Bài thơ 'Bắt nạt' trong Ngữ văn lớp 6 mới bị chê dở, không xứng vào SGK, tác giả lên tiếng thế nào mà vẫn gây phẫn nộ?

Trịnh |

Một bài thơ nằm ở nội dung Ngữ văn trong chương trình sách giáo khoa mới, dự kiến sẽ được áp dụng ở năm học này đang gây tranh cãi.

Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai đưa chương trình sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới vào giảng dạy sau 1 năm thực hiện phổ cập sách giáo khoa lớp 1 mới. Có 3 bộ sách để các tỉnh, thành lựa chọn sử dụng bao gồm bộ sách Cánh Diều, bộ sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tuy năm học mới chưa bắt đầu song đã có một số tranh luận về nội dung của các bộ sách giáo khoa mới này. Trong đó, sự việc đáng chú ý gần đây là nội dung bài thơ "Bắt nạt" nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 6, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống bị dân mạng lôi ra mổ xẻ. Bài thơ này của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, sinh năm 1982, người có khá nhiều bài thơ được độc giả yêu mến vì sự gần gũi.

Nội dung bài thơ nói đến những mặt tiêu cực, không tốt của việc đi bắt nạt người khác và khuyên bảo học sinh không nên đi bắt nạt, ức hiếp người yếu hơn mình. Bài thơ gồm 8 khổ, mỗi khổ gồm 4 dòng, được thể hiện khá súc tích và sử dụng các hình ảnh gần gũi, ngôn ngữ đơn giản, không cầu kỳ. Nhiều người nhận xét bài thơ rất nhẹ nhàng và truyền tải thông điệp về một vấn nạn bằng một cách khá thú vị, không nặng nề nhưng rất nhân văn.

Song không ít khán giả khi xem qua bài thơ đã thể hiện sự không đồng tình với việc bài thơ được đưa vào chương trình sách giáo khoa.

Theo đó, dân mạng cho rằng bài thơ quá trẻ con và không hợp lý khi đước đưa vào chương trình giảng dạy lớp 6, văn bản này chỉ phù hợp với các lớp nhỏ hơn. Ngoài ra, nhiều netizen bình luận về việc không cảm nhận được tính nghệ thuật, vần điệu và nhạc tính trong bài thơ, thậm chí một số người còn gay gắt nói bài thơ vô nghĩa.

Trước loạt những búa rìu dư luận này, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh không ngại đáp trả ngay trên trang cá nhân của mình. Những tranh cãi, thắc mắc của dư luận được anh giải thích như sau:

Bài thơ không phù hợp với học sinh lớp 6, quá trẻ con, đơn giản

Quan điểm của nhà thơ Nguyễn Hoàng Thế Linh trên trang cá nhân:

Khi viết bài thơ cho tập thơ thiếu nhi, mình chọn ngôn ngữ thật dễ hiểu hướng đến lứa tuổi rất nhỏ, gồm cả các em chưa đi học. Nên khi nhận được đề nghị đưa bài thơ vào SGK lớp 6, mình cũng có lăn tăn giống nhiều bạn.

Nhưng khi người biên soạn nói bài thơ vẫn có thể giúp ích cho lớp 6 là lứa tuổi mà vấn nạn bắt nạt trở nên dữ dội hơn thì mình cũng thấy hợp lí và tôn trọng những suy nghĩ sâu xa của người làm sách.

Bài thơ Bắt nạt trong Ngữ văn lớp 6 mới bị chê dở, không xứng vào SGK, tác giả lên tiếng thế nào mà vẫn gây phẫn nộ? - Ảnh 2.

Hơn nữa, trong văn chương có những tác phẩm không giới hạn cho lứa tuổi nào. Cách đọc văn chương nhiều khi chỉ đơn giản là dùng sự trân trọng để thưởng thức cái hay từ những tác giả coi ngòi bút là thẩm mỹ, đẳng cấp và danh dự. Nhiều người lớn cũng rất thích "Ra vườn nhặt nắng" là vì vậy.

Các bạn lớp 6 hay bất cứ lớp nào cũng có thể học văn theo cách lấy một bài thơ từ một tập thơ ra và thưởng thức, phân tích. Hiểu như vậy sẽ thấy việc này là bình thường. Thơ trong "Ra vườn nhặt nắng" cũng đã được dùng để dạy ở đại học.

