam, mang đến cơ hội bay cho khách hàng trên khắp Việt Nam và khu vực, kết nối hành khách tiếp cận văn minh nhờ công nghệ.
Công nhận rằng nếu không có hãng hàng không giá rẻ này ra đời thì thì khó có cơ hội bay cho bà con nông dân, các em sinh viên và người có thu nhập thấpbay trên bầu trời được.
Rồi tôi ấn tượng với chương trình về FINTECH 4.0 do 2 diễn giả là Ang Xing Xian, Chief Executive Officer của capitalBay, Malaysia với Jonathan Lavender, Global Chairman, KMPM, Head, Market, đến từ Israel.
Thật sự hay và nhiều thông tịn cũng như nhiều điều đáng suy ngẫm. Tôi cũng giật mình nhận ra rằng người Việt Nam, kể cả các doanh nhân, hình như chưa quan tâm đúng mức đến tài chính!
Hội nghị với 60 phiên thảo luận kết thúc trong ngỡ ngàng và nuối tiếc. Công nhận rằng thật hạnh phúc khi nghe GS Klaus Schwab đánh giá đây là hội nghị thành công nhất trong 27 hội nghị WEF diễn ra từ trước đến nay!
Tôi vẫn nhớ rằng khi tặng cuốn sách "cách mạng công nghiệp lần thứ tư" GS Klaus Schwab hy vọng đây sẽ là chất xúc tác, động lực, biến Việt Nam trở thành một nhân tố mới trong cuộc CMCN 4.0.
Tôi ngồi nghĩ lại ý của anh Lê Hồng Minh đại khái rằng 20 năm tới thế giới sẽ thay đổi rất nhiều, rằng ngay cả các bạn sinh viên cũng có thể xây dựng được công ty tỷ USD ở Việt Nam hoặc châu Á.
Rằng vấn đề quan trọng là phải liên tục học tập để tìm cái mới, thúc đẩy sự sáng tạo bởi hiện tại cả thế giới đã trở thành trung tâm sáng tạo.
Anh cũng nhắc rằng cần làm những điều khác biệt, không nên xuất phát từ những ý tưởng thông thường mà phải có những ý tưởng không thể tưởng tượng nổi.
Tôi ngồi nghĩ về Bộ trưởng 26 tuổi của Malaysia Syed Saddiq khi anh khuyến khích giới trẻ theo đuổi đam mê, rằng dù mục tiêu có thể khó khăn như trở thành chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp ta cần có đam mê.
Anh chứng minh cho cả diễn đàn rằng bản thân anh là một minh chứng sống là người trẻ hoàn toàn có thể đảm nhiệm vị trí quan trọng trong chính quyền.
Nhưng cái tôi thích nhất của nhiều diễn giả trong 3 ngày này là sự thư giãn và bình an của họ. Tôi nhận thấy rằng họ khá bình an. Sự căng thẳng của các chính trị gia và các doanh nhân mà tôi gặp, tôi thấy trong suốt 3 ngày hầu như ít xuất hiện. Và tôi mừng vô cùng.
Đối với tôi hạnh phúc và bình an có lẽ còn quan trọng hơn cả CEO hay bộ trưởng 26 tuổi. Còn nếu là CEO thành công hay bộ trưởng trẻ mà làm việc và sống trong hạnh phúc thì thật là nhất rồi.
Dù sao tôi vẫn muốn bạn đưa lựa chọn hạnh phúc lên trên. Và tôi đang tự nhắc mình rằng, mình không thể làm được gì thật lớn, thật vĩ đại thì hãy làm những việc rất nhỏ nhưng với tâm lớn, tâm vĩ đại./.