Lời toà soạn: Trong giới trọng tài Việt Nam, cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng vẫn nổi tiếng với khả năng chuyên môn tốt, cá tính mạnh mẽ và sẵn sàng đấu tranh đến cùng với tiêu cực, đến mức được ví von là người "đạn bắn không thủng".
Với quãng thời gian 10 năm cầm còi và cả những câu chuyện sau khi ông đã về nghỉ, không dễ để khắc họa được hết những thăng trầm mà trọng tài Dương Mạnh Hùng đã trải qua với cái nghề mà ông luôn tâm niệm "là thú chơi, là đam mê chứ không phải nơi để kiếm tiền làm giàu".
Xin gửi tới độc giả loạt bài viết về trọng tài Dương Mạnh Hùng, người đầu tiên được nhận danh hiệu Còi vàng tại Việt Nam, với những ký ức, những câu chuyện khó tin nhưng có thật về nghề trọng tài.
RÚT THẺ ĐỎ BỊ CẦU THỦ NHỔ NƯỚC BỌT THẲNG VÀO MẶT, DỌA "KHÔNG RA ĐƯỢC KHỎI HẢI PHÒNG"
Trong quan điểm khi cầm còi của cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng, điều quan trọng nhất không phải là làm cho cầu thủ sợ mình, mà phải khiến họ hiểu mình. Điều này cũng bởi ông có xuất phát điểm là một cầu thủ nên "rất hiểu tâm tư của anh em".
Bản thân ông cũng thừa nhận sẵn sàng nhận lỗi với cầu thủ về một tình huống thổi sai (tất nhiên không được để có lỗi sai ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, có bàn thắng, thẻ phạt hay không). Tuy nhiên cũng có lần ngay cả khi ông Hùng thổi đúng, cầu thủ vẫn quây lấy ông, thậm chí có hành vi phản cảm khó chấp nhận.
"Từ xưa đến nay, Lạch Tray vẫn là sân bóng "nguy hiểm" nhất cho trọng tài. Khán giả ở đó cuồng nhiệt và tinh thần của đội Hải Phòng luôn rất "máu", đến mức đôi khi vượt quá cả giới hạn cho phép.
Vì thế mà BTC bao giờ chọn trọng tài bắt ở Lạch Tray cũng phải đủ tiêu chí cứng về chuyên môn và có bản lĩnh về nghề nghiệp. Bản thân tôi chơi khá thân với cả cầu thủ và HLV Hải Phòng, vì tôi là lứa đàn anh và đồng nghiệp cũ. Đến khi BTC xếp tôi về thổi ở đó thì cầu thủ họ cũng hiểu thế nào rồi, nhưng bản tính của người Hải Phòng họ vẫn thế thôi. Anh em vẫn vui vẻ thi đấu, không hằn học gì cả nhưng khi hăng máu lên thì vẫn có lúc thế này thế kia.
Tôi nhớ đó là mùa giải 2005, Hải Phòng tiếp Bình Dương. Trước khi ra sân tôi đã nhắc nhở cả hai đội rằng mỗi người mỗi việc, các anh cứ đá bóng còn tôi làm đúng nhiệm vụ của mình, không thiên vị dù có là sân nhà của ai. Riêng với Đào Thế Phong, tôi nhớ ở lượt đi cũng đã nhắc nhở nhưng rồi cậu ấy vẫn dính thẻ đỏ và bị treo giò 6 trận. Không ngờ giờ đến lượt về lại có chuyện".
"Trận đấu trôi đi đến phút 88, Amaobi dốc bóng vượt qua tất cả, chỉ còn đối mặt với thủ môn thôi. Đào Thế Phong lao theo phạm lỗi đá sau rất thô trong vòng cấm. Theo luật thì tất nhiên Phong bị thẻ đỏ vì ngăn cản trái phép cơ hội ghi bàn rõ ràng và Bình Dương được hưởng quả đá 11m.
Nhưng cả đội Hải Phòng quây lấy tôi, chửi bới. Tôi chỉ nói đơn giản, bảo tất cả anh em bình tĩnh, tôi làm đúng luật, còn ai muốn thì khiếu nại để sau trận đấu, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng bạn cũng biết rồi đấy, tính cách của người ta vốn đã vậy, sân Lạch Tray thì lại như chảo lửa, 4 khán đài chật kín.
Mất khoảng độ vài phút phản ứng thì anh em cầu thủ có vẻ nghe rồi. Riêng Đào Thế Phong vẫn còn chửi nọ kia thì tôi bảo: "Phong, em bình tĩnh. Anh em mình không lạ gì nhau. Tình huống này anh thổi đúng đấy. Em ra ngoài đi". Nhưng cậu ta vẫn chửi, nói tôi cẩn thận không ra được khỏi Hải Phòng. Tôi chỉ bảo lại cậu ta cứ ra sân đi, sau trận đấu tôi sẽ gặp riêng nói chuyện.
Lúc đấy tôi nghĩ mọi chuyện cũng xong rồi, cầu thủ Hải Phòng đã tản ra cả, còn Đào Thế Phong cởi áo ra, mặt cúi xuống chuẩn bị ra ngoài. Nhưng đúng lúc tôi chuẩn bị đưa bóng cho Bình Dương thì Đào Thế Phong quay lại nhổ nước bọt thẳng vào mặt tôi.
Lúc ấy tôi chỉ cười, bảo: "Em dại lắm Phong ạ. Hậu quả tự em chịu đấy". Sau đó tôi chạy ra chỗ trọng tài thứ tư, chỉ vào bãi nước bọt vẫn còn nguyên và bảo ghi vào biên bản trận đấu rằng cầu thủ Đào Thế Phong trước khi ra sân nhổ vào mặt trọng tài chính. Ban kỷ luật sau đó ra án treo giò đến hết giải".
"Nhưng đấy là chuyện về sau, còn ngay tối hôm đó tắm rửa xong, tôi đi xe ôm đến chỗ đội Hải Phòng. Tới nơi tôi gặp Đinh Thế Nam, đồng đội cũ ở ĐT Quân đội ngày xưa và đang làm việc ở Hải Phòng, bảo muốn nói chuyện với Đào Thế Phong. Cậu ấy mới hỏi sao thế thì tôi kể lại chuyện Phong dọa dẫm, bảo tôi không ra được khỏi Hải Phòng.
Mấy anh em thấy thế mới can, rằng nóng thì nói thế thôi chứ không có gì đâu. Nhưng tôi bảo tôi đã hứa với cậu ấy gặp nhau nói chuyện sau trận đấu thì tôi đến. Sau thì cậu Phong kia cũng không ra.
Thời gian sau, tôi lại về Hải Phòng làm tiếp thì có người gặp và nói rằng Đào Thế Phong gửi lời xin lỗi. Tôi coi việc biết sai biết nhận lỗi của cậu ấy là dám chơi dám chịu. Bản thân tôi lúc đó cũng chỉ muốn gặp mặt như hai người đàn ông để nói chuyện sòng phẳng, cặn kẽ với nhau thôi".
ĐẾN LẦN BỊ CẢ TRĂM CĐV BÌNH ĐỊNH QUÂY DỌA ĐÁNH
Tiếp đà câu chuyện về việc trọng tài thổi đúng nhưng vẫn bị phản ứng, cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng nhắc lại một kỷ niệm khác. Nhưng lần này liên quan đến các CĐV quá khích.
"Tôi không nhớ chính xác mốc thời gian, có lẽ là ở V.League 2005, tôi đã bị hàng trăm người quây định đánh, mặc dù tôi làm đúng. Đó là khi Bình Định tiếp Đồng Tâm Long An. Ban đầu tôi được phân công làm trận khác, nhưng sau BTC lại gọi tôi về bắt, không biết vì lý do gì nhưng có lẽ là bởi tính chất căng thẳng của trận đấu này.
Kết quả trận đấu hòa 0-0. Tối đó tôi có đi bộ ra ngoài uống cốc sữa đậu nành. Hôm ấy cũng là ngày lễ nên ngoài đường cũng như chỗ tôi ở gần tượng đài Quang Trung (TP Quy Nhơn) rất đông.
Tôi cũng nghĩ là người ta đi chơi thôi, nhưng đi ra khỏi khách sạn được độ 100m thì thấy rào rào xe máy quây tròn xung quanh. Thấy có tiếng chửi, tiếng hô "trọng tài đây rồi", tôi mới giật mình bảo có vấn đề rồi, mình phải cẩn thận.
Thế là tôi đứng dậy đi chứ không ngồi uống nước nữa, coi mình như người đang đi dạo bình thường thôi nhưng người ta vẫn cứ quây. Tôi mới không đi ở đường chính nữa mà rẽ vào một cái đường tối nhất. Lúc ấy hơn trăm người cũng tản dần, còn độ 30 người vẫn bám theo".
"Tôi dựa lưng vào tường, quay ra bảo: "Từ nãy giờ tôi thấy các bạn cứ đi theo như thế này không nên. Mình chẳng quen biết gì nhau mà các bạn cứ dùng những từ ngữ không hay. Nói thật giờ các bạn muốn cái gì, hay như thế nào?".
