Như cá và nước mắm
Lời đầu tiên, cho phép em được gửi lời chào đến quý thầy cô, quý phụ huynh cùng toàn thể các bạn sinh viên đã có mặt tại buổi lễ bế giảng và trao bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp năm 2019 khoa Vật lí ngày hôm nay.
Em tên là Nguyễn Võ Thanh Việt, sinh viên lớp Chất lượng cao khoá 65 khoa Vật lí, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nếu có bất kì ai mới nghe qua giọng nói này, họ sẽ đặt cho em 3 câu hỏi. Một là: Cậu là người miền trong à? Đúng! Em là người Đà Nẵng. Hai là: Tại sao lại chọn Hà Nội mà không phải TP.HCM? Trường ĐHSP Hà Nội là trường đại học sư phạm hàng đầu của nước ta, hay như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Là trường mô phạm của cả nước.”
Nghĩ về việc em được vào trường, một người con miền biển như em liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá và nước mắm. Nước mắm chính là cá được tinh luyện. Nếu cá ăn một mình thì không có gì đặc sắc, còn khi cá chấm vào mắm thì vô cùng tuyệt vời.
Em nghĩ tất cả cũng cùng cảm giác như em, thấy may mắn khi mình là một phần của khoa Vật lí, một phần của ngôi trường này. Em xin gửi lời cảm ơn đến tất cả thầy cô đã luôn kiên nhẫn trước những sai lầm của chúng em, đã ân cần giúp đỡ mỗi khi chúng em thắc mắc, đã nương tay cho những lần thể hiện không tốt trong bài kiểm tra của chúng em.
Cảm ơn thầy cô đã giúp chúng em thức tỉnh sau kì thi đại học và cho chúng em biết biển học là vô bờ. Cảm ơn đã đưa chúng em đến với những cơ hội, không chỉ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn khi đã sắp vào nghề như hôm nay.
Câu hỏi thứ ba, mình muốn dành câu trả lời của mình cho tất cả các bạn sinh viên ở đây. Đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao lại chọn sư phạm? Tại sao lại là nghề giáo?”
Có rất nhiều câu trả lời mình đã từng nghĩ ra cho câu hỏi này và nếu bây giờ lại được trả lời, mình sẽ đúc kết bằng một câu trong cuốn Đời về cơ bản là buồn cười của nhóm tác giả Lê Bích: “Vấn đề lớn nhất của thế giới này là mọi người đều tìm cách tạo ra một cuộc đời tốt hơn cho lũ trẻ mà lại quá ít người tìm cách tạo ra một lũ trẻ tốt đẹp hơn cho cuộc đời.” Mình cũng muốn bản thân là một phần trong số ít đó.
Không phải cứ đứng trên bục giảng thì sẽ được gọi là thầy cô
Ngày còn là học sinh, mình có ước ao lớn hơn nhiều. Mình từng mong sẽ làm điều gì đó lớn lao cho giáo dục nước nhà. Trải qua năm đầu đại học, mình thấy rằng không phải cứ đứng trên bục giảng thì sẽ được gọi là thầy, là cô. Để trở thành giáo viên đúng nghĩa thì còn cần nhiều hơn những điều mình đã nghĩ.
Lúc này, mình chỉ mong sẽ trở thành một giáo viên tốt, được học sinh yêu mến. Khi học sâu hơn một chút, mình bắt đầu tự hỏi: Chúng ta sẽ dạy gì cho học sinh của mình? Câu trả lời ban đầu thật rõ ràng, là giáo viên vật lí thì dạy vật lí, nhưng như thế thì vẫn chưa đủ.
Đến tận bây giờ, mình mới có câu trả lời, tuy không đầy đủ, nhưng cũng tạm thỏa mãn cho câu hỏi đó. Đầu tiên, mình sẽ dạy học sinh biết đọc. Tất nhiên chúng ta qua rồi cái thời xóa nạn mù chữ.
Theo mình, biết đọc ở đây được hiểu là khi đứng trước một thông tin gì đó, ta biết cẩn thận đọc từng câu chữ, ta biết chọn nguồn thông tin để đọc, biết dừng lại để suy ngẫm, để trăn trở về những gì ta được đọc.
Những cuộc tranh cãi, những hiểu lầm, những sự vội vàng dẫn đến thất bại trong cuộc sống cũng một phần do ta chưa đọc một cách đúng đắn. Mình sẽ dạy cho học sinh phải đọc một cách thận trọng.
Điều thứ hai, mình sẽ dạy học sinh biết lắng nghe. Có hàng vạn cuốn sách khác nhau chỉ ta cách phải nói thế nào thật hay, dành được lợi thế về bản thân mình, nhưng lại có thật ít những quyển sách dạy ta nghe thế nào cho đúng.
Trong một cuộc đối thoại, đôi khi chúng ta cứ mải suy nghĩ xem mình sẽ đáp lại người kia như thế nào trong lúc họ đang nói mà quên mất điều họ mong muốn ở ta là lắng nghe và thấu hiểu.
Mình muốn dạy cho học sinh hãy luôn lắng nghe người khác một cách chân thành, để ta cảm thông cho những khó khăn, những lầm lỗi họ đã gặp phải; để ta biết chung vui cho những thành công mà họ đạt được; để những thông điệp trong cuộc sống được truyền đi một cách vẹn nguyên, không méo mó.
