Bạn học của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cùng khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ gói ở Đông Âu, về nước chinh phục căn bếp Việt ở tuổi 50, đại dịch vẫn tăng trưởng 50%/năm

Châu Cao |

Trong khi đại dịch Covid-19 khiến đứt gãy nguồn cung ứng, nhiều doanh nghiệp lao đao phải đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc thì một startup trong ngành thực phẩm vẫn duy trì đà tăng trưởng 50%.

Sự trùng hợp kỳ lạ của hai người bạn học chuyên Toán Tổng Hợp

Ít ai biết rằng, ông Nguyễn Trung Dũng, founder kiêm Tổng giám đốc CTCP DH Foods và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Masan là bạn học của nhau tại lớp chuyên Toán trường trung học cơ sở Trung Vương (Hà Nội) và cấp 3 Đại học Tổng hợp (Hà Nội). Câu chuyện được anh Nam Nguyễn, bạn học của cả hai chia sẻ.

Có nhiều điểm chung giữa hai người bạn này: học rất xuất sắc, cùng đi học ở Đông Âu, khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ và về Việt Nam lập nghiệp trong ngành thực phẩm.

Tỷ phú Quang bắt đầu khởi nghiệp tại Nga từ những năm 1990 thông qua việc bán mì gói cho người Việt sinh sống tại đây.

Công việc kinh doanh thuận lợi đã giúp ông xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng, sau đó mở rộng đầu tư sang tương ớt. Năm 2002, ông Quang về Việt Nam lập nghiệp với nước tương Chinsu, năm 2003 có thêm nước mắm Chinsu và đến năm 2007 cho ra đời sản phẩm mì Omachi.

Gần 20 năm khởi nghiệp ở Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Kantar Worldpanel, gần 98% gia đình Việt có ít nhất một sản phẩm của Masan, và ông Nguyễn Đăng Quang đã trở thành một trong 5 tỷ phú USD của Việt Nam, trong khi vốn hoá thị trường của Masan đạt hơn 6 tỷ USD.

Nếu tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thành công rất sớm khi buôn mỳ sang Nga, và được coi là "người đã dạy người Nga ăn mỳ ăn liền và tương ớt" thì ông Nguyễn Trung Dũng đã rất thành công trong việc kinh doanh mì gói ở Ba Lan.

Bạn học của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cùng khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ gói ở Đông Âu, về nước chinh phục căn bếp Việt ở tuổi 50, đại dịch vẫn tăng trưởng 50%/năm - Ảnh 1.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang: "người đã dạy người Nga ăn mỳ ăn liền và tương ớt"

Ông Dũng bắt đầu nhập mì gói Việt Nam sang Ba Lan từ những năm 1990, ban đầu là Vifon trong một công ty khởi nghiệp với bạn bè. Năm 1992 ông Dũng tách ra làm riêng và phân phối mì Thiên Hương. Năm 1994, trong chuyến công tác về Việt Nam tìm đối tác mới trong ngành mì ăn liền, ông Dũng đã bị thuyết phục bởi doanh nghiệp sản xuất mì gói tại Long Xuyên.

Công ty mì An Thái khi đó gần như không có tên tuổi trên thị trường, trong khi thời điểm đó, các tên tuổi lớn như Vifon, Miliket, Thiên Hương nổi đình đám. Ông Dũng đã quyết định ký hợp đồng phân phối mì Lucky của An Thái tại thị trường Ba Lan với số lượng 5 triệu gói/năm và chỉ ngay năm sau đã đạt 5 triệu gói/tháng.

Nhờ sự phát triển của thị trường Ba Lan, công ty An Thái ăn nên làm ra, bán được mì qua Tiệp, qua Nga… còn ở Campuchia thì thành số 1 thị trường. Tuy nhiên sau đó, Chủ tịch công ty An Thái đề nghị muốn mua lại 70% công ty của ông Dũng và muốn phân phối thêm một loại mì sản xuất tại Trung Quốc nhưng đã bị ông Dũng từ chối.

