Bài kiểm tra 'ngồi - đứng lên' có thực sự là yếu tố dự báo bạn sẽ sống thọ?

TT |

Theo các bác sĩ, kết quả bài kiểm tra 'ngồi - đứng lên' này là một 'dấu hiệu gián tiếp về sức khỏe của bạn' nhưng không phải là thứ hoàn toàn quyết định bạn có sống thọ hay không.

Dù ở thời đại nào hay đất nước nào thì mong ước sống trường thọ của con người chưa bao giờ dừng lại. Nhu cầu sống thọ ngày càng trở nên rõ ràng trong cuộc sống hiện đại. Một số người cho rằng tuổi thọ có nghĩa là sống thật lâu. Nhưng ngày nay, sống thọ không phải chỉ là tuổi thọ cao mà được đánh giá là sống càng khỏe mạnh càng tốt.

Chính bởi vì điều này mà bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe, thay đổi trong ăn uống lẫn sinh hoạt, con người ta cũng quan tâm hơn đến việc làm sao để kiểm tra sức khỏe, phát hiện những nguy cơ "tổn thọ" nhanh nhất có thể. Thực tế, qua những nghiên cứu, các chuyên gia y tế cũng đồng ý rằng có những bài kiểm tra giúp nắm tình trạng sức khỏe để có những thay đổi kịp thời theo hướng tích cực. Và bài kiểm tra "ngồi - đứng lên" (Sit to stand - SRT) là một trong số đó.

Bài kiểm tra ngồi - đứng lên có thực sự là yếu tố dự báo bạn sẽ sống thọ? - Ảnh 1.

Trong chương trình "Hour of TODAY" ngày 8/3/2023, tiến sĩ Natalie Azar đã hướng dẫn thực hiện bài kiểm tra "ngồi - đứng lên". Ảnh Today

Theo tiến sĩ Natalie Azar, cộng tác viên y tế của NBC News, bài kiểm tra sức khỏe "ngồi - đứng lên" được một số bác sĩ sử dụng như một chỉ số về tuổi thọ. Trong chương trình "Hour of TODAY" ngày 8/3/2023, tiến sĩ Natalie Azar đã hướng dẫn những người tham gia chương trình thực hiện bài kiểm tra đơn giản này. "Đó là dấu hiệu gián tiếp đánh giá sức khỏe của bạn", cô nói.

Bài kiểm tra "ngồi - đứng lên" được thực hiện thế nào?

Tiến sĩ Azar nói với TODAY.com: Về cơ bản, bạn có thể bắt đầu bài kiểm tra ở tư thế đứng, sau đó ngồi xuống bắt chéo chân trên mặt đất, rồi lại đứng lên.

Nghe có vẻ dễ dàng, phải không? Nhưng thực tế không hẳn vậy đâu nhé. Bạn cần chuyển từ tư thế đứng sang tư thế ngồi và ngược lại mà không sử dụng tay để trợ giúp. Bạn cũng nên làm từ từ, không quá nhanh.

Đây là cách thực hiện:

Bài kiểm tra sức khỏe ngồi - đứng lên

- Bắt đầu ở tư thế đứng: Bạn nhận được 10 điểm.

- Sau đó ngồi xuống ở tư thế bắt chéo chân trên sàn.

- Đứng dậy.

Trong suốt quá trình thực hiện, bạn sẽ bị trừ một điểm mỗi khi sử dụng bàn tay, đầu gối, cẳng tay... để hỗ trợ.

Nếu bạn có thể ngồi và đứng mà không cần sự trợ giúp, bạn sẽ đạt điểm 10 tuyệt đối. Nếu bạn hoàn toàn không thể đứng dậy, điểm của bạn là 0. Nếu đạt từ 8 điểm trở lên thì xin chúc mừng bạn.

Bài kiểm tra "ngồi - đứng lên" có ý nghĩa gì?

Bài kiểm tra "ngồi - đứng lên" này được thiết kế để dự đoán tỉ lệ tử vong ở người trung niên và cao tuổi. Thử nghiệm do một nhóm tác giả, đứng đầu là Claudio Gil Araújo, một bác sĩ và nhà nghiên cứu người Brazil về y học thể dục và thể thao xây dựng. Kết quả thử nghiệm được công bố trên Tạp chí Phòng ngừa Tim mạch châu Âu (European Journal of Preventive Cardiology) vào năm 2012. Sau đó, nó thường được chia sẻ trên truyền thông như một dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ tử vong với nhiều người.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 2.002 người lớn từ 51 đến 80 tuổi, và theo dõi họ trong khoảng 6,3 năm. Trong thời gian đó, 159 người đã chết, chỉ có 2 người đạt điểm 10 tuyệt đối. Những người đạt điểm thấp nhất (0-3 điểm) có nguy cơ tử vong cao gấp 5-6 lần so với những người đạt 8-10 điểm.

