Người xưa nói "gieo ý nghĩ. . . gặt số phận", vì thế, nếu nghĩ là mình dốt ngoại ngữ thì sẽ dốt ngoại ngữ, còn nếu nghĩ không dốt ngoại ngữ thì sẽ sử dụng được ngoại ngữ - Điều này đúng với nhiều chuyện, không chỉ riêng với ngoại ngữ.)
Trong thực tế, luôn có người có năng khiếu ngoại ngữ, có người không. Nhưng người không có năng khiếu ngoại ngữ không phải là người dốt ngoại ngữ.
Nếu không nghĩ mình dốt và học đúng phương pháp, thì ai cũng có thể sử dụng ngoại ngữ bình thường. Tiếc là số đông nghĩ mình dốt nên không muốn học, nếu phải học vì lý do nào đó thì sẽ học đối phó, không tìm ra cách học phù hợp.
Lấy việc học tiếng Anh làm ví dụ: Hiện nay, sau khoảng chục năm học tiếng Anh ở trường (phổ thông và đại học), số đông sinh viên khi ra trường vẫn có vẻ "Câm & Điếc" tiếng Anh.
Tình hình không khá hơn ở các khoá học theo chứng chỉ A, B, C, D... hay các khoá học từ xa, ban đêm. Với các bạn đã thi TOEFL, IELTS. . . và du học nước ngoài, tình hình có khá hơn, nhưng người Việt Nam nói chung, kể cả dân công sở có chứng chỉ TOEIC theo yêu cầu, vẫn không thật giỏi ngoại ngữ.
Ngoài giới đi học, đi làm ở những nơi cần giao dịch với người nước ngoài, tình hình ngoại ngữ của số đông dân ta là kém bét nhè.
Khi đã thấp bé nhẹ cân, da vàng mũi tẹt lại còn "câm" hay "ngọng" nữa thì khi ra nước ngoài, khó có thể vỗ ngực tự hào: "Tôi là người Việt Nam". Dốt ngoại ngữ rất thiệt.
Vì chỉ biết tiếng mẹ đẻ nên bạn hầu như phải đọc và nghe từ một nguồn; khó tự tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của các nước khác; không có cơ hội làm ăn với đối tác nước ngoài. . .
Dốt ngoại ngữ khổ thế nào, bạn tự hiểu, tôi chả cần kể nữa. Muốn ngoại ngữ khá lên cần tìm xem mình sai ở đâu, dốt ở đâu khi học ngoại ngữ.
Là người có sử dụng ngoại ngữ, qua nhiều năm đúc rút, tôi thấy mình và nhiều người, khi học ngoại ngữ thường dốt, sai ở mấy điểm sau:
1. Nghĩ mình dốt ngoại ngữ là sẽ ngại học và rồi dốt mãi;
2. Không biết tạo môi trường để vừa sử dụng vừa học ngoại ngữ;
3. Lao đầu vào học cả nghe, nói, đọc, viết cùng lúc, rất trái tự nhiên;
4. Học các bài khóa, từ ngữ, ngữ pháp vô bổ mà có khi cả đời chẳng dùng tới (từ ngữ);
5. Nghĩ rằng, ngoại ngữ có thể học cấp tốc, giỏi cấp tốc.
Trong phần này, tôi chỉ xin bàn về chuyện nghĩ mình dốt thì sẽ dốt. Như ta biết, luôn có người giỏi ngoại ngữ, có người không. Nhưng không ai dốt ngoại ngữ bẩm sinh, vì nếu biết cách học, ai cũng có thể sử dụng ngoại ngữ bình thường. 80 Người ta chỉ dốt khi nghĩ mình dốt và học sai cách.
Tôi sẽ cho bạn thấy khi xem xét những trường hợp dưới đây:
Trường hợp 1: Bạn là người Việt, sinh ở Việt Nam, sống ở Việt Nam, tiếng Việt sẽ là tiếng mẹ đẻ của bạn, còn tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung. . . sẽ là ngoại ngữ;
Trường hợp 2: Bạn là người Việt, sinh ở Mỹ (Pháp), sống ở Mỹ (Pháp). Nếu bố mẹ bạn lơ là dạy bạn tiếng Việt thì nguy cơ bạn không biết tiếng Việt là rất cao.
Bạn sẽ chỉ biết tiếng Anh (Pháp) và dùng tiếng Anh (Pháp) không khác gì dân bản địa. Tiếng Việt tuy là tiếng mẹ đẻ nhưng đối với bạn nó đã trở thành ngoại ngữ như các tiếng Trung, Tây Ban Nha...
Trường hợp 3: Bạn là người Việt, sinh ở Canada, nơi sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Nếu bố mẹ bạn chăm dạy bạn tiếng Việt, bạn sẽ có thể sử dụng tốt cùng lúc cả 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Các thứ tiếng Tây Ban Nha, Nhật. . . sẽ là ngoại ngữ đối với bạn.
Trường hợp 4: Bạn là người Nga, hay Mỹ, hay châu Phi, được bố mẹ người Việt nuôi lớn từ bé ở Việt Nam, bạn sẽ nói tiếng Việt như người Việt, còn tiếng Nga, tiếng Anh, Trung. . . sẽ là ngoại ngữ đối với bạn.
Như vậy, con một bà nông dân ở góc quê nào đó của Việt Nam, do một lý do nào đó, được đưa sang Anh, sang Mỹ sinh sống từ bé, sẽ nói tiếng Anh búa xua như dân bản địa; một em bé châu Phi, nếu sống ở Việt Nam từ bé, sử dụng tiếng Việt từ bé, thì cũng ba la, ba la tiếng Việt như người Việt thôi, cần gì năng khiếu ngoại ngữ nhỉ?
Rõ ràng là: Môi trường bắt buộc sử dụng một thứ ngôn ngữ nào đó có ảnh hưởng quyết định đến khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ đó chứ không phải năng khiếu ngoại ngữ.
Nói tới năng khiếu ngoại ngữ là nói tới việc dùng ngoại ngữ làm nhiều chuyện cao siêu như phiên dịch, biên dịch, dịch cabin, viết sách. . . đâu phải dùng ngoại ngữ để đọc, nói, nghe đài, xem tivi hay giao tiếp thông thường.
Chuyện hồi nào, có anh chàng Joe người Canada mới sang Việt Nam vài năm mà có thể nói sõi tiếng Việt và còn biết nhiều từ "ma xó" kiểu "Sát thủ đầu mưng mủ"...là trường hợp có năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt, không cần bàn. Sẽ có lúc tôi viết tiếp về 4 cái dốt còn lại giúp các bạn hiểu mình sai ở đâu và nên học thế nào để vừa nhanh, vừa hiệu quả.
Hiện, tôi có mấy lời khuyên như sau:
- Đừng bao giờ nghĩ mình ngoại ngữ dốt;
- Hãy sử dụng ngoại ngữ ít nhất là 60’ mỗi ngày cho công việc, nghề nghiệp, thú vui để học ngoại ngữ. Sử dụng và học luôn tốt hơn là học mà không sử dụng;
- Xác định mục đích học ngoại ngữ và chọn các courses, các phương pháp phù hợp; • Học theo tuần tự tự nhiên: Nhìn (quen mặt chữ) – Nghe – Nói – Đọc – Viết. Có đứa bé nào mới sinh ra học cả 4 thứ như vậy một lúc đâu;
- Đừng chú trọng ngữ pháp. Càng học ngữ pháp càng rối. Mấy bà ở Hội An, mấy cháu người H’Mong ở Sapa có biết ngữ pháp nào đâu mà chém veo veo với du khách nước ngoài;
Hãy đọc sách song ngữ để tích lũy từ vựng. Các sách song ngữ Anh Việt của Sputnik mà bạn nên có là Hoàng Tử bé, Thơ ngụ ngôn Aesop, Phù thủy xứ OZ;
- Chăm chỉ sử dụng Google dịch;
- Chăm theo dõi tình hình quốc tế: Chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao. . . để tạo lập "Vùng thông tin chung". Nếu không có "Vùng thông tin chung", bạn có gì để giao tiếp, chia sẻ với các bạn nước ngoài? Không lẽ sau "Hi, My name is. . . , I am 20 years old. . . " là hết phim?
TS Phạm Anh Tuấn là Tiến sĩ ngành hoá dầu. Ông cũng là tác giả của một số cuốn sách về kỹ năng sống cho trẻ em, như "Thủ thì thù thì cái gì nguy hiểm", "Bơi tự cứu Dịch cân kinh", "Để phòng đuối nước bạn ơi. . . "