Bán nhà giá rẻ rồi đòi mua lại
Năm 2001, người đàn ông tên Du Bảo ở làng Thuận Nghĩa, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bán mảnh đất rộng 530m2 cho ông Hà Đại Hải người Tứ Xuyên (Trung Quốc) với giá 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng) để chuyển vào khu vực trung tâm. Trước đó đất nhà Du Bảo gần như không có nhiều giá trị, ít người hỏi mua còn Hà Đại Hải kinh tế eo hẹp nên vì vậy giao dịch giữa 2 bên nhanh chóng được diễn ra.
Du Bảo viết tay một biên bản thỏa thuận mua bán nhà, ký tên và giao cho Hà Đại Hải thế đồng thời khẳng định sẽ không bao giờ lấy lại nhà. Tuy nhiên giao dịch mua bán này lại không có giấy tờ nào được công chứng hay có dấu xác nhận của chính quyền địa phương. Vợ Hà Đại Hải tỏ ra nghi ngờ nhưng vì sợ Du Bảo sẽ rút lại ý định bán nhà giá rẻ nên vội vàng đưa tiền rồi chuyển đến sống.
Nhiều năm trôi qua, gia đình Hà Đại Hải vẫn sống khá chật vật vì lo chữa bệnh cho con trai còn Du Bảo đã lên chức ông nội, cuộc sống khá viên mãn. Tuy vậy ông lại cảm thấy không hài lòng vì gia đình 3 thế hệ chung sống trong căn nhà 90m2. Điều này khiến Du Bảo nhớ về mảnh đất hơn 500m2 rộng rãi ở quê đã bán giá rẻ cho người khác, bỗng chốc cảm thấy hối hận.
Cho đến năm 2011, Du Bảo nghe tin ngôi nhà cũ có khả năng bị phá dỡ và được bồi thường nên quyết định tìm đến gia đình Hà Đại Hải để mua lại mảnh đất với giá gốc 30.000 NDT. Tuy nhiên Hà Đại Hải không đồng ý, với số tiền này thì hiện nay chẳng thể có nơi nào để ở. Du Bảo tức giận lập tức kiện ông Hà ra tòa. Trên thực tế biên bản thỏa thuận mua bán đất của họ không có hiệu lực pháp lý nên trước giờ Du Bảo vẫn là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo đúng quy định của pháp luật, toà án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng nhà vô hiệu, trao lại ngôi nhà cho Du Bảo nhưng yêu cầu người đàn ông này bồi thường cho gia đình Hà Đại Hải 800.000 NDT (2,7 tỷ đồng) tương đương giá nhà theo thị trường ở thời điểm đó. Du Bảo không có đủ số tiền này trong tay, việc phá dỡ lại không chắc chắn nên ông ta lưỡng lự chưa muốn bồi thường, điều này tương đương với việc không lấy lại quyền sở hữu. Cuối cùng gia đình Hà Đại Hải tiếp tục sống trong căn nhà như cũ.
Cái kết bất ngờ cho vụ tranh chấp chủ cũ - chủ mới
Năm 2018, làng Thuận Nghĩa (Bắc Kinh) xác định những ngôi nhà sẽ bị phá dỡ, một mảnh đất 530m2 như của gia đình họ Hà có thể được bồi thường khoảng 11,35 triệu NDT (gần 39 tỷ đồng). Gia đình Hà Đại Hải chưa vui mừng được bao lâu thì Du Bảo một lần nữa xuất hiện để đòi tiền đền bù. Ông rất tự tin lần này mình có thể giành được khoản bồi thường kếch xù nên vô cùng đắc ý còn vợ chồng Hà Đại Hải chỉ biết bất lực ra toà.
Tại toà, Trưởng phòng Quản lý đền bù đất của Ủy ban Phát triển Nhà ở và Đô thị Nông thôn khu vực Trần Kiến Nhật lên tiếng phản đối việc ông Du nhận toàn bộ tiền bồi thường từ phá dỡ. Người này cho biết cả Du Bảo không còn hộ khẩu tại làng Thuận Nghĩa do Du Bảo chuyển đi từ gần 20 năm trước, từ năm 2011 ông đã từ bỏ quyền sở hữu căn nhà.
Chính vì vậy nếu xét tình hình thực tế thì người sử dụng đất hiện nay chính là gia đình họ Hà. Chưa kể chính sách đền bù của Chính phủ Trung Quốc thời điểm này đưa ra các điều khoản bồi thường có lợi cho người mất nhà do phá dỡ, trong khi đó Du Bảo không bị bất cứ ảnh hưởng nào. Du Bảo “cứng họng” không thể đưa ra bất kỳ lý lẽ phản biện nào.
Cuối cùng, Tòa án ra phán quyết không ai ngờ nhưng có thể kết thúc vụ tranh chấp kéo dài cả chục năm này: 70% số tiền bồi thường sẽ được trao cho gia đình Hà Đại Hải cùng 259,7m2 đất tái định cư còn Du Bảo nhận 30% cùng 111,3m2 đất tái định cư.
Vụ việc tại đất nước tỷ dân cũng là lời cảnh tỉnh cho việc nên mua bán bất động sản một cách minh bạch, rõ ràng để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, không vì ham rẻ mà để những nguy cơ tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.
Theo Toutiao