Không gì đáng sợ bằng việc nhận được email của sếp vào cuối tuần.
Do sự phát triển của công nghệ, chúng ta vẫn bị trói buộc với công việc kể cả khi không ở văn phòng. Vì vậy, hầu như mọi người không thể cân bằng được giữa công việc và thời gian cá nhân.
Đối với nhiều người, việc làm thêm ngoài giờ là cơ hội "hiếm có khó tìm" để lấy lòng sếp. Tuy nhiên, điều này lại vô tình gây áp lực cạnh tranh lên những đồng nghiệp khác.
"Đã là sếp, ai cũng thích nhân viên của mình phải biết nỗ lực," Lynn Taylor - chuyên gia công sở và tác giả của cuốn Tame Your Terrible Office Tyrant - cho biết.
Sự thật là: Sẽ có lúc bạn cần phải giải quyết công việc ngoài giờ. Đó là khi có chuyện khẩn cấp, deadline bất ngờ hay lệch múi giờ.
Tuy nhiên, nếu sếp cứ liên tục bắt bạn phải làm việc ngoài giờ thì phải làm sao?
Đề xuất giới hạn
Năm 2017, Pháp đã công bố điều luật cho phép người lao động có quyền được "ngắt kết nối" với email, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác khi hết giờ làm việc.
Hội đồng Thành phố New York cũng đang xem xét một điều luật tương tự.
Thế nhưng, hầu hết chúng ta đều phải "tự thân vận động", và chuyện này thì nói dễ hơn là làm.
Nếu sếp liên tục xâm phạm vào khoảng thời gian cá nhân của bạn, hãy ngồi xuống và nói chuyện thẳng thắn với sếp.
"Mọi người đều ngại đối mặt với nhau," Taylor nói. Chìa khóa nằm ở chỗ: hãy biến nó thành một tình huống mà cả 2 bên cùng có lợi.
"Hãy khiến sếp nhận ra họ cũng được lợi khi cho nhân viên nghỉ ngơi đúng giờ," bà nói.
Theo Taylor, chúng ta nên nói: Tôi thấy khó khăn khi liên tục phải hoàn thành công việc xyz này vào buổi đêm, bởi lẽ tôi không thể tỉnh táo vào sáng hôm sau và nó ảnh hưởng đến năng suất làm việc tại cơ quan.
Xác định mức độ khẩn cấp của công việc
Đôi khi, sếp gửi email giao việc cho bạn trước để phòng trường hợp họ quên. Vì thế, hãy thử đánh giá mức độ khẩn cấp thông qua giọng điệu email, hoặc xem sếp có ghi chú gì không.
Những người làm sếp cũng cần chú ý hơn khi viết email cho nhân viên. Nếu họ không cần công việc được hoàn thành gấp, hãy nói rõ luôn với nhân viên. Ngoài ra, họ có thể viết email và lưu nó dưới dạng thư nháp để gửi khi đi làm.
Cố gắng đàm phán
Nếu sếp giao việc cho bạn vào thời điểm không thuận tiện, hãy thử tìm kiếm một giải pháp có lợi cho đôi bên.
"Hãy thử nói: ‘Tôi không thể làm ngay lúc này, nhưng tôi có thể hoàn thành nó trước thứ 2.’
Bên cạnh đó, bạn có thể từ chối một cách nhẹ nhàng, đề xuất một giải pháp thay thế hoặc một deadline khác," Mary Abbajay - tác giả cuốn Managing Up: How to Move up, Win at Work, and Succeed with Any Type of Boss - khuyên nhủ.
Phải làm sao nếu sếp gửi tin nhắn điện thoại?
Nhắn tin bao giờ cũng nhanh hơn, nhưng cách này lại khiến nhân viên có cảm giác thời gian riêng tư của mình bị xâm phạm.
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi sếp nhắn tin cho bạn ngoài giờ làm việc, hãy xử lý một cách khéo léo.
"Bạn có thể chuyển cuộc trò chuyện sang một nền tảng khác mang tính chất công việc hơn," Elaine Swann - người sáng lập ra Trường Giao thức Swann - cho biết. "Nếu sếp nhắn tin về công việc với bạn, hãy trả lời bằng email".
Bạn cũng có thể xin phép sếp chuyển sang liên lạc bằng email bằng cách giải thích tính hiệu quả và thoải mái của việc này.
"Bạn hoàn toàn có quyền được lên tiếng rằng, 'việc liên lạc qua hình thức email sẽ giúp tôi tiện tìm kiếm và lưu trữ cho tương lai. Điều này sẽ giúp tôi làm việc tốt hơn", Taylor gợi ý.
Đi trước một bước
Nếu cảm thấy những công việc ngoài giờ bắt đầu trở nên chồng chất, hãy xem liệu bạn có thể đi trước một bước không.
"Hãy tìm ra quy luật," Abbajay nói. Nếu để ý những gì sếp yêu cầu dạo gần đây, bạn có thể đoán trước và làm luôn mà không cần chờ tới khi sếp bảo.
Nếu bạn chấp nhận yêu cầu làm việc của sếp, hãy trả lời email với giọng điệu nghiêm túc và tránh lạc đề. Đây không phải lúc để thư giãn.
"Thoải mái trò chuyện về cuối tuần của mình chính là bạn đang khuyến khích việc nói chuyện phiếm," Taylor khuyên.