Mình cũng mong có nhiều độc giả có thêm cách tiếp cận văn chương đem lại nhiều thoải mái hơn cho bản thân như vậy.

"Bắt nạt" chẳng có giá trị nghệ thuật gì, không có vần điệu hoặc vần điệu ngang phè

Trước ý kiến trên, nhà thơ cho rằng: "Bạn không hiểu rằng, nói như vậy chính là cung cấp bằng chứng cho người đọc rằng bạn bị mất cảm thụ tự nhiên và cả thất học vì không thấy nổi vần điệu rất rõ ràng, đầy đặn và sắp xếp tinh tế trong văn bản.

Với năng lực như vậy, làm sao bạn nhân danh được được ai về điều đúng đắn hay cảm thụ. May ra là nhân danh được cho những người đã cảm thụ kém còn khoe thái độ sai, coi thường thiên tài như bạn.

Và khi cùng hăm hở chống lại bài thơ, hăm hở nhân danh cảm thụ của trẻ em, của trẻ em lớp 6 dù họ không hề đề nghị, các bạn chỉ tập hợp nên một đám đông sai trái và mất cảm thụ muốn đi càn quét nghệ thuật thực thụ.

Còn nhiều thời gian để các bạn xem nhiều bạn lớp 6 nói gì mà!"

Bài thơ Bắt nạt trong Ngữ văn lớp 6 mới bị chê dở, không xứng vào SGK, tác giả lên tiếng thế nào mà vẫn gây phẫn nộ? - Ảnh 3.

Tác giả cũng nói thêm: "Nhiều bạn đang không chấp nhận sự thật là trong hơn 6 năm qua, rất nhiều trẻ em đi học và chưa đi học cũng như nhiều người lớn cảm nhận tự nhiên, dễ dàng vần điệu rất cơ bản và thêm nhiều biến hoá của bài thơ.

Trẻ con bé tí còn cảm nhận rõ vần điệu của bài thơ và việc nhiều em học thuộc lòng dễ dàng là bằng chứng các bạn không theo kịp các em. Đã có vấn đề về cảm thụ rồi, muốn khá hơn thì phải cầu thị lắng nghe hơn chứ!"

Ngoài ra, tác giả cũng chỉ ra một số biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ như:

Bên cạnh vần chân ở cuối dòng, vần lưng ở giữa dòng, vần nối gần như tất cả các khổ thơ, còn có những cách tạo nhạc tính khác.

Các từ láy phụ âm đầu như HỌC HÁT, HÍP HÓP, NHÚT NHÁT, CÁI CÂY hay láy đuôi như BẮT NẠT cũng được sử dụng nhiều.

Biện pháp điệp từ "BẮT NẠT" và "ĐỪNG BẮT NẠT" cũng được sử dụng với tần suất cao giúp kết nối hơn âm thanh của các câu.

Nói "Híp hóp", "Học hát", "Cái cây" là từ láy nhưng dân mạng đồng loạt cho rằng không phải

Sau khi cho rằng "Híp hóp", "Học hát", "Cái cây" là những từ láy phụ âm đầu, dân mạng đã chỉ ra điều này không đúng bởi theo định nghĩa trong tiếng Việt thì từ láy được cấu tạo từ 2 tiếng, trong đó phần nguyên âm hoặc phụ âm được láy giống nhau hoặc chỉ 1 phần nguyên âm và phụ âm láy như nhau, đặc biệt là từ láy có thể chỉ 1 từ có nghĩa, có thể không từ nào có nghĩa khi đứng riêng một mình.

Trước màn phản bác này của cư dân mạng, nhà thơ cho rằng: "Mình gọi "híp hóp", "học hát", "cái cây" là từ láy có thể sai với một số quy định mà nhiều bạn được dạy. Mình xin lỗi khi các bạn góp ý trên quy định đó mình chưa đồng tình. Và các bạn có thể tự điều chỉnh cho đúng khái niệm của các bạn giúp mình.

Bên cạnh đó, có nhiều cách quy định và nhạy cảm với Tiếng Việt mà. Láy có thể hiểu đơn giản là luyến láy, lặp lại. Mình xin khuyến nghị từ láy đầu tiên nên xét về mặt âm thanh, sau đó mới là ngữ nghĩa. Tiếng Việt rất quan trọng về mặt tượng thanh. "Híp hóp", "học hát", "cái cây" đầu tiên là từ ghép nhưng nếu cảm nhận rõ ràng về âm thanh có thể thấy đó cũng là những từ có độ láy cao. Một từ có thể là nhiều dạng từ".

Bài thơ Bắt nạt trong Ngữ văn lớp 6 mới bị chê dở, không xứng vào SGK, tác giả lên tiếng thế nào mà vẫn gây phẫn nộ? - Ảnh 4.

Cũng giải thích thêm về việc xem các từ trên là từ láy, Nguyễn Thế Hoàng Linh nêu quan điểm:

"Từ láy được dân gian đặt tên và cảm nhận rõ ràng trước khi có SGK rất lâu. Láy gợi ngay cho người ta cảm giác về luyến láy, lặp. Việc phải đi qua một vòng kiểm tra ngữ nghĩa nữa chỉ làm nhiều từ láy trong dân gian bị phủ định. Thương các em quá.

Cách lập luận "các âm trong từ này láy với nhau nhưng chưa thoả mãn việc có ít nhất 1 từ vô nghĩa nên không phải từ láy" thật không thuyết phục. Nhất là với những người thật sự tinh tế về Tiếng Việt.

Nói "nghe láy nhưng không phải là từ láy" thì "nghe láy" đã là thừa nhận thuộc tính "láy" rồi. Cái thuộc tính hình thức đập vào tai, vào mắt ("mắt thấy tai nghe") đó mới làm nên từ láy từ xa xưa chứ từ láy không nên bị phụ thuộc vào vòng thẩm định ngữ nghĩa ai ban cho.

Mình gọi "học hát", "cái cây", "híp hop" là từ láy là theo thuộc tính láy âm đó."

Bài thơ Bắt nạt trong Ngữ văn lớp 6 mới bị chê dở, không xứng vào SGK, tác giả lên tiếng thế nào mà vẫn gây phẫn nộ? - Ảnh 5.

Có thái độ quá khích, quá đà, đôi co với dân mạng khi được góp ý

Trước làn sóng công kích dữ dội từ cư dân mạng, tác giả chọn cách thẳng thắn đáp trả và có sử dụng một số ngôn từ khá mạnh.

Bài thơ Bắt nạt trong Ngữ văn lớp 6 mới bị chê dở, không xứng vào SGK, tác giả lên tiếng thế nào mà vẫn gây phẫn nộ? - Ảnh 6.
Bài thơ Bắt nạt trong Ngữ văn lớp 6 mới bị chê dở, không xứng vào SGK, tác giả lên tiếng thế nào mà vẫn gây phẫn nộ? - Ảnh 7.
Bài thơ Bắt nạt trong Ngữ văn lớp 6 mới bị chê dở, không xứng vào SGK, tác giả lên tiếng thế nào mà vẫn gây phẫn nộ? - Ảnh 8.

Trước những ý kiến này, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh cho biết: "Mình đã dành nhiều thời gian chân thành chia sẻ, nghe góp ý, giải đáp thắc mắc chứ không phải không cầu thị, không biết phép lịch sự như nhiều tin đưa sai sự thật. Có những phản ứng mạnh của mình là dành cho hành vi quấy rối mà người khác không biết.

Có thể tính cách cá nhân mình bị coi là ngạo mạn, vĩ cuồng hay gì đó nhưng lòng tự trọng và ý thức cầu toàn về chất lượng tác phẩm là một khối đồng nhất với tính cách của mình. Bài thơ "Bắt nạt" cũng được làm bằng ý thức cầu toàn đó.

Và mình luôn mong điều tốt đẹp cho trẻ em!"

Tác giả cũng lên tiếng thêm: "Những lời lẽ phê phán của mình chủ yếu là dành cho đám đông bất chấp đúng sai, hay dở ở đây. Trong cuộc sống, bên cạnh sự bao dung, sự phê phán chính xác những vấn đề gây hại là luôn cần thiết. Mình hoàn toàn không nhắm đến các bạn trẻ biết tiếp thu đúng sai, hay dở nên mong các bạn cứ thoải mái."

Sự việc này hiện vẫn nhận về sự quan tâm đông đảo của dân mạng. Chúng tôi sẽ cập nhật những diễn biến khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại