Sau khi bước vào Tiểu học, học sinh sẽ làm quen với môn Toán. Ở cấp Tiểu học, các em mới chỉ tiếp xúc với những kiến thức đơn giản như cộng, trừ, nhân, chia. Dần dần, các kiến thức sẽ được tăng độ khó hơn, không chỉ áp dụng công thức thông thường mà còn phải tập suy nghĩ, tư duy logic.
Chẳng hạn như bài toán dưới đây. Một phụ huynh đã đăng tải lên diễn đàn Toán học và rất băn khoăn với đáp án cuối cùng. Đề bài như sau:
"Hãy tính số tuổi của ba chị em biết rằng:
- Khi nhân tuổi của chúng lại với nhau được 36;
- Cộng tuổi của chúng lại với nhau được 13;
- Đứa lớn tuổi nhất có tóc màu vàng hoe."
Sau khi đọc xong, nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận. Nhiều người cho rằng đáp án rất đơn giản. Vì tuổi của 3 chị em nhân với nhau được 36, vậy thì chỉ có thể xảy ra những trường hợp sau:
36 = 2 × 3 × 6, khi đó 2 + 3 + 6 = 11.
36 = 2 × 2 × 9, khi đó 2 + 2 + 9 = 13.
36 = 4 × 9 × 1, khi đó 4 + 9 + 1 = 14.
36 = 4 × 3 × 3, khi đó 4 + 3 +3 = 10.
36 = 18 × 2 × 1, khi đó 18 + 2 + 1 = 21.
36 = 12 × 3 × 1, khi đó 12 + 3 + 1 = 16.
36 = 6 × 6 × 1, khi đó 6 + 6 + 1 = 13.
36 = 36 × 1 × 1, khi đó 36 + 1 + 1 = 38.
Trong khi đó, dựa vào dữ kiện thứ hai của đề bài: Tổng của 3 chị em bằng 13, vậy có hai trường hợp thỏa mãn, đó là (2;2;9) và (6;6;1).
Đến đây, nhiều phụ huynh nghĩ rằng rất có thể bài toán này có 2 đáp án. Thế nhưng nếu không đọc kỹ đề bài, chúng ta sẽ bỏ sót một chi tiết tưởng chừng như "vô dụng".
Dữ kiện thứ 3 của đề bài là "chị cả có mái tóc vàng", tức câu nói này chỉ ra, đặc điểm này của chị gái cả khác với 2 đứa em còn lại, và 2 đứa em là cặp sinh đôi.
Do vậy, đáp án là cô chị 9 tuổi, 2 cô em đều 2 tuổi.
Nhiều người đã có những phản hồi tích cực, đánh giá cao về bài toán, đây là phương pháp hay giúp cho học sinh tiểu học nhằm phát triển tư duy. Điều này giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức một cách thụ động từ giáo viên mà còn có khả năng áp dụng một cách linh hoạt trong việc giải quyết bài tập, thay vì chỉ theo một lối mòn. Ngoài ra đây còn là dịp để học sinh thử thách sự nhanh nhạy và khả năng suy luận logic.