Ở nhiều vùng nông thôn của Trung Quốc, do đời sống khó khăn, nhiều cặp vợ chồng phải để lại con cái cho ông bà chăm sóc rồi lên thành phố lao động. Trong hoàn cảnh ấy, những đứa trẻ tội nghiệp phải rời xa cha mẹ từ khi còn rất nhỏ, trưởng thành trong sự thiếu thốn đủ bề. Ông bà đành đóng cả vai trò của cả cha lẫn mẹ, nuôi lớn và dạy dỗ cháu mình khi đã xế chiều.
Sự nương tựa vào nhau như vậy đã tạo nên mối liên kết vô cùng chặt chẽ giữa những người ở lại. Thế nhưng ông bà dù sao tuổi cũng đã cao, khó tránh khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Những đứa trẻ non nớt từ đây phải sớm đối mặt với sự nghiệt ngã của thời gian. Nỗi đau mất đi người thân yêu nhất, tình yêu, sự trân trọng với ông của mình đã được một học sinh tiểu học khắc họa đầy xót xa:
Nguồn: Internet
"Ông tôi
Khi ông còn sống
Phong ba bão táp trên thế gian này
Đều bỏ qua tôi
Mà nghiêng hết về ông rồi"
Bài văn của cậu bé không có ngôn ngữ hoa mỹ, cũng không cần các biện pháp tu từ, chỉ đơn giản mấy câu tâm tình nhẹ nhàng như bâng quơ nhưng lại lột tả được hết dáng hình người ông vĩ đại trong lòng cậu bé.
(Ảnh minh họa)
Người ông ấy, khi còn sống, là người che đi mọi giông tố nghiệt ngã của cuộc đời, là người bảo vệ, người hi sinh để giữ cho cậu một mảnh trời bình yên. Từng câu từng chữ khắc họa nỗi nhớ thương da diết, lòng yêu kính, biết ơn sâu sắc của cậu bé với ông.
Ở bậc tiểu học, mấy ai có thể hiểu rõ lòng mình, lại mấy ai có thể tỏ rõ lòng mình như thế. Từ đây cũng có thể thấy được, chủ nhân bài viết là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện đến mức khiến người khác phải đau lòng.
Thế mới thấy học sinh tiểu học cũng đã có thế giới quan của riêng mình. Có yêu ghét, buồn vui, có cả những nỗi đau khắc cốt ghi tâm mà người lớn thường không kịp phát hiện.