Bạn là người phát hiện ung thư để tự cứu mình chứ không phải bác sĩ: Đây là 3 việc cần làm

Bs Võ Xuân Quang |

Mỗi năm có hàng trăm nghìn người chết vì ung thư và bác sĩ khuyến cáo rằng bất cứ sự thay đổi nào của cơ thể đều có thể là dấu hiệu sớm của ung thư.

Xét nghiệm gen có phát hiện ung thư ?

Theo thống kê của WHO, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.

Ung thư đang trở thành ám ảnh của người dân. Những công nghệ tầm soát ung thư cũng được nhanh chóng xây dựng thành gói và quảng cáo rầm rộ. Người dân bắt đầu chi mạnh tay cho các dịch vụ tâm soát kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, việc quảng cáo xét nghiệm gen tìm ung thư sớm là không chính xác. Các xét nghiệm tìm gen đột biến hoàn toàn không có giá trị chẩn đoán căn bệnh ung thư mà chỉ cho người ta biết mức độ nguy cơ bị ung thư có cao hơn bình thường hay không.

Việc xác nhận mình có gen bất thường chỉ làm người ta thêm lo lắng, chưa chắc đã mang lại lợi ích thực tế. Các xét nghiệm này hoàn toàn không nên dùng như một phương tiện tầm soát và chỉ nên được áp dụng hạn chế theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa.

Việc thử máu để tầm soát ung thư là có và là một khuynh hướng mới nhưng vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa thể áp dụng trên thực tế, ngay cả ở những nước tiên tiến trên thế giới.

Đó là các kỹ thuật tinh lọc để tìm tế bào ung thư trong máu hay các acid nucleic đặc trưng cho ung thư lưu hành trong máu, tương đương với việc nhận diện tế bào ung thư qua tiêu bản sinh thiết. Bởi vậy, chúng còn có một tên gọi khá đặc biệt : sinh thiết lỏng.

Sinh thiết lỏng là một lĩnh vực "nóng" trong những năm gần đây và hầu hết các hãng dược lớn đều đổ tiền vào nghiên cứu để sớm đưa ra thị trường.

Ứng dụng của chúng rất rộng vì nó được dùng trong tầm soát, chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư với ưu điểm tuyệt đối là không xâm lấn, nhanh, kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp và có thể áp dụng ngay cả ở các phòng khám gia đình.

Hiện nay, chưa có test nào được chấp nhận dùng trong tầm soát và triển vọng này ít có khả năng trở thành hiện thực trước năm 2020.

Bạn là người phát hiện ung thư để tự cứu mình chứ không phải bác sĩ: Đây là 3 việc cần làm - Ảnh 1.

Xét nghiêm gen có chẩn đoán được ung thư

3 việc cần làm

Thay vì đi lựa chọn các gói ung thư, việc phòng chống ung thư ở mức cá nhân nên dựa trên 3 việc dưới đây:

Thứ nhất, nếu không có mạng lưới bác sĩ gia đình hiệu quả, không ai cấm bạn tự chọn cho mình một người như vậy. Đó không cần phải là chuyên gia đầu ngành, chỉ cần có sự quan tâm đúng mức và nắm được các khuyến cáo chung về tầm soát các loại ung thư ở hai giới.

Cần có sự hỗ trợ về quản lý thông tin điện tử và có thư ký y khoa để có thể đảm bảo việc theo dõi và nhắc nhở ở các thời điểm cần tầm soát hay khám định kỳ.

Tại thời điểm này, khi các bệnh viện không quan tâm, các bác sĩ tư chỉ khám thời vụ, nơi thích hợp nhất là các phòng khám đa khoa qui mô có chuyên môn tốt và có bệnh án điện tử kèm hệ thống đặt hẹn.

Tại các thành phố lớn, có nhiều phòng khám như thế. Mặt khác, ở Việt Nam có một lợi thế là các xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh và nội soi đều có chi phí thấp rất nhiều so với nước ngoài nên các chỉ định cho cá nhân được chỉ định dễ dàng và rộng hơn so với khuyến cáo.

Bạn chỉ cần có một bác sĩ tốt tư vấn đầy đủ trước khi cho chỉ định và biện luận phù hợp sau khi có kết quả.

Bạn là người phát hiện ung thư để tự cứu mình chứ không phải bác sĩ: Đây là 3 việc cần làm - Ảnh 2.

Ăn uống lành mạnh giúp phòng ung thư

Thứ hai, phải tự biết cơ thể của mình. Mỗi người phải biết cân nặng của mình, biết mỗi ngày ăn bao nhiêu cơm, ngủ bao nhiêu giờ, đêm đi tiểu mấy lần... Bất cứ sự thay đổi nào của cơ thể đều có thể là dấu hiệu sớm của ung thư. Hãy nhớ một nguyên tắc luôn luôn đúng: chính bạn là người phát hiện sớm và tự cứu mình, chứ không phải là bác sĩ.

Cần biết các dấu hiệu cảnh giác ung thư sớm sau :

*Thay đổi trong việc tiêu, tiểu hàng ngày, nhất là tiêu ra máu.

*Loét không lành

*Ra huyết hay tiết dịch bất thường

*Sờ thấy cộm trong vú

*Khó nuốt

*Ho kéo dài hay khàn tiếng hơn 3 tuần

*Thay đổi tính chất nốt ruồi hoặc có vùng da bất thường

*Sụt cân không rõ lý do

Đừng tự biện hộ cho các thay đổi này bằng công việc, stress, con cái.. mà bỏ qua cơ hội chẩn đoán sớm.

Thứ ba, thay đổi nếp sống lành mạnh, bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu, ăn uống cân bằng, vận động đầy đủ và nhất là không cần phải hoảng sợ về căn bệnh ung thư. Việt Nam chỉ là một nước có gánh nặng ung thư ở mức trung bình và nếu có lịch trình theo dõi phù hợp, tinh thần cảnh giác thì bạn sẽ có cơ may tránh hoặc thắng được căn bệnh ung thư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại