Băn khoăn việc cho phạm nhân hiến tinh trùng, nội tạng

TRỌNG PHÚ |

Dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi có nhiều quy định mới gây nhiều tranh cãi về tính hợp lý, khả thi…

Chiều qua (12-11), Quốc hội (QH) đã thảo luận tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (THAHS) sửa đổi.

Do dự thảo Chính phủ trình sửa đổi 92/182 điều (vượt 50% số điều), bổ sung 52 điều , thay đổi kết cấu một chương bảy mục nên nhiều đại biểu (ĐB) QH đề nghị xem xét theo trình tự ba kỳ họp…

Không cho phạm nhân ra ngoài làm việc?

Góp ý dự thảo, ĐB Hồ Đức Phớc (Nghệ An) chú ý tới quy định cho phạm nhân ra ngoài lao động. “Không biết khi ra ngoài phạm nhân mặc đồ gì, rằn ri hay áo sọc? Tôi thấy cũng phản cảm” - ông Phớc nói.

Mặt khác, ông Phớc cho rằng phạm nhân ra ngoài lao động dễ trốn trại, với những phạm nhân nguy hiểm bị án tử hình, nếu cho phép ra ngoài lao động có thể liên kết với bên ngoài để tiếp tục gây ra các hành vi nguy hiểm.

ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng nói không đồng tình với quy định này: “Phạm nhân vào trại là để cải tạo thành người có ích cho xã hội. Phải có sự cách ly khỏi xã hội. Tôi cho rằng cần tổ chức lao động trong trại giam”.

Đối với việc tổ chức liên kết cho phạm nhân sản xuất tại doanh nghiệp (DN), ông Hùng cho rằng nên liên kết để DN có thể tổ chức sản xuất ngay trong trại.

Tuy vậy, theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH), đã có nhiều trại giam tổ chức cho phạm nhân lao động bên ngoài.

“Nhiều năm qua, tuy có những vụ trốn trại nhưng thực tiễn cũng không có gì khó khăn khi cho phạm nhân ra ngoài lao động” - bà Nga nhận xét.

Băn khoăn việc cho phạm nhân hiến tinh trùng, nội tạng - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: T.PHÚ

Không đề ra “những cái cao siêu” khi chưa làm được?

Theo ĐB Ngô Minh Châu (TP.HCM), cần tính toán cụ thể các điều kiện để đảm bảo thi hành luật, tránh hiện tượng quá trình làm luật đi nhanh nhưng điều kiện đảm bảo thi hành luật theo không kịp. Ông Châu lấy ví dụ Điều 80 dự thảo quy định người bị tử hình trong quá trình THA có các quyền tương tự người bị tạm giam, trong đó có một số điều gây khó khăn cho cơ quan THA khi thực hiện.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng cho rằng dự thảo đã bổ sung một số quy định để đảm bảo quyền con người như Hiến pháp 2013 đặt ra là đáng hoan nghênh, là bước tiến mới về nhận thức.

Tuy nhiên, bà Lan băn khoăn với điều kiện của nước ta hiện nay thì một số quy định để đảm bảo quyền con người sẽ không khả thi.

“Ví dụ ở Điều 27, phạm nhân có một số quyền như hiến tinh trùng, hiến giác mạc, nội tạng…

Nếu thực hiện thì sau khi hiến, điều kiện trong trại giam có đảm bảo để chăm sóc sức khỏe cho họ hay không? Nếu không làm được mà đưa họ vào trại giam, không đảm bảo điều kiện chăm sóc thì khác gì tử hình họ” - bà Lan nói.

Theo bà Lan, hiện điều kiện về y tế tại các trại giam, tạm giam của Việt Nam còn yếu kém, chưa bằng được các nước phát triển. Hơn nữa vẫn còn tình trạng giam chung với người mắc các bệnh truyền nhiễm.

Do đó, bà Lan đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn, đặc biệt nên học tập kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam chứ không nên đề ra “những cái cao siêu” nhưng thực tế chưa thực hiện được.

Xử pháp nhân thương mại: Chưa đánh giá tác động

Nội dung về xử lý pháp nhân thương mại được nhiều ĐB quan tâm vì đây là vấn đề rất mới.