Do không đạt được thoả thuận, An Thái đã ép ông Dũng phải trả tiền mặt khi mua hàng trong khi trước đó cho công nợ 30 ngày với hạn mức tối đa nửa triệu USD. Do nóng giận, ông Dũng đã từ chối phân phối Lucky tại Balan, chuyển sang chỉ phân phối mì Thiên Hương với sản lượng chỉ bằng một nửa của Lucky với phân khúc thấp hơn.

Tuy nhiên, do chưa có nhãn hàng nào thay thế Lucky ngay nên công ty của ông Dũng đã dần mất thị phần mì phân khúc trung cao vào tay đối thủ cạnh tranh.

Về phần An Thái, mất đơn hàng 5-6 triệu gói/tháng tại nước ngoài là một tổn thất rất nặng nề, An Thái muốn tự phân phối tại Ba Lan và Nga nhưng thất bại, dẫn đến phá sản.

Cuối cùng, đi theo tiếng gọi của tình yêu, ông Dũng đã quyết định về Việt Nam lập nghiệp khi tuổi đời đã sang ngũ tuần.

Khởi nghiệp ở tuổi 50

Bạn học của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cùng khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ gói ở Đông Âu, về nước chinh phục căn bếp Việt ở tuổi 50, đại dịch vẫn tăng trưởng 50%/năm - Ảnh 2.

Founder DH Foods Nguyễn Trung

Trong khi người bạn học là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã thống trị gần như toàn bộ căn bếp Việt, ông Dũng đã tìm được một ngách để khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam đó là gia vị.

Theo lời kể của người bạn Nam Nguyễn, ông Dũng tâm sự: "Tôi về nước sau hết mọi người, tài chính không nhiều, tuy vậy thấy thị trường nước mình còn nhiều thứ bỏ ngỏ lắm! Vì bên kia cũng hàng chục năm làm ăn có dính dáng đến đồ ăn, thức uống nên kinh nghiệm đó chính là vốn liếng của mình, tôi nghiệm ra nên làm gia vị ông ạ.

Nước mình ẩm thực cực phong phú, thực phẩm tươi ngon, dân tình thích ăn nhậu, còn gì bằng! Tuy vậy người mình chưa chú trọng đến gia vị bằng các dân tộc khác đâu, cứ xem quầy gia vị trong siêu thị ở Việt Nam so với ở nước ngoài thì biết, vẫn phiến diện lắm!

Rồi thói quen cả nhà ăn chấm cùng một bát nước chấm nữa, chả hợp lý tý nào (chắc vì cuộc sống khó khăn nên tạo thành thói quen ấy chăng?).

Người mình cực khéo trong việc pha chế, gia giảm, cho nên vẫn có được những món chấm, thứ gia vị ngon, nhưng muốn ngon thì đầu vào cũng phải OK, và nhiều khi đâu có phải ai cũng có thời gian, có khả năng pha chế đâu...thế cho nên rất cần những món gia vị có sẵn, đổ ra là dùng luôn thôi. Đấy là mục tiêu chinh phục của tôi!".

Bạn học của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cùng khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ gói ở Đông Âu, về nước chinh phục căn bếp Việt ở tuổi 50, đại dịch vẫn tăng trưởng 50%/năm - Ảnh 3.

Nhà máy sản xuất của DH Foods

Trong khi người bạn Nguyễn Đăng Quang đã mất 7 năm với một phòng thí nghiệm ngốn bao nhiêu tiền của để ra sản phẩm Chinsu, ông Dũng chia sẻ các sản phẩm của ông đúc kết từ tinh hoa ẩm thực của người Việt, toàn đồ dân dã: muối tôm, muối ớt Tây Ninh, muối chanh ớt mù tạt Nha Trang, tương ớt Mường Khương, tương ớt xào Quảng Nam, tiêu đen xay, tiêu hạt đỏ xay...Thậm chí cả tương ớt Sriracha...

Chủ trương của ông Dũng, cái gì thuê được là thuê hết, outsourcing toàn bộ. "Tôi chỉ có bộ phận quản lý cực kỳ tinh gọn, IT trang bị siêu hiện đại, rồi vài chuyên gia về hóa thực phẩm vào loại "top" của Việt Nam, rồi hai chục đứa theo dõi, kiểm định chất lượng, bám sát làm ngay tại các nhà máy nơi tôi đặt hàng gia công.

Đơn hàng không lớn, nhưng OTK phải gắt gao nhất, không đúng mẫu yêu cầu thì phải hủy hết đi, làm lại! Mẫu mã tôi cũng đi thuê design, bao bì chai lọ cũng đặt mua, nhưng toàn loại "xịn" trong điều kiện VIệt Nam!", ông Dũng chia sẻ với người bạn.

Đi đường ngách với tham vọng thay đổi cách dùng gia vị của người Việt, để thói quen ăn nước mắm giảm đi, ông Dũng đã thành lập DH Foods với các sản phẩm gia vị được phân phối bởi hầu hết các siêu thị lớn nhỏ tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu đi 10 nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Đức, Hà Lan, Mỹ...với doanh số năm 2020 đạt hơn 100 tỷ đồng và tiếp tục giữ đà tăng trưởng 50%/năm kể cả trong đại dịch.

Cái tên DH Foods được ghép từ tên của ông Dũng và bà Hoa, người bạn học từ thời cấp 3 và hiện là vợ ông, động lực thôi thúc ông bỏ tất cả từ Ba Lan về Việt Nam lập nghiệp.

Bạn học của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cùng khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ gói ở Đông Âu, về nước chinh phục căn bếp Việt ở tuổi 50, đại dịch vẫn tăng trưởng 50%/năm - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trung Dũng và vợ

Bước nhảy vọt từ Shark Tank

Câu chuyện của founder DH Foods đã được truyền cảm hứng khi ông Dũng lên Shark Tank gọi vốn. Ở tuổi ngũ tuần, ông Dũng trở thành một trong những founder lớn tuổi nhất kêu gọi vốn Shark Tank mùa 4, và gây bất ngờ khi từ chối lời đề nghị 12 tỷ đồng cho 15% của cả 5 Shark.

Bạn học của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cùng khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ gói ở Đông Âu, về nước chinh phục căn bếp Việt ở tuổi 50, đại dịch vẫn tăng trưởng 50%/năm - Ảnh 5.

Tuy nhiên ngay sau chương trình, Dh Foods đã được các nhà đầu tư "ngoài bể" chốt deal 12 tỷ cho 5% cổ phần, ngay sau đêm phát sóng.

Quá trình DD (thẩm định due diligence) và giải ngân cũng diễn ra nhanh chóng qua sự tư vấn của văn phòng luật Ezlaw - team đã hỗ trợ cho thương vụ thành công tốt đẹp chỉ đúng 1 tháng sau khi phát sóng. Dh Foods là startup đầu tiên mùa 4 nhận được tiền đầu tư nhanh nhất, chỉ sau 09 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng đầu tư.

Ông Dũng chia sẻ: "Nhờ sự lan tỏa của chương trình Shark Tank Việt Nam và nhờ vốn rót nhanh của các Nhà Đầu Tư, Dh Foods như được "gió Đông" thổi nên đã tìm được "long mạch" của mình, có thể đạt được mức tăng trưởng cuối năm hơn 50% như 6 năm liên tục trước đại dịch.

Và cũng trong giai đoạn giãn cách xã hội, Dh Foods liên tiếp có những tin vui từ khách hàng Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Ba Lan, Canada... quan tâm và đang nhận hàng mẫu, xem xét chính sách. Bên cạnh đó, những container hàng vẫn đều đặn hàng tháng xuất đi Nhật Bản".

Trao đổi với người viết, ông Dũng cho biết, kết quả này đạt được là nhờ dịch bệnh mọi người ở nhà nên nhu cầu nấu ăn tăng cao. Hiện nay các loại gia vị nấu phở bò, phở gà, bún bò Huế hay các loại tiêu, ớt...gia vị ngũ vị hương, cà ri...đang tăng trưởng nhanh nhất.

Hiện tại năng suất tại 02 nhà máy sản xuất của Dh Foods cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% đơn hàng. Nhà máy hiện tại áp dụng sản xuất 3 tại chỗ tuy có những khó khăn riêng, nhưng Dh Foods vẫn đang cố gắng mỗi ngày để kịp giao hàng cho đối tác, tránh cháy hàng liên tục như hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại