(Ảnh: Flickr)
Theo tiến sĩ Meltzer, các nghiên cứu trước đây xem xét việc lặp lại để tạo ra trí nhớ ngắn hạn và kết luận rằng, sử dụng ý nghĩa của từ sẽ giúp chuyển bộ nhớ từ ngắn hạn sang dài hạn. Kết luận này cũng nhất quán với các chiến lược của những nhà vô địch thế giới về trí nhớ, những người nhớ các thông tin ngẫu nhiên như trật tự của một bộ bài bằng cách sáng tạo ra những câu chuyện đầy ý nghĩa.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học ghi nhận sóng não của 25 người trưởng thành khỏe mạnh. Sóng não của họ được ghi nhận khi họ được yêu cầu ghi nhớ các danh sách từ, các câu trong vài giây rồi lặp lại nó. Sau đó, họ được dẫn tới một phòng kiểm tra để xem họ có thể nhớ lại thông tin đã nghe hay không. Nhờ ảnh chụp não, các nhà nghiên cứu xác định được các hoạt động não liên quan tới ghi nhớ qua âm thanh và ý nghĩa.
Công trình này giúp các nhà khoa học xác định được các bộ phận não tham gia vào việc tạo ra hai loại trí nhớ ngắn hạn. Tiến sĩ Meltzer cho biết, có nhiều cơ chế hỗ trợ trí nhớ ngắn hạn dù bộ nhớ ngắn hạn dựa trên âm thanh hay ý nghĩa. Khi chúng ta bị chấn thương não do đột quỵ hay sa sút trí tuệ, một trong các cơ chế này sẽ bị hỏng. Để bù đắp lại thiệt hại, chúng ta có thể học cách dựa vào phương pháp thay thế để hình thành bộ nhớ ngắn hạn.
Ví dụ, những người gặp khó khăn khi ghi nhớ các sự vật có thể mang theo một xấp giấy và nhẩm lại thông tin cho tới khi họ có cơ hội viết chúng ra giấy.
Tiến sĩ Meltzer cũng là giáo sư tâm lý đại học Toronto (Canada). Những kết quả này sẽ được tiến sĩ Meltzer sử dụng để khám phá những kích thích não bộ có định hướng có thể tăng cường trí nhớ ngắn hạn của các bệnh nhân đột quỵ. Ngoài ra, nhóm của ông cũng nghiên cứu loại trí nhớ có thể được điều trị tốt nhất bằng các phương pháp kích thích não hay thuốc hiện có và cách thức cải thiện những phương pháp này.
Nghiên cứu của nhóm Meltzer đã được công bố trên NeuroImage số tháng 6 năm 2017.