Tưởng tượng bạn đang tung tăng dạo bước trên đường thì bất ngờ đứng sững lại. Tại sao trước mặt không hề có gương mà lại xuất hiện hình bóng y hệt bạn thế kia? Lại gần hơn nữa, bạn mới phát hiện ra rằng đó là một con người bằng xương bằng thịt giống bạn như tạc, dù cả hai chẳng có chút quan hệ gì với nhau.
Đây là đoạn mở đầu thường thấy trong các bộ phim tình cảm, hành động, đan xen một chút ảo diệu khi nhân vật chính sau này sẽ bị thay thế bởi một người hoàn toàn xa lạ nhưng giống hệt vì một lý do éo le cây me nào đó, kiểu như bị tai nạn chẳng hạn.
Việc người giống người mà không quen biết nhau như vậy được gọi là doppelganger. Đây là một khái niệm được khai thác khá nhiều trong điện ảnh. Nó đem lại cảm giác khá ấn tượng, hơn nữa chỉ cần dùng kĩ xảo điện ảnh thì bao nhiêu cũng có luôn.
Nhưng trong thế giới thực, bao nhiêu cơ hội để chúng ta có thể bắt gặp được anh chị em song sinh khác cha khác nốt cả ông nội của mình?
Khoa học bảo xác suất người giống hệt người cực thấp
Vào năm 2015, nhà nghiên cứu Teghan Lucas thực hiện một bài kiểm tra để đánh giá nguy cơ nhầm lẫn người vô tội với kẻ sát nhân chỉ do sự tương đồng về ngoại hình.
Lucas cẩn thận phân tích khuôn mặt của gần 4000 cá nhân, đo kích thước của các bộ phận chính trên mặt như mắt và tai, sau đó tính ra xác suất để tồn tại hai khuôn mặt trùng khớp nhau.
Tổng thống Obama (trái) và chàng trai Indonesia - Ilham Anas được cho là bản sao của ông
Kết quả tính toán là điều đáng mừng đối với ngành tư pháp, vì cơ hội để 2 người bất kỳ có 8 đặc điểm trên khuôn mặt giống nhau là... nhỏ hơn ngàn tỉ.
Nếu xét vẻ ngoài hoàn toàn tương tự thì số đặc điểm giống phải lớn hơn 8 rất nhiều. Do đó, trên lí thuyết, xác suất tồn tại một cặp bản sao khác huyết thống vẫn có, nhưng ở mức cực nhỏ, gần như được xem là không thể.
Do đó, những ai muốn tìm bản sao thất lạc của mình trong vũ trụ hẳn sẽ thất vọng lắm đây.
Nhưng đây là khoa học bảo vậy, còn thực tế thì...
Cách bộ não phân tích khuôn mặt có thể khiến hai người xa lạ nhìn y như nhau.
Trong nghiên cứu của Teghan Lucas, cô đo các chỉ số chính xác tuyệt đối, ví dụ độ dài tai hai người dù gần bằng như 59 và 60mm vẫn được tính là khác nhau.
Nhưng bộ não chúng ta nhận diện người khác dựa vào các đường nét tổng quát của cơ thể chứ không chú trọng từng chi tiết. Đó là lí do vì sao chúng ta vẫn nhận ra người quen dù họ đổi kiểu tóc hoặc trang điểm đậm trên mặt.
Đây là Taylor Swift - cô ca sĩ đang được mệnh danh là...nữ hoàng thị phi. Bỏ qua việc đó, bạn sẽ phải nhận ra Taylor bất kỳ lúc nào dù khác đôi chút về cách trang điểm, màu tóc
Ngoài ra, khi đánh giá vẻ ngoài thì não cũng dành ưu tiên khác nhau cho các bộ phận cơ thể và có xu hướng phớt lờ đi những phần khó so sánh.
Theo Nick Fieller, chuyên gia thống kê tham gia dự án "Nhận diện khuôn mặt bằng máy tính" của Mỹ, hầu hết mọi người tập trung vào các đặc điểm bề ngoài như đường chẻ tóc, kiểu tóc, kiểu lông mày.
Còn nghiên cứu khác tiến hành vào năm 1977 cho thấy chúng ta nhận diện một người bằng cách nhìn tuần tự vào đôi mắt, miệng, và mũi.
Leonardo DiCaprio (trái) và phiên bản Thụy Điển, người mẫu Konrad Annerud
Vì vậy, nếu đo chi li từng đặc điểm thì người giống người gần như không thể, nhưng chỉ cần hai người gần giống nhau ở các điểm nổi bật như màu mắt, kích thước mũi, hình dáng miệng, kiểu tóc... thì bộ não của chúng ta sẵn sàng bỏ qua chút khác biệt ở những phần còn lại để xem họ giống nhau như hai giọt nước.
Taylor Swift (hình lớn bên phải) đã gặp mặt phiên bản Úc của mình là cô Olivia Sturgess tại tua lưu diễn Melbourne vào năm 2015
Xác suất người giống người trong trường hợp này lớn hơn rất nhiều. Lấy ví dụ, một người đàn ông châu Âu có mái tóc ngắn màu vàng, đôi mắt nâu, mũi bự, khuôn mặt tròn, râu rậm thì có bao nhiêu người sở hữu từng ấy đặc điểm và có thể được xem như bản sao của ông ta?
Theo thống kê, có 55% dân số thế giới mang màu mắt nâu, 1/10 có khuôn mặt tròn, 24,2% người mũi bự, 82% đàn ông có tóc ngắn trong đó 2% mang màu vàng tự nhiên, 1/6 đàn ông có bộ râu rậm, và 1/2 người trên Trái đất có giới tính nam.
Trường hợp gần đây của showbiz Việt: Sơn Tùng MTP và Thiện Viễn
Hãy cùng tính một phép nhân đơn giản: Giới tính nam x Mắt nâu x Tóc vàng x Tóc ngắn x Mặt tròn x Mũi to x Râu rậm. Kết quả cho thấy xác suất một người sở hữu tất cả đặc điểm trên là gần 1/50.000 (0,001819%).
Tức trong 7,4 tỉ dân thì người đàn ông của chúng ta có gần 148.000 bản sao tiềm năng của mình. Tập hợp lại là đủ tạo thành một hạm đội... nhân bản vô tính như Star War ấy chứ.
Đây là 2 người đàn ông chẳng có quan hệ gì với nhau, chỉ tình cờ gặp trên một chuyến bay, nhưng họ khác gì anh em sinh đôi đâu
Dĩ nhiên kiểu tính vừa rồi khá đơn giản và không hoàn toàn chính xác, nhưng đủ để minh họa rằng mỗi người trong chúng ta vẫn có cơ hội tương đối lớn để gặp bản sao của chính mình.
Cơ hội này cao hay thấp còn phụ thuộc vào đặc điểm ngoại hình người đó có phổ biến hay không, người mang vẻ ngoài không nổi bật thì sẽ dễ dàng tìm thấy bản sao hơn.
Cơ hội được chứng minh là có nhưng nếu một ngày bạn thực sự đụng mặt người giống hệt mình thì phải làm thế nào? Có lẽ nên thử đến bắt tay làm quen vì rõ ràng hai bạn đang chia sẻ với nhau nhiều thứ hơn tất thảy người khác trên thế giới này.
Nguồn: BBC Future