Thực sự mà nói lúc đó tôi không muốn gây hấn hay va chạm gì, vì mình cũng không lại được với số người đông như vậy. Tôi chỉ muốn kéo dài thời gian để dân tình xung quanh họ biết, hi vọng có động thái hỗ trợ hay gọi công an giúp. Quan trọng vẫn là phải giữ cho mình sự an toàn.
Thế rồi có 2,3 người nhảy vào định tóm cổ tôi thì tôi gạt ra, bảo mọi người đừng ỉ số đông thế, và chúng ta cũng không có mối liên hệ nào mà làm vậy. Chưa nói dứt câu thì 3 xe cảnh sát 113 từ 3 hướng phi đến, tất cả chạy toán loạn và bắt được độ 6,7 người.
Tôi không nói mình hay, mà quan trọng vẫn là bình tĩnh xử lý những gì xảy ra với bản thân. Ai làm trọng tài đều phải bản lĩnh cả trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống thì mới tồn tại được. Trọng tài mà cứ sợ người ta chửi bới, đe dọa, không có bản lĩnh thì khó chơi lắm.
Cả sự nghiệp chơi trọng tài của tôi chưa bao giờ va chạm gì với cầu thủ trong sân, nhưng với CĐV quá khích sau trận thì nhiều vụ. Nên giờ nhìn lại nghề trọng tài mới càng thấy thông cảm và thương anh em".
"TÔI CHƠI TRỌNG TÀI ĐÂU PHẢI VÌ DANH HIỆU CÒI VÀNG"
Năm 2006, lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có một danh hiệu dành riêng cho các trọng tài xuất sắc. Trước đây, người ta chỉ biết tới Quả bóng vàng dành cho giới cầu thủ, thì giờ đây trọng tài cũng có giải Còi vàng.
Và ở lần bình chọn đầu tiên đó, trọng tài Dương Mạnh Hùng nhận được số phiếu áp đảo. Trớ trêu thay, ngay sau khi nhận danh hiệu cao quý đó, ông Hùng lại phải trở thành kẻ đứng ngoài cuộc chơi.
"Tôi khi đó được phần đông truyền thông ủng hộ, nhưng 2 người trong ban trọng tài thì không bỏ phiếu cho. Bản thân tôi thì thoải mái lắm, mình chơi trọng tài có phải vì cái giải Còi vàng hay gì đâu. Nhưng từ năm 2004 không được xét trọng tài FIFA là tôi đã hiểu rồi. Và đến năm 2007 thì vì một số lý do mà tôi phải nghỉ. Sau đó tôi làm đơn muốn đi làm giám sát mà người ta cũng đưa ra tiêu chí này kia (chưa đủ 10 năm làm giải quốc gia, không có bằng Đại học) và cuối cùng tôi đành nghỉ hẳn.
Tính tôi thì vốn thẳng thắn, giờ về nghỉ cũng vẫn thế thôi. Luôn luôn bày tỏ thẳng mỗi khi truyền thông muốn tham khảo ý kiến chuyên môn về công tác trọng tài, không nề hà gì cả".
"Tôi có 2 quyển sổ tay, ghi chép từ ngày mình bắt đầu đi học trọng tài, rồi từng trận đấu làm nhiệm vụ ra sao tôi đều ghi lại. Sổ ghi lại cho mình những ý chính, còn tình tiết mọi thứ xảy ra tôi đều nhớ. Mỗi lần giở sổ, tôi nhớ lại mọi chuyện và cảm giác mọi thứ chỉ như vừa mới xảy ra.
Tôi cũng chả phải thần thánh gì, ngoài cuộc sống cũng đủ hỉ nộ ái ố, đúng sai. Nhưng với tôi bóng đá là đam mê, chứ có xác định nó để làm giàu cho bản thân hay gia đình mình đâu. Mà cuộc đời ai chả có đam mê riêng. Mình có thể kiếm tiền ở chỗ khác để bù đắp, để nuôi sống cho đam mê của mình chứ không thể phản bội nó được. Đó là quan điểm sống của tôi".
Và đúng như ông Hùng chia sẻ, dù đã về nghỉ từ lâu nhưng người ta vẫn thường xuyên thấy ông xuất hiện trên truyền thông, với những phân tích, góp ý thẳng thắn về chuyên môn. Cũng bởi thế mà về sau, có những câu chuyện được ông Hùng nhắc đến khiến người ta không khỏi giật mình.
Xin mời đọc giả đón đọc tiếp phần 3: Vụ treo còi kỳ lạ ở V.League và bí mật động trời về một trọng tài bị giấu kín suốt 10 năm.