Trong năm 2023, WinCommerce trở lại chiến lược mở cửa hàng mỗi ngày, hướng tới mục tiêu có 4.000 cửa hàng, đồng thời, tập trung vào chương trình hội viên và chính sách giá cạnh tranh. Ở chiều ngược lại, chuỗi cửa hàng của tỷ phú Nguyễn Đức Tài lại thận trọng hơn với kế hoạch Bắc tiến, tập trung vào mảng thực phẩm tươi sống để trở thành điểm mua hàng thân quen của người dùng.
Trước đó, cả Bách Hóa Xanh và WinCommerce đều trải qua điệp khúc tăng trưởng nóng trước Covid rồi buộc phải tự đóng bớt cửa hàng vì "càng làm càng lỗ". Ngấm đòn đại dịch, hai ông lớn bán lẻ tiêu dùng "phanh" lại hoạt động, dồn lực cho tái cơ cấu.
Sau gần ba năm, quá trình tái cơ cấu của hai doanh nghiệp dần hoàn tất. Hết quý III/2023, WinCommerce đạt điểm hóa vốn EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay. Chậm hơn, tháng 12/2023, "át chủ bài" của Thế giới di động cũng làm được được điều tương tự. Với doanh thu 1,8 tỷ/cửa hàng, Bách Hóa Xanh hóa vốn sau sau mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại, trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Trong giai đoạn phát triển mới, cả WinCommerce và Bách Hóa Xanh đều có chiến lược tăng trưởng riêng, tập trung vào các mặt hàng thế mạnh để tối ưu doanh thu.
WinCommerce - mở mới cửa hàng mỗi ngày, cạnh tranh bằng chính sách giá
Tại Đại hội cổ đông thường niên của Masan, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc WinCommerce cho biết, hiện chuỗi đã hoàn tất tái cơ cấu và trở lại chiến lược mở rộng điểm bán.
Đến cuối tháng 3, WinCommerce có 3.667 siêu thị và cửa hàng, phủ sóng toàn quốc. Cuối năm nay, chuỗi này đặt mục tiêu mở hơn 4.000 trong năm nay, đồng nghĩa, mỗi ngày một điểm bán mới sẽ xuất hiện.
Theo bà Phương, tùy tình hình thực tế, công ty này đặt mục tiêu mở mới 400-700 cửa hàng và siêu thị. Nếu thành công với mục tiêu tối đa, chuỗi này sẽ có hơn 4.000 điểm bán, tập trung vào các mô hình riêng biệt cho từng khu vực và phân khúc khách hàng.
Để mở rộng điểm bán nhưng không đi lại vết xe đổ "càng làm càng lỗ", lần này, WinCommerce nêu chiến lược cạnh tranh về giá. Doanh nghiệp sẽ duy trì chỉ số giá ngang bằng hoặc cạnh tranh so với thị trường. Điều này được duy trì dựa trên điểm tựa "cây nhà lá vườn", gia tăng các sản phẩm mang nhãn hàng riêng và thương hiệu Masan Consumer.
Để duy trì giá rẻ, Masan cũng sở hữu công ty Supra, chuyên về chuỗi cung ứng để phục vụ hệ sinh thái doanh nghiệp, giúp người dùng và đối tác tiết kiệm chi phí nhất có thể.
Bước đầu, chiến lược này đã mang về quả ngọt cho chuỗi bán lẻ của Masan. Trong quý I/2024, doanh thu thuần của WinCommerce tăng 8,5% so với cùng kỳ lên 7.957 tỷ đồng. Sự tăng trưởng của doanh thu thuần được thúc đẩy bởi hoạt động mở thêm nhiều cửa hàng mới, số lượng cửa hàng tăng mạnh từ năm ngoái.
Quý đầu năm 2024, 40 siêu thị mini được mở mới, với biên lợi nhuận được cải thiện. Ngoài ra, chuỗi cửa hàng Win với định hướng "Point of Life" tập trung vào người tiêu dùng thành thị, đạt mức tăng trưởng doanh số bán hàng 7,3% và tỷ lệ thâm nhập của thực phẩm tươi đạt 30,2%. Cửa hàng WinMart+Rural, tập trung vào việc cung cấp nhiều loại sản phẩm giá rẻ chất lượng, đạt được 11,2% tăng trưởng doanh số.
Bách Hóa Xanh – "mở cửa hàng nào phải thắng thì mới mở"
Khác với WinCommerce với hệ thống cửa hàng, siêu thị có độ phủ khắp cả nước, chuỗi Bách Hóa Xanh chủ yếu hiện diện tại miền Nam. Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế giới di động cho biết, doanh nghiệp thận trọng với việc mở cửa hàng mới và chưa đặt ra số lượng cụ thể.
"Việc mở ào ạt theo chỉ tiêu được giao là bài học chúng tôi đã học được từ quá khứ. Những chuyện như vậy sẽ không diễn ra nữa. Bây giờ, mở cửa hàng nào phải thẳng thì mới mở, không thì thôi", ông Tài nói.
Nói về kế hoạch Bắc tiến, Trung tiến, người đứng đầu MWG cho biết, khi có những đồng lãi đầu tiên, việc mường tượng kế hoạch Bách tiến, Trung tiến sẽ được thực thi. Còn khi chưa có lãi, kế hoạch này buộc phải thận trọng, chậm lại.
Không mở nhiều cửa hàng, tuy nhiên, chất lượng hàng hóa và danh mục hàng tươi sống là hai yếu tố được Bách Hóa Xanh tập trung để cạnh tranh với các đối thủ. Về mặt hàng khô, ông Tài đánh giá hiện nay chất lượng hàng khô của Bách Hóa Xanh "một tám, một mười" so với siêu thị. Còn với mặt hàng tươi, Bách Hóa Xanh đang cải thiện chất lượng để nhóm hàng này có thể ngang ngửa, thậm chí tốt hơn với hàng ngoài chợ.
"Về độ vệ sinh, Bách Hóa Xanh hơn hẳn. Còn về độ tươi ngon, chúng tôi không hơn hẳn toàn bộ, nhưng với những sản phẩm chúng tôi tập trung, sẽ tốt hơn", ông Tài nói.
Đồng quan điểm, cạnh tranh dựa vào chất lượng và danh mục sản phẩm hàng tươi sống đa dạng cũng là "chìa khóa" để Bách Hóa Xanh có thể "đem tiền về cho mẹ" của ông Nguyễn Văn Trọng, CEO Bách Hóa Xanh.
Đến tháng 4/2024, mục tiêu "mang tiền về cho mẹ" của Bách Hóa Xanh dần được hiện thực hóa. Theo báo cáo về tình hình kinh doanh của MWG, doanh thu Bách Hóa Xanh trong tháng 4 khoảng 3.246 tỷ đồng, tăng 41,8% so với cùng kỳ 2023.
Kết quả trên xác lập kỷ lục về doanh thu của Bách Hóa Xanh từ cuối năm 2015 đến nay. Lũy kế 4 tháng đầu năm, chuỗi này ghi nhận khoảng 12.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày, chuỗi này thu về hơn 102 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2023 đến nay, tỷ lệ đóng góp doanh thu của Bách Hóa Xanh đã vượt Thegioididong.com (chuỗi bán lẻ điện thoại và phụ kiện công nghệ thuộc MWG) với khoảng cách ngày càng nới rộng.