ĐB Ngô Minh Châu đề nghị cần làm rõ quy định, trình tự thủ tục phối hợp giữa cơ quan THA với cơ quan quản lý nhà nước liên quan để xử lý các pháp nhân thương mại, đặc biệt đối với các DN lớn có nhiều lao động.

“Ví dụ pháp nhân thương mại có nhiều công nhân thì THA không đơn giản vì liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn lao động và gia đình họ.

Pháp nhân đó không còn nữa, nếu không giải quyết vấn đề con người sẽ nảy sinh nhiều phức tạp” - ông Châu nhấn mạnh.

ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM) cũng nhận định dự luật còn nêu rất chung chung đối với vấn đề xử lý pháp nhân thương mại, trong đó có các nội dung như Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự luật - đã nhận định là “chưa có biện pháp cụ thể về đình chỉ, thực hiện nghĩa vụ dân sự.

“Nếu đình chỉ thì pháp nhân thương mại không còn tư cách pháp nhân để giải quyết các hợp đồng dân sự. Nên chăng chỉ tạm đình chỉ để DN tuyên bố phá sản, chờ thực hiện các nghĩa vụ dân sự rồi mới đình chỉ” - ĐB Thúy phân tích.

“THA đối với pháp nhân thương mại đang là một trong những vướng mắc của dự luật” - ĐB Dương Ngọc Hải (TP.HCM) nhận xét.

Theo ông Hải, cần nghiên cứu các thủ tục đình chỉ, tạm đình chỉ, biện pháp tư pháp… tác động thế nào đối với DN, giải quyết hậu quả pháp lý ra sao, đặc biệt đối với các DN lớn, DN nước ngoài.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an - cơ quan chủ trì xây dựng dự luật - cho biết trên thực tế, nước ta chưa từng xử lý hình sự pháp nhân vi phạm, kể cả tới ngày nay, khi BLHS mới và BLTTHS mới đã được ban hành. “Đối với chúng ta, chắc là vài năm nữa mới có” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho hay không thể đánh giá tác động đối với quy định về pháp nhân thương mại vì thực tiễn chưa có. “Chúng tôi quy định hơn 30 điều khoản về chế định này nhưng để hoàn thiện luật chứ trên thực tế cũng khó” - ông trần tình.

Làm luật trong ba kỳ họp?

Nhiều ĐB đồng tình đây là một dự luật khó nên đề nghị thông qua tại ba kỳ họp: Kỳ họp 6 xem xét lần đầu, đến tháng 10-2019 thông qua dự luật và năm 2020 có hiệu lực. “Từ nay đến đó phải có quy định hướng dẫn THAHS.

Theo tôi, cần “chữa cháy” bằng một thông tư liên ngành hoặc nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để chờ luật có hiệu lực” - ĐB Dương Ngọc Hải đề xuất.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc sửa đổi Luật THAHS là bước quan trọng để thực hiện các luật, bộ luật mới được ban hành và có hiệu lực gần một năm nay, nếu theo quy trình ba kỳ họp sẽ mất một năm rưỡi, cả hiệu lực thi hành là hai năm thì sẽ chậm.

“Tôi tha thiết đề nghị ĐBQH cân nhắc rằng đây là vấn đề mới nhưng không phải quá khó mà chỉ bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện thôi. Nếu kéo dài hai năm nữa thì quá trình thi hành luật không đồng bộ.

Đề nghị QH cho ý kiến thông qua theo quy trình hai kỳ họp. Nếu kéo dài ra thì khó khăn cho việc THA.

Đặc biệt, đối với vấn đề mang lại lợi ích, quyền tự do dân chủ của người dân nói chung và quyền của người phải THA nói riêng thì luật thông qua càng sớm càng tốt” - ông Lâm nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị sau kỳ họp này chuyển dự luật về cho Chính phủ chỉnh lý vì hiện còn 13 vấn đề để lại cho Chính phủ quy định.

“Về nguyên tắc, có thông qua cũng không thi hành được. Chất lượng thế này thì chúng tôi thấy phải thông qua trong ba kỳ họp” - bà Nga nói thẳng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại