Bản đồ thời tiết hiện đại trong một tờ báo được xuất hiện lần đầu trên tờ Times vào ngày 1 tháng 4 năm 1875, đó là một tác phẩm của triết gia Francis Galton, một nhà thám hiểm và nhà nhân học, cũng là một nhà thống kê và khí tượng học.
Bản đồ thời tiết lúc này không dùng để dự báo, mà nó mô tả điều kiện thời tiết của ngày hôm trước. Đây gọi là dạng biểu đồ tổng hợp, cho thấy tóm tắt tình hình thời tiết để người đọc tự đưa ra dự đoán về tình hình thời tiết của ngày tiếp theo.
Biểu đồ của Galton không khác nhiều so với những bản đồ thời tiết hiện đại ngày nay. Nó cũng ghi số đo nhiệt độ ở từng khu vực với những đường nối đứt nét phân biệt từng khu vực với nhau, những thuật ngữ thời tiết như "mây mù" hay "mây nhiều" cũng được ghi nhỏ ở từng khu vực.
Triết gia Francis Galton là người sáng tạo ra bản đồ thời tiết hiện đại được sử dụng trong các chương trình dự báo thời tiết. Ảnh: Corbis/Getty.
Đến cuối thế kỷ 19, hệ thống tóm tắt điều kiện thời tiết được đi khắp toàn cầu, tạo nên một quy tắc chuẩn cho việc dự báo thời tiết, dù mỗi nơi có mỗi cách làm khác nhau và còn khá mơ hồ.
Galton dùng phương pháp này để ghi lại những sự kiện đã diễn ra chứ không dự báo trước những sự kiện sẽ xảy đến, điều này khiến ông tránh được những chế nhạo và khiến hệ thống biểu đồ của ông được lan truyền rộng rãi đến tận ngày nay.
Bản đồ thời tiết này nhanh chóng được đón nhận và khắp nơi trên thế giới ở mọi loại phương tiện truyền thông, người ta đều dùng bản đồ thời tiết này để làm chương trình thời tiết trở nên sinh động hơn.
Trong thời gian này, Galton cũng phát triển được một lý thuyết về chống lốc xoáy. Tuy nhiên, có một thực tế là Galton ít được biết đến bởi những đóng góp cho khí tượng học hơn là trong thuyết ưu sinh, phong trào sinh học-xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số.
Nguồn: The Guardian