Từ ngày 1/8 vừa qua, Nghị định 46 có hạng mục xử phạt người không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (đặc biệt liên quan đến đèn vàng) bắt đầu có hiệu lực. Nghị định này cũng gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều của người tham gia giao thông, trong đó có người cho rằng xử phạt người tham gia giao thông vượt đèn vàng là không hợp lý và sai quy định.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Sơn – Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai cho biết sẽ tham mưu cho Ban ATGT tỉnh Lào Cai “yêu cầu các lực lương thực thi công vụ không xử lý lái xe vượt tín hiệu đèn vàng do không có quy định về xử phạt vi phạm vượt đèn vàng”.
Ông Sơn trích rõ điều 2 Bộ Luật gần đây nhất quy định: Mục C, khoản A, điều 10 tại Bộ Luật năm 2008 quy định Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường; và trong các điều 5, 6, 8, 10 của Nghị định 46 vừa có hiệu lực chỉ quy định xử phạt người tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông.
“Như vậy không hề có quy định xử phạt người tham gia giao thông vượt đèn vàng.
Về vấn đề này tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Lào Cai yêu cầu các lực lượng thực thi công vụ không xử lý lái xe vượt tín hiệu đèn vàng” – ông Sơn khẳng định.
Trả lời phóng viên Infonet về vấn đề này, ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông) – thành viên Ban soạn thảo nghị định 46 về vấn đề người tham gia giao thông phải chấp hành tín hiệu đèn cho biết, Nghị định 46 không có khái niệm nào xử phạt người tham gia giao thông vượt đèn vàng mà chỉ có quy định xử phạt người “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” (tại mục A, khoản 5, điều 5).
“Cần phải phân biệt rõ giữa lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông với lỗi vượt đèn vàng. Lỗi vượt đèn vàng chỉ là một điểm nằm trong lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông” – ông Tùng nhấn mạnh.
Phân tích về lỗi liên quan đến đèn vàng, ông Tùng chỉ rõ ra có 2 lỗi đèn vàng bị xử phạt khi gặp đèn tín hiệu.
“Nếu phương tiện chưa qua vạch dừng mà đèn vàng bật lên thì người điều khiển phải dừng lại còn nếu đã qua vạch dừng rồi mà đèn vàng mới bật lên thì được đi tiếp (theo ông Tùng đây cũng là vượt đèn vàng nhưng không thể xử phạt người tham gia giao thông – PV).
Lỗi thứ 2 là nếu vừa hết đèn đỏ mà người dừng chờ lại đi luôn trong khi đèn vàng ở chiều ngược lại chưa tắt cũng sẽ bị xử phạt do có thể làm giao thông xảy ra xung đột” – ông Tùng phân tích.
Liên quan đến Nghị định trên, vừa qua lực lượng CSGT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đội quản lý hệ thống camera giám sát ghi lại hình ảnh những phương tiện vi phạm lỗi liên quan đến tín hiệu đèn giao thông để tiến hành xử phạt theo Nghị định 46 vừa chính thức có hiệu lực.Hoàng Nam