Nga đã đảo ngược tình thế ra sao?
Khi Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria vào tháng 9/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, ông Ash Carter tiên đoán, Kremlin sẽ có một kết cục thê thảm tại đây. Ông Carter từng cho rằng, Tổng thống Nga "đổ thêm dầu vào lửa" và chiến thuật của ông Putin chống lại IS trong khi hỗ trợ chính quyền ông Assad chắc chắn sẽ đại bại.
Tuy nhiên, hai năm sau, ông Putin đã thắng lợi. Có thể thấy, tương lai của chính quyền ông Bashar al-Assad được đảm bảo. Họ sẽ sớm tuyên bố đã quét sạch IS khỏi đất nước, theo tờ Spectator.
Ông Putin dường như đã làm chủ mọi diễn biến và nắm bắt được tình hình. Không giống như Afghanistan, người dân Syria đã quen với việc sống trong một nền văn hóa dân chủ, tự do, ủng hộ hòa bình tôn giáo.
Cuộc biểu tình do hàng triệu người thực hiện ở Damascus là để ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad.
Trong số hơn hai phần ba dân số sống ở những vùng Chính phủ đang nắm giữ, ông Assad rất được yêu quý, còn Tổng thống Putin được coi là người hùng.
Ông Putin mới đây vừa chỉ trích Washington vì sự thiếu hiểu biết tại Syria. Nó cũng có thể là hướng vào các nhà lãnh đạo NATO.
Trong một cuộc họp tại Liên Hợp Quốc vào tháng trước, phương Tây và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tuyên bố, họ sẽ không tham gia vào công cuộc tái thiết Syria cho tới khi ông Assad thoát ly khỏi vũ đài chính trị.
Vài tuần trước đó, một hội nghị tầm cỡ quốc tế đã diễn ra tại Damascus về công việc tái xây dựng Syria.
Trong hội nghị này, ông Assad khẳng định, các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD sẽ không dành cho các nước Arab và phương Tây, với lý do họ đã phá hoại đất nước của ông.
Thay vào đó, Syria sẽ hướng sang phương Đông, đặc biệt là tới Nga, Iran và Trung Quốc. Moscow đang tất bật trong việc vận chuyển hàng ngàn tấn nguyên vật liệu và hơn 40 thiết bị xây dựng, bao gồm máy ủi và cần cẩu tới Syria.
Vai trò ngày càng gia tăng của Nga trong khu vực nhờ những hành động tại Syria cũng được nhấn mạnh trước chuyến thăm chớp nhoáng Libya của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.
Tại đây, ông Johnson đã tham dự một cuộc họp ngắn với Tư lệnh Khalifa Haftar, cựu chỉ huy quân đội Gaddafi.
Lực lượng của ông Haftar đang áp đảo tại Tây Libya, bao gồm Benghazi và phần lớn các giếng dầu của đất nước này.
Ông Haftar có liên hệ với Moscow từ những năm 1970, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi ông Putin và liên tục có những buổi gặp mặt với quan chức Nga trên các tàu sân bay trên bờ biển Địa Trung Hải.
Một tuần trước khi bắt tay với Ngoại trưởng Anh, ông Haftar đã tới thăm Moscow để tham dự cuộc hội đàm mở rộng cùng các quan chức cấp cao của Nga từ bộ Quốc phòng và bộ Ngoại giao.
Họ đồng thuận với kế hoạch biến đất nước Libya bị chia cắt thành một Nhà nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Quốc phòng Haftar, với viện trợ quân sự trực tiếp từ Nga.
Kremlin đã triển khai bộ binh và chiến đấu cơ tới Tây Ai Cập để cùng nước này và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, cùng hỗ trợ ông Haftar trong cuộc chiến chống lại IS.
Hàng thập kỷ trước sự sụp đổ của Gaddafi, Nga đã là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Libya và đồng minh thân cận nhất.
Moscow từ lâu đã muốn xây dựng thêm một cảng thủy quân tại bờ biển Libya để hỗ trợ căn cứ tại Tartus.
Tuy nhiên, Syria và Libya mới chỉ là hai ví dụ cho sự thắng thế của Nga đối với phương Tây trong quyết tâm khẳng định vị thế tại Trung Đông.
Thắng thế dù liên tục bị "chọc gậy bánh xe"
Ông Putin vừa ký một hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có đội quân thường trực lớn thứ hai trong NATO, bán cho nước này hệ thống phòng không S-400 tân tiến nhất.
Nga vừa ký hợp đồng bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
S-400 đã được triển khai tại Syria, trong khi Iran được cung cấp loại S-300 kém tân tiến hơn, nhưng vẫn rất đáng gờm. Ngay sau khi Nga tham chiến tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay của nước này.
Đây là hành động cố ý gây hấn của Tổng thống Recep Erdogan, người phẫn nộ khi biết tin ông Putin đã thực hiện chiến dịch đánh bom liên tiếp để chấm dứt việc nhập khẩu dầu của Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria.
Quan hệ khởi sắc chưa từng có giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây là minh chứng cho tài năng ngoại giao xuất chúng của ông Putin. Với sự giúp đỡ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác với Iran và Iraq để khắc phục hậu quả của vụ trưng cầu dân ý đòi ly khai của cộng đồng người Kurd.
Quốc vương Salman tới Moscow vào tuần trước. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Arab thực hiện một cuộc viếng thăm chính thức tới Nga.
Tổng thống Nga chia sẻ sự bất đồng của mình với nền dân chủ phương Tây và không giống như những người làm việc tại Nhà Trắng, ông là một người giữ lời. Những mối bận tâm của Saudi tại Moscow bao gồm: Sự trỗi dậy của Iran trong khu vực với tư cách là một tay chơi áp đảo; khu vực giảm leo thang của Syria; hàng tỷ USD trong việc trao đổi vũ khí với Nga và đầu tư kinh tế trực tiếp.
Saudi vẫn phẫn nộ về việc chính quyền ông Obama đồng ý thỏa thuận hạt nhân với Iran, đối thủ trong khu vực của các nước Arab và bày tỏ thái độ bất mãn trong thất bại tại Syria. Họ chỉ còn trông cậy vào Nga trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Tehran tại Syria.
Cùng với lý do này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có nhiều cuộc gặp mặt với ông Putin. Trong một cuộc họp, ông đã khẩn thiết yêu cầu nhà lãnh đạo Nga kiểm soát Iran và Hezbollah, những lực lượng mà theo ông là đang muốn phá hoại Nhà nước Do Thái.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel Netanyahu.
Trong nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn ông Putin thâu tóm quyền lực, chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump có thể sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và nhóm P5+1 vào ngày 15/10 tới, cho dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc giữ nguyên lập trường Tehran vẫn tuân thủ những điều lệ trong thỏa thuận.
Mục đích của việc này là kích động hành động quân sự từ phía Iran, hay ít nhất là tạo ra những vấn đề trong khu vực để gây khó khăn cho Kremlin.
Hành động "chọc gậy bánh xe" bất cẩn và vô căn cứ này, trong dài hạn, giống như sự can thiệp tại Afghanistan, Iraq và Syria, chắc chắn sẽ thất bại.
Ông Putin đã đi trước nhiều bước, thành công trong việc đàm phán các thỏa thuận dường như bất khả thi.
Nga tuyên bố với Thủ tướng Israel, dù Nga coi nước này là một đối tác, Iran sẽ vẫn là đồng minh của mình. Tổng thống Nga đã chuẩn bị sẵn giải pháp ngoại giao cần thiết để hóa giải căng thẳng giữa Iran, Israel và một lần nữa cho Washington ra rìa.