Theo Economist, trong 4 năm qua, các binh lính Mỹ đã giúp Syria "nghiền nát" tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hài lòng với điều này và giờ quyết đưa quân về nước.
Khoảng 2,000 lính Mỹ dự kiến sẽ về nước trong vài tháng tới. Việc rút quân đột ngột này khiến đồng minh Mỹ ở khu vực hoảng hốt, đặc biệt là người Kurd ở Syria. Mỹ rút quân cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ khu vực phía Đông Syria giàu dầu mỏ, khí đốt và đất trồng trọt sẽ được giao lại cho chính phủ Syria cũng như Iran và các đồng minh của Nga .
Khi Mỹ rút khỏi Syria, Nga hẳn nhiên sẽ được mở rộng quyền hoạt động.
Bắt đầu tham gia vào cuộc nội chiến Syria năm 2015, Nga giữ vai trò là lực lượng giúp đỡ Tổng thống Syria Assad. Dưới sự giúp đỡ của Nga, ông Assad đã giành thắng lợi trong cuộc nội chiến Syria sau gần 8 năm qua. Những nhà cầm quyền độc đoán của vùng Vịnh vốn không ưa ông Assad giờ cũng phải quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao.
Điều này cho thấy khả năng tuyệt vời của Nga trong việc gắn kết các đồng minh. Bởi vậy nên giờ Nga ngày càng được xem là cường quốc không thể thiếu trong khu vực.
Nga có thể đàm phán với tất cả các nước mang những quan điểm khác nhau ở Syria như Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu Nga muốn đạt đến thành công trọn vẹn và thậm chí "hất cẳng" Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông này, Moscow cần phải cho thấy nước này mang đến hoà bình lâu dài sau những năm nội chiến ở Syria.
Tuy nhiên, cho đến nay, Nga vẫn chưa làm được điều này. Không gắn kết Syria thành một mối, Nga lại để cho ông Assad tiếp tục gây chia rẽ.
Chính quyền Syria hạ lệnh tấn công vào các thành phố của người Sunni trong khi tạo cơ hội cho người Shias, người theo đạo Cơ đốc chiếm lấy tài sản của những người chạy trốn các cuộc tấn công. Hiện 6 triệu người Syria di cư ra nước ngoài giờ khó có thể hồi hương.
Nga cho rằng đôi tay cứng rắn của ông Assad là cần thiết để giữ cho Syria ổn định. Đó là sai lầm. Dù giải pháp mạnh có thể giúp ông Assad tồn tại nhưng điều đó lại ngăn Syria phục hưng. Điều này có thể đẩy người Sunni vào vòng xoáy cực đoan.
Sự bất công, tham nhũng và chia rẽ làm phát sinh các cuộc nổi loạn và dung dưỡng những kẻ cực đoan. Nếu như vẫn duy trì chính sách cầm quyền này, Syria sẽ không bao giờ yên bình được.
Để thay đổi Syria, phải bắt đầu bằng việc xây dựng lại thể chế và cơ sở hạ tầng. Quyền lực, tài sản phải được sẻ chia rộng khắp. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Assad dường như khó lòng chấp nhận những thay đổi mới mẻ này.
Nhưng rõ ràng Nga có thể tác động làm đổi thay quan điểm của ông Assad bởi suy cho cùng sự sống còn của nhà lãnh đạo Syria này phụ thuộc vào quyền lực mạnh mẽ của Nga.
Nga cũng nên tăng cường biện pháp để đảm bảo rằng các cuộc xung đột mới không bùng phát ở Syria. Ở phía Bắc, người Kurd đã chuyển sang kết thân với lực lượng của ông Assad để tránh bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
Các nhóm quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã kiểm soát một dải đất phía Bắc Syria. Nga có thể phải nắm giữ vai trò điều phối giữa các đảng phái, đặc biệt ở thành phố Manbij.
Ở phía Nam, Moscow cũng có thể phải tăng cường kiềm chế Iran trong việc mở rộng sự hiện diện ở Syria và nguy cơ của một cuộc chiến tranh mới giữa Iran với Israel.
Tổng thống Putin, người tự gánh lấy trách nhiệm của người làm chủ vận mệnh Syria hẳn sẽ phải vật lộn để vạch ra tương lai cho quốc gia Trung Đông nếu ông cho phép ông Assad điều hành một cách phóng túng. Các cuộc đàm phán hoà bình đã thất bại cơ bản vì sự không khoan nhượng của ông Assad.
Nga khó có thể giành thắng lợi một cách dễ dàng mà không bị tổn thất gì. Ông Putin dường như né tránh việc đẩy Nga vào sa lầy trong cuộc chiến ở Syria. Và thực tế, các nguy cơ vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào.