Từ thời tiểu học hẳn ai cũng quen với các phép cộng, trừ, nhân, chia mà chỉ cần nhìn thấy là có thể làm thoăn thoắt. Để môn Toán không trở nên khô khan, dễ hiểu và thực tế hơn nên các giáo viên không ngừng nghĩ ra các ví dụ, đề bài hay ho, qua đó kích thích tư duy học trò. Nhưng đôi khi, việc sáng tạo đề bài này lại gặp những "lỗ hổng" lớn, không chỉ xét về mặt tính toán mà còn xét về sự hợp tình, hợp lý.
Mới đây, một bài toán tiểu học được phụ huynh chia sẻ lên mạng để hỏi ý kiến các bậc cha mẹ khác. Lần này, vị phụ huynh không hỏi cách giải bài cho con mà chỉ nêu ra thắc mắc của tính logic từ đề bài mà cô giáo đã cho. Đề đơn giản như sau: An 8 tuổi. Bố gấp 3 lần tuổi An. Ông nội gấp 6 lần tuổi bố. Hỏi bố và ông nội bao nhiêu tuổi?
Ảnh: Facebook
Hẳn nhiên, nếu đưa đề bài này cho con nít, ai cũng làm được ngay lập tức vì không quá lắt léo, chỉ cần thực hiện qua 2 lời giải là ra ngay đáp án. Nhưng tính đi tính lại, người mẹ vẫn không thể hiểu được, tại sao kết quả lại vô lý như thế. Nếu bố gấp 3 lần tuổi con, khi biết tuổi con là 8, thì 8x3 là ra kết quả 24.
Trong tình huống này, người mẹ đặt dấu chấm hỏi về việc An đã ra đời khi bố chỉ đang là trẻ vị thành niên... 16 tuổi.
Nhưng đó chỉ là 1 điểm vô lý của bài toán, một lỗ hổng khác khi giải đề bài này đó là số tuổi của ông nội.
Vì đề bài cho biết ông nội gấp 6 lần tuổi bố, như vậy ta lấy 24x6 là ra 144. Tức là ông nội của đề bài nếu còn sống sẽ trở thành cụ ông sống thọ nhất thế giới. Hiện nay, kỷ lục Guinesss ghi nhận người sống lâu nhất hành tinh là 1 cụ bà ở Nhật Bản đang 117 tuổi. Chưa kể, giả dụ của đề bài cho thấy, người bố được ông sinh ra khi đã 120 tuổi.
Ảnh minh họa
Tưởng chừng đề bài hay ho vì cho học trò một ví dụ giả định để tính toán nhưng lại gây ra băn khoăn lớn về tính thực tế.
Ngày nay, độ tuổi kết hôn của nam giới theo pháp luật hiện hành là 20 tuổi. Vậy là người bố trong đề về mặt pháp lý thì đã kết hôn trước độ tuổi cho phép. Còn người ông hẳn nhiên nếu có con khi đã ở tuổi cao thì cũng là "chuyện lạ".
Nếu đề bài trên được thay đổi thành tính số kẹo, số cam, số quýt thì có lẽ đã không gây ra tranh cãi lớn như vậy.
Dù biết việc nghĩ ra các dạng bài toán giải bằng lời giải có thể gây hứng thú cho học sinh nhưng một lưu ý là hãy xem xét tính thực tế và logic của nội dung. Vì với độ tuổi tiểu học, với những gì học sinh đọc, xem và nghe được sẽ đều lưu lại và có ấn tượng mạnh mẽ, nếu đề bài có lỗ hổng cũng sẽ tác động tới sự tiếp nhận về kiến thức của trẻ.