Điều thứ ba mình dạy cho học sinh là biết đấu tranh. Cái đúng và sai luôn đan xen nhau trong từng việc mà ta làm hằng ngày, từng sự kiện mà ta gặp trong cuộc sống. Đôi khi những điều tốt đẹp lại đi ngược với số đông, le lói và dễ bị dập tắt. Đó là lúc con người cần đấu tranh để giữ nó sáng mãi.
Mình muốn học sinh tự nhận thức được rằng cần phải đấu tranh mỗi ngày, dù là bằng lời nói hay là bằng hành động. Việc làm xấu thì có nhiều lí do, nhiều mục đích, còn việc tốt thì nên được làm với ý nghĩa duy nhất “đó là việc tốt, việc cần làm”.
Mình muốn học sinh biết chấp nhận trước những khó khăn mà các em gặp phải khi đấu tranh, và khi gặp khó khăn thì phải biết đối mặt và vượt qua nó.
Cuối cùng, mình mong dạy được cho học sinh biết giúp đỡ lẫn nhau. Bất kì ai cũng sẽ gặp khó khăn khi làm việc một mình, đó là lí do chúng ta cần sống trong một xã hội. Nhưng khi tồn tại mối quan hệ giữa người với người sẽ là lúc có sự ganh ghét, đố kị. Mình muốn cho học sinh hiểu rằng mỗi người chúng ta có một nhiệm vụ khác nhau.
Dù có học cùng một ngành, ngồi cùng một lớp, làm cùng một công ti, cùng một vị trí, nhiệm vụ của mỗi cá nhân lại không hoàn toàn giống nhau. Ta không nên xen vào việc thực hiện nhiệm vụ của người khác.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ta vô cảm, thờ ơ trước công việc của mọi người. Mình muốn học sinh xem việc giúp đỡ người khác là nhiệm vụ của chính bản thân mình. Vì không một ai có thể giỏi mọi thứ, và vì tất cả chúng ta sống cùng nhau.
Mình còn muốn dạy học sinh thật nhiều, dạy các em từ những điều nhỏ nhặt như xếp hàng, bỏ rác vào thùng, chấp hành luật lệ giao thông; dạy các em phải kiên nhẫn, biết yêu thương, biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu lẫn nhau, và nhiều nhiều những điều khác nữa.
Bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ nhặt ở lớp học nho nhỏ
Chúng ta hẳn sẽ thấy, sao mà giáo viên phải dạy thật lắm thứ như vậy. Nào là biết đọc, biết lắng nghe, biết đấu tranh rồi thì biết giúp đỡ. Mình thì thấy rằng có thể dạy tất cả những điều đó từ chính môn học của chúng ta.
Tất nhiên việc dạy sẽ thật khó khăn, chính những giá trị cơ bản của cuộc sống lại làm ta cảm thấy khó khăn, bởi cuộc sống quanh ta hiện nay thật khốc liệt.
Mình giờ không mong gì bản thân đủ khả năng thay đổi được cả nền giáo dục này như ước muốn ngày còn là học sinh, nhưng mình sẽ bắt đầu thay đổi những điều nhỏ nhặt ở một lớp học nho nhỏ. Bản thân mình sẽ cố gắng làm cho mọi thứ xung quanh trở nên tốt hơn một chút qua từng ngày.
Tất cả chúng ta ngồi đây, sau này sẽ làm những nghề rất khác nhau. Có thể sẽ trở thành giáo viên, giảng viên, cũng có người sẽ đi theo nghiệp nghiên cứu, có người sẽ tham gia vào con đường chính trị, cũng có người chọn nghề không còn liên hệ gì đến vật lí nữa.
Nhưng mỗi chúng ta đều là một nhà giáo dục, với con cháu của chính chúng ta, với người thân của chúng ta và với tất cả mọi người xung quanh. Chỉ cần mỗi chúng ta đều mong muốn thay đổi mơi mà mình đang sống một chút, tất cả chúng ta sẽ thay đổi được những điều lớn lao vượt cả mong đợi.
Con cũng muốn dành những lời cảm ơn đến ba mẹ, đến đấng sinh thành, đến tất cả cô chú phụ huynh đang có mặt ở đây ngày hôm nay. Cảm ơn vì những sự động viên, cảm ơn vì đã luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, cảm ơn vì những cuộc điện thoại từ quê nhà với bao lời dặn dò chất chứa yêu thương.
Cuối cùng, em xin dành lời chúc sức khỏe đến quý thầy cô, quý phụ huynh cùng tất cả các bạn sinh viên. Người ta thường nói rằng khi một giai đoạn nào đó kết thúc, cũng chính là lúc khởi đầu cho tương lai.
Không ai nói trước được tương lai đó sẽ như thế nào, nhưng có một điều em/ mình biết chắc: Sau buổi lễ ngày hôm nay, chúng ta tốt nghiệp Trường ĐHSP Hà Nội và sẵn sàng đương đầu mọi thứ. Bài phát biểu của em đã hết, xin cảm ơn tất cả quý thầy cô, quý vị phụ huynh, các bạn sinh viên đã chú ý lắng nghe.