Bài luận xuất sắc giúp cậu bé trúng tuyển 5/8 trường đại học tinh hoa nhất nước Mỹ

Thanh Hương |

Với sự phân tích sắc bén cùng dẫn chứng cụ thể, năm ngoái, bài luận của Brenden Rodriquez đã giúp cậu được nhận vào những trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ một cách xuất sắc.

Tại Mỹ, tuyển sinh vào ĐH, kể cả những trường lừng danh nhất, thường không cần có một kỳ thi tốt nghiệp, thay vào đó là xét tuyển dựa trên hồ sơ của học sinh đăng ký và kèm theo một bài luận. 

Qua các bài luận, những tố chất cả về trí tuệ lẫn tâm hồn của người ứng tuyển được bộc lộ rõ nét, có những em nhờ các bài luận tuyệt vời mà trúng tuyển vào hầu hết các trường đại học thuộc nhóm tinh hoa. Dưới đây là một bài luận như vậy... 

Đã bước qua năm thứ nhất của đại học Harvard, cậu sinh viên Brenden Rodriquez đang miệt mài theo đuổi chương trình học căng thẳng của chuyên ngành kỹ sư cơ khí. 

Song trước khi được nhận vào 3 trường ĐH top đầu của Ivy League (khối 8 trường đại học danh giá nhất tại Mỹ) gồm Havard, Yale, Columbia cùng 2 trường "sừng sỏ" không kém là MIT và Virginia, Brenden đã phải viết một bài luận xin nhập trường - như tất cả các ứng viên khác. 

Đây là một công việc khó nhằn với bất cứ học sinh trung học nào. Tuy nhiên, Brenden đã hoàn thành nó một cách xuất sắc và giành được kết quả tuyệt vời nói trên.

Trong bài luận của mình, Brenden đã trình bày 2 niềm đam mê của cậu, đó là âm nhạc và toán học cũng như sự kết hợp của chúng trong việc giúp cậu tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn như thế nào.

Bài luận xuất sắc giúp cậu bé trúng tuyển 5/8 trường đại học tinh hoa nhất nước Mỹ - Ảnh 1.

Đại học Harvard, Mỹ, niềm mơ ước của bất kỳ học sinh trung học nào ở xứ cờ hoa. (Ảnh minh họa: Internet)

Dưới đây là bản dịch bài luận của Brenden.

Tôi nghĩ về những đường sóng hội tụ nhau trong những nốt nhạc mình chơi, những đường sóng tĩnh tại được tạo ra bằng cách gảy vào dây đàn, và vật lý học đằng sau các túi khí được tạo nên để cuối cùng, bất kỳ khi nào tôi ngồi xuống chơi đàn bass cũng có người lắng nghe.

Vì thế, đam mê của tôi dành cho toán học và âm nhạc có tác dụng bổ trợ cho nhau nhiều hơn là khi chúng đứng riêng rẽ.

Tôi bắt đầu nghĩ về điều này vào một buổi chiều, khi một thầy giáo dạy toán của tôi tiến đến gần và hỏi xem tôi có muốn phát biểu trong lễ kết nạp của tổ chức Mu Alpha Theta không. 

Là thành viên của Honor Society, nhớ lại bài phát biểu kết nạp đáng nhớ vào năm trước khi tôi được kết nạp, tôi đã đồng ý một cách nhiệt tình.

Tôi quyết định chọn chủ đề âm nhạc và toán học vì tôi chơi đàn bass đứng trong ban nhạc và chơi bass điện tử trong ban nhạc jazz. Là người yêu thích toán học, tôi không thể không thấy toán học và vật lý học hiện diện trong âm nhạc.

Trong âm nhạc, toán học hiện diện trong nhịp độ và giai điệu của một bản nhạc, với số chỉ nhịp được thể hiện bằng một phân số và nhịp độ được thể hiện bằng số nhịp trên phút. 

Mối quan hệ giữa hai thông số này càng trở nên hấp dẫn hơn khi được ứng dụng vào những nốt nhạc được người chơi đánh lên.

Thứ âm nhạc tuyệt vời nhất chính là âm nhạc sử dụng toán học hoàn hảo. Ta biết rằng ngoài việc mỗi một nốt nhạc đều được đặt tên từ Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si, chúng còn có giá trị bằng số, được đo bằng đơn vị hertz (hz).

Ví dụ như nốt La có cao độ là 440 hz. Trong bản "Sonat Ánh trăng" của Beethoven có các hợp âm 3 nốt. Những hợp âm này được tạo nên bởi nốt Rê, Fa thăng và La. Vì âm thanh là một dạng năng lượng dao động nên các nốt nhạc có thể được minh họa như các hàm sin. 

Khi các hợp âm 3 nốt được minh họa, chúng giao cắt nhau ở điểm bắt đầu và ở điểm 0,042.

Ở điểm này, nốt Rê đã đi qua 2 chu kỳ hoàn toàn, nốt La thăng đi qua 2,5 chu kỳ và nốt Rê đi qua 3 chu kỳ. Điều này dẫn đến sự hòa hợp của âm nhạc và nghe rất vui tai. 

Nghĩ về điều này khiến tôi có dịp mở mang trước tất cả các khía cạnh của cuộc sống được tôi vận dụng toán học vào.

Toán học còn được hiện diện rất nhiều trong bóng bầu dục. 

Với chiều cao là 1m78 và nặng 72 kg, tôi chưa đủ tiêu chuẩn làm một cầu thủ trung bình, người phải cao ít nhất là 182 cm và nặng 90 kg, vì thế áp dụng toán học vào bóng bầu dục không chỉ thú vị, mà quan trọng hơn, nó là một cơ chế sống còn.

Khi tôi phải cản một đối phương to gấp đôi tôi và trông như anh ta muốn ăn sống nuốt tươi những tay lính mới, kiểu tấn công vét cạn không ủng hộ tôi và trong đầu tôi hình dung ra một phương trình cho đà và góc tấn công.

Toán học không chỉ giúp tôi sống sót, mà còn sống tốt.

Khi một đối thủ chạy lùi lại và lao về phía đường biên với tốc độ như một con báo, tôi có thể tin rằng các góc độ và tốc độ của tôi sẽ cho phép mình ghi bàn và có thể cứu được một bàn thua làm thay đổi cuộc chơi.

Hoặc khi một quả bóng bay qua không trung và được bắt trong ánh sáng của những chiếc đèn của sân vận động, tôi có thể hình dung ra một vật chuyển động với gia tốc đều đi xuống và một tốc độ gần như liên tục ở hướng x, và biết rằng tôi có lợi thế hơn so với cầu thủ ngay bên cạnh, người không nghĩ về nó giống như tôi.

Khi tôi xem xét các khía cạnh cuộc sống của tôi dựa trên toán học, chúng trở nên hợp lý hơn và giúp những điều tôi yêu thích thậm chí còn trở nên tuyệt vời và thú vị hơn.  

Theo Business Insider  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại