Sự lạnh tanh của đoàn hàng đầu đối xử với nhân viên vừa qua đời: Thất vọng tột độ!
Khi biết tin một bạn trẻ vừa qua đời, dù xa lạ cỡ nào, chúng ta cũng đều có ít nhiều sự thương xót. Một cuộc đời trẻ còn nhiều tương lai lẫn ước mơ đang chờ phía trước. Thế nhưng ở EY (một trong 4 tập đoàn kiểm toán lớn hàng đầu thế giới) ở Ấn Độ, những giá trị đạo đức cơ bản này đều bị bỏ qua.
Đó là câu chuyện đau lòng của Anna Sebastian Perayil (26 tuổi) - cô gái vừa qua đời sau 4 tháng làm việc ở EY. Tháng 3/2024, cô gái còn hào hứng khoe được nhận vào làm việc ở tập đoàn hàng đầu thế giới. Đó là một cô gái trẻ rất yêu công việc, được cha mẹ yêu thương, đang trong tâm trạng nhiệt huyết và muốn cống hiến cho công ty đầu tiên trong cuộc đời mình.
Thế nhưng chỉ 4 tháng sau, Anna đã qua đời. Trước đó, cô gái đã làm việc đến kiệt sức vì thường xuyên thức đêm và chạy theo những deadline đầy áp lực của công ty.
Sau đó, bà Anita Augustine (mẹ của Anna) đã viết tâm thư dài 3 trang A4 gửi Chủ tịch tập đoàn EY để vạch trần văn hoá làm việc độc hại của tập đoàn lớn này. Bức tâm thư cũng chỉ ra thái độ dửng dưng đến đáng sợ của tập đoàn EY khi nhân viên trẻ qua đời.
Trước khi Anna qua đời, cô thường xuyên phải phải trở về nhà trong tình trạng kiệt sức, bị giao những chiếc deadline đêm gửi nhưng sáng mai cần hoàn thành. "Con gái tôi làm việc đến tận đêm khuya, thậm chí cả cuối tuần, không có thời gian để thở" - Mẹ của Anna tâm sự.
Chỉ vài tháng làm việc, nhưng Anna đã phải đi đến bệnh viện vì những căn đau co thắt ngực liên tục xuất hiện. Bác sĩ chỉ ra sức khoẻ của cô đáng báo động khi thường xuyên ăn khuya và ngủ không đủ giấc - nguyên nhân đều vì công việc liên tục tăng ca. Thế nhưng khi Anna chia sẻ những vấn đề này với đội ngũ của EY, không được quản lý lẫn bộ phận nhân sự quan tâm.
"Bạn có thể làm việc vào ban đêm. Đó là văn hoá tất cả chúng tôi đều đang thực hiện" - lời đáp trả dửng dưng của quản lý Anna khi giao cô những chiếc deadline ngoài giờ hành chính.
Cống hiến không biết mệt mỏi cho công ty, nhưng trong đám tang của Anna: Không một ai trong tập đoàn này đi viếng.
Chỉ sau khi bức thư của mẹ Anna viral và gây bùng nổ cõi mạng, chủ tịch EY mới gửi lời chia buồn sâu sắc và cảm thấy hối hận khi không một ai đi viếng cô nhân viên.
Nhưng trước đó, vị chủ tịch này còn khiến cộng đồng mạng phẫn nộ hơn khi phủ nhận cáo buộc áp lực công việc tại EY gây nên cái chết cho Anna. "Cô ấy được phân công như mọi nhân viên khác" - vị chủ tịch EY ở Ấn Độ trả lời phỏng vấn.
Khi biết một nhân viên vừa qua đời, không phải việc đầu tiên là nên gửi lời chia buồn và xem xét lại đội ngũ quản lý của nhân viên đó hay sao? Không phải nên truy cứu trách nhiệm, tại sao cả một tập đoàn không ai đến viếng đám tang của nhân viên? Vì sao vị chủ tịch lại phủi trách nhiệm một cách nhanh chóng như vậy? Và vì sao sau khi cô gái đó qua đời gần 2 tháng, công ty mới phát hiện và đưa ra lời chia buồn?...
Quá nhiều câu hỏi "vì sao" được đặt ra. Chỉ cần một người tự trả lời 1 trong những câu hỏi đó thôi, có thể Anna đã không qua đời trong sự kiệt sức. Có thể có ai đó đã đưa tay ra, chia sẻ những áp lực của Anna trong công ty này, để Anna không phải qua đời với biết bao ước mơ còn dang dở.
Giá như có ai nói Anna rằng: "Bạn còn cả cuộc đời để sống. Công việc cũng chỉ là công việc thôi".
Giá như có ai đó đủ mạnh mẽ và quyền lực để nói với tập đoàn EY rằng: "Làm ơn hãy quan tâm đến sức khoẻ thể chất của nhân viên. Đừng coi họ là những "cỗ máy" để theo đuổi cuộc đua deadline không có hồi kết".
Không một ai trong tập đoàn quan tâm đến nỗi đau của Anna. Cũng không một ai quan tâm đến sự ra đi đầy đau xót của một cô gái trẻ.
Thấy gì từ bi kịch của Anna?
Anna là điển hình của những bạn trẻ mới đi làm, có tinh thần nhiệt huyết và luôn muốn cống hiến. Cứ đi vào tập đoàn lớn ngoài kia, đặc biệt là Big 4 về kiểm toán (bao gồm: EY, Deloitte, KPMG, PwC), chúng ta dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ như Anna.
Anna đủ thông minh để luôn dẫn đầu thành tích học tập trong trường và thi đỗ kì thi CA (kì thi kế toán viên công chứng) với số điểm xuất sắc. Anna đủ tử tế để không bao giờ phàn nàn về sếp và đồng nghiệp. Anna đủ nhiệt huyết và trân trọng công việc đến nỗi dù có đi khám ở bệnh viện, cô vẫn tiếp tục quay lại làm đến đêm khuya.
Thế nhưng, đây là công ty đầu tiên Anna đi làm.
Điều Anna thiếu là cô không đủ kinh nghiệm cũng như khả năng để vạch ra ranh giới, hoặc phản kháng lại những yêu cầu vô lý. Trong sự vùng vẫy đó, Anna đã tự đẩy mình đến gần cái chết.
"Anna vừa rời gia đình và những người thân yêu. Mọi thứ đều mới mẻ - công việc, nơi ở, ngôn ngữ - và con bé đang cố gắng hết sức để thích nghi. Đáng lẽ nên thể hiện sự quan tâm đến nhân viên mới thì thay vào đó, quản lý đã lợi dụng việc con bé là người mới và giao cho nó cả những việc nằm ngoài nhiệm vụ chính thức" - mẹ của Anna đau xót khi tâm sự về cô.
Anna biết áp lực công việc và cũng muốn nghỉ việc chứ. Nhưng cô luôn chần chừ vì EY là tập đoàn hàng đầu thế giới, nếu nghỉ sớm quá có thể ảnh hưởng đến con đường thăng tiến của mình. Thế nhưng chưa kịp nộp đơn từ chức, Anna đã phải ra đi vì kiệt sức.
Những năm qua, những cụm từ như "hustle culuture" (văn hoá hối hả), văn hoá làm việc đến chết, văn hoá 996... đã gây ám ảnh với biết bao bạn trẻ ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Những bạn trẻ gục ngã trên bàn làm việc, sau quãng thời gian dài chiến đấu với deadline, đã chẳng còn là câu chuyện xa lạ nữa. Nếu không chiến đấu với những deadline này, thì họ lại bị coi là lười biếng và bị đẩy xa trong cuộc chiến của thăng tiến, và rồi là lay-off.
Thế nhưng tôi mong bạn hãy hiểu một điều: Đằng sau công việc, chúng ta còn cả một cuộc đời để sống.
Nếu một lần bạn bị ngã quỵ trên bàn làm việc, đó còn là nỗi đau cho cả gia đình và những người thân yêu. Đừng vì để đi quá nhanh mà buông thả sức khoẻ của bản thân, để đánh đổi bằng những viên thuốc trong bệnh viện.
Chúng ta hãy nhiệt huyết trong công việc, cố gắng và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Không sai! Nhưng làm ơn, đừng quên vạch ra những ranh giới rõ ràng để đòi hỏi quyền lợi cho sức khoẻ và tương lai của mình.
Nếu thấy mệt mỏi vì môi trường và deadline của công ty, hãy cố gắng chia sẻ điều này và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nếu thấy sức khoẻ đi xuống vì công việc, hãy cố gắng tập thể dục, đến bệnh viện để tìm ra vấn đề của mình.
Nếu quá sức chịu đựng, phải liên tục thức khuya làm việc trong thời gian dài. Hãy mạnh dạn nghỉ việc và chào đón những cơ hội mới.
Bạn biết đấy, không có công ty này rồi sẽ có công ty khác. Nhưng chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống thôi. Ra đi vì kiệt sức trong công việc đã là chuyện có thể thấy mỗi ngày, đừng vì cậy bản thân có tuổi trẻ, mà không quan tâm đến mình. Hãy biết phản kháng những yêu cầu vô lý, nhận biết môi trường làm việc nào độc hại để dũng cảm thoát ra. Hãy thương cho sức khoẻ của mình một tí.
Sự ra đi của Anna cũng là lời nhắc nhở cho nhiều người: Công ty cũng chỉ là công ty, chúng ta cần phải sống tốt trong cuộc đời của mình cái đã.
Một số bình luận nổi bật bên dưới bài viết chia sẻ về sự ra đi đầy đau lòng của Anna:
- "Điều đau lòng trong bài viết của vị chủ tịch EY là không có chỗ nào nhấn mạnh sẽ có cuộc điều tra hay truy cứu trách nhiệm về cái chết của Anna. Vậy những người quản lý trực tiếp của cô ấy ở đâu? Điều này phản ánh rõ lãnh đạo EY đã gián tiếp tạo nên văn hoá ngoài giờ làm việc, tăng ca không kiểm soát".
- "Công ty quá vô cảm trước sự ra đi của nhân viên. Không có bất kì ai đến dự đám tang của Anna. Tưởng tượng mà xem, khi chủ tịch công ty đang tận hưởng các bữa tiệc thì cô gái tội nghiệp đó lủi thủi một mình trong phòng làm việc? Chúng tôi còn đoán được quản lý sẽ xoá cô ấy khỏi group ngay lập tức khi biết cô ấy qua đời. Những vị lãnh đạo EY cảm thấy thế nào nếu con gái của mình bị đối xử như vậy. Không một ai biết đến nỗi đau của Anna, chỉ khi cô ấy chết đi".
- "Đây không phải vụ tự tử. Cô gái không hề có tiền sử bệnh tim hay bất kì vấn đề nào khác. Cô ấy đủ cẩn thận để đi khám bác sĩ vài tuần trước đó. Vì vậy rõ ràng đây là trường hợp của sự tắc trách và thiếu quan tâm sức khoẻ nhân viên, đến từ quản lý trực tiếp nói riêng và cả tập đoàn nói chung. Chúng ta là con người và cần sự nghỉ ngơi. Trở thành người giỏi nhất EY cũng không thể níu kéo mạng sống của Anna nữa rồi".
Mây