Nóng bắt nguồn từ đâu?
Quan điểm của Y học phương đông cho rằng nguyên nhân gây nóng trong là do chức năng của phủ tạng yếu, giải độc, thải độc không hiệu quả, làm cho các chất độc tích tụ lại trong cơ thể, là môi trường thuận lợi để phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa và nóng trong người.
Ở góc nhìn của Y học phương tây, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nóng bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, từ chế độ ăn mất cân bằng, sinh hoạt thiếu điều độ tới các yếu tố sử dụng thuốc, bệnh lý...
Thứ nhất, “nóng” do chế độ ăn uống không hợp lý. Các yếu tố như ăn ít chất xơ (rau củ, trái cây), ăn quá nhiều đồ cay nóng, nhiều chất đạm, tinh bột, nhiều muối…đều có thể khiến cơ thể lên tiếng.
Thứ hai, “nóng” do sử dụng chất kích thích. Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, sử dụng các chất kích thích (caffeine) sẽ làm tăng nhịp tim, tăng tốc độ chuyển hoá và cơ thể sẽ cần nhiều nước hơn. Do đó, người sử dụng nhiều các chất kích thích thường sẽ có cảm giác nóng trong.
Thứ 3, “nóng” do tác dụng không mong muốn khi sử dụng một số thuốc/ thực phẩm chức năng. Các thuốc thường gây nóng trong là thuốc chống dị ứng, thuốc huyết áp, chống ngạt mũi, chống trầm cảm, kháng sinh, thuốc giảm đau, các loại hormone…đặc biệt khi sử dụng với liều cao, trong thời gian dài. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này sẽ khác nhau tuỳ người, do đó rất khó để xác định xem nguyên nhân nóng trong của bạn có phải do sử dụng thuốc hay không.
Một số bệnh lý có thể gây nóng trong như: tình trạng như nhiễm trùng, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, mất ngủ, rối loạn thần kinh,... Cường giáp cũng có thể là nguyên nhân, bởi khi đó, cơ thể sẽ sản xuất quá nhiều hormone thyroxine, gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Lượng thyroxine cao hơn sẽ làm tăng quá trình trao đổi chất, dẫn đến tăng thân nhiệt và nóng trong.
Như vậy, nóng trong người đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau khi loại trừ tất cả những lí do trên mà cơ thể vẫn gặp phải những vấn đề như nhiệt miệng, nổi mụn… thì nên tìm tới bác sĩ để được tư vấn và có giải pháp hiệu quả nhất.
Bột lúa mì và dầu mỡ có gây nóng như mọi người nghĩ?
Dưới góc độ khoa học thì có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nóng trong người. Tuy nhiên, người ta vẫn truyền nhau câu cửa miệng: thực phẩm này, thực phẩm kia gây nóng, chẳng hạn như mì ăn liền. Lí do mì ăn liền gây nóng theo “dân gian” là bởi thành phần tinh bột và chiên qua dầu.
Các chuyên gia cho biết, theo y học hiện đại, không có thực phẩm nào là nóng hay lạnh, do đó, khó có thể nói thực phẩm là nguyên nhân gây nóng trong, cụ thể ở đây là mì ăn liền. Lượng tinh bột trong 1 gói mì ăn liền chỉ nhiều hơn 8g so với một bát phở (loại 150g bánh phở/bát) và kém hơn 30g so với bánh bao nhân thịt (loại 180g/chiếc). Nếu phở và bánh bao chưa bao giờ nằm trong “danh sách đen” thực phẩm gây nóng, thì cũng không thể “quy tội” cho thành phần bột mì trong mì ăn liền, khiến người dùng bị nóng trong.
Nói về dầu chiên, một phép so sánh đơn giản cho thấy lượng dầu trong mì ăn liền chỉ tương đương với 4 miếng đậu rán, hoặc tăng hơn 1g so với một bát phở gà. Nhưng mọi người không phàn nàn hay đổ tội ăn đậu rán hay 1 bát phở gà gây nóng.
TS.BS. Trương Hồng Sơn cũng cho biết, bột lúa mì hay dầu không phải nguyên gây nóng dù theo Đông y hay Tây y. Có rất nhiều yếu tố khiến bạn bị thay đổi nội tiết, vị giác, quá trình tiêu hóa mà biểu hiện ra bên ngoài những dấu hiệu bạn coi là bị “nóng”. Vì thế, đừng vội vàng quy tội cho thực phẩm hay món ăn nào đó là nguyên nhân gây nóng và “bó buộc” khẩu vị của mình vì những lầm tưởng hay những tin đồn thiếu cơ sở.