Bài kiểm tra ngồi - đứng lên có thực sự là yếu tố dự báo bạn sẽ sống thọ? - Ảnh 3.

Theo nghiên cứu, bài kiểm tra là một thước đo tốt về sức mạnh chân và vùng cốt lõi, cũng như sự cân bằng. Người lớn tuổi có sức mạnh cơ bắp và sự linh hoạt như vậy ít có khả năng bị ngã. Mà theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến thương tích không chủ ý cho những người từ 65 tuổi trở lên.

Là chỉ số về sức khỏe nhưng không hoàn toàn mang tính chất quyết định

"Bài kiểm tra đơn giản này được coi là một chỉ số về sức khỏe vì bạn phải có sức khỏe tim mạch tốt, khả năng giữ thăng bằng tốt, sự nhanh nhẹn, linh hoạt, sức mạnh của cơ và chân thì mới có thể hoàn thành nó", tiến sĩ Azar nói. Tuy nhiên, bà cũng chia sẻ rằng, nếu bạn bị thương sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Vì vậy, hãy đợi cho đến khi bạn khỏe hẳn hãy thử làm bài kiểm tra. Và nếu bạn có vấn đề về cơ xương, điểm của bạn có thể không bao giờ đạt đến 10. Điều đó không có nghĩa là bạn không khỏe mạnh.

Azar nói thêm rằng cô làm bài kiểm tra này mọi lúc và điểm số không phải lúc nào cũng hoàn hảo, mặc dù cô có sức khỏe thể chất tuyệt vời. Rất nhiều yếu tố có thể tác động vào kết quả, ví dụ như bạn ngủ không ngon hoặc bị đau lưng.

Ông Greg Hartley, Chủ tịch Học viện Vật lý trị liệu lão khoa và là trợ lý giáo sư tại Đại học Y khoa Miami Miller cho biết, thử thách này như một phương pháp sàng lọc sự mất cơ bắp của một cá nhân trong quá trình lão hóa. "Sự suy giảm đó dẫn đến các vấn đề khác, làm giảm chất lượng cuộc sống", ông nói trên trang Washington Post.

Bài kiểm tra ngồi - đứng lên có thực sự là yếu tố dự báo bạn sẽ sống thọ? - Ảnh 4.

Tiến sĩ Azar nói với TODAY.com: Về cơ bản, bạn có thể bắt đầu bài kiểm tra ở tư thế đứng, sau đó ngồi xuống bắt chéo chân trên mặt đất, rồi lại đứng lên. Ảnh: Today

Hartley nói: "Sự yếu đuối, sức mạnh, khối lượng cơ bắp, hiệu suất thể chất - tất cả những điều đó đều tương quan với tỷ lệ tử vong, nhưng tôi lưu ý mọi người rằng mối tương quan không có nghĩa là quan hệ nhân quả. Ví dụ, nếu ai đó có đầu gối không được khỏe và không thể thực hiện bài kiểm tra thì không có nghĩa là họ sẽ chết sớm".

Giáo sư Barbara Resnick, Chủ nhiệm khoa Lão khoa tại Đại học Maryland, cho biết khả năng đứng lên trong tư thế đang ngồi mà không cần dùng tay hỗ trợ "thực sự khá khó đối với bất kỳ ai". Thất bại có thể là do nhiều nguyên nhân và nếu không phải là do vấn đề sức khỏe (như tình trạng béo phì) thì có lẽ bạn sẽ không chết sớm vì không đứng lên được.

"Điểm số cao là một dấu hiệu cho thấy tại thời điểm đó, bạn đang có sức mạnh cơ bắp khá tốt, nhưng tôi không tin rằng đó là một yếu tố dự báo về tuổi thọ", Resnick nói thêm.

Nếu bạn đang ngồi trên sàn nhà và không thể đứng dậy thì cũng đừng lo lắng quá. Thay vào đó hãy thực hành mỗi ngày, điều này cũng giúp cải thiện sức khỏe của bạn một cách đáng kể- đó là khuyến cáo của giáo sư Barbara Resnick.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại