Những vụ tai nạn thương tâm do lái xe sử dụng rượu bia xảy ra gần đây đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Sau cái chết oan uổng của 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên (Hà Nội), 10 nghìn người cùng lứa THPT khóa 1991-1994 Hà Nội từ khắp mọi miền đất nước đã về dự tang lễ cô giáo Trần Thị Quỳnh mang theo khẩu hiệu trên áo: Đã uống rượu bia - không lái xe!
Và hôm qua (12/5), một cuộc đi bộ tập thể quy mô lớn với gần 10 nghìn người đã diễn ra ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, với sự góp mặt của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng các nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam - đồng nghiệp của chị Đinh Thị Hải Yến...
Xung quanh những sự kiện có tính truyền cảm hứng, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ đến xã hội, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch Ủy ban ATGGQG - ông Khuất Việt Hùng.
Hàng nghìn người đến viếng cô giáo Trần Thị Quỳnh mang theo logo gắn khẩu hiệu: Đã uống rượu bia không được lái xe. Ảnh: Báo Lao động.
TNGT giảm hàng nghìn vụ qua mỗi năm nhưng vì sao chúng ta lại cảm giác chúng ngày một nhiều, nghiêm trọng hơn?
Phóng viên: Ông có nói, chưa lúc nào phong trào ngăn chặn việc sử dụng rượu bia rồi lái xe lại được hâm nóng như hiện nay. Trên khắp các trang mạng xã hội, khẩu hiệu "đã uống rượu bia - không lái xe" cũng đang được chia sẻ tràn ngập. Vậy còn các cấp, các ngành và cụ thể nhất là Ủy ban ATGTQG đã có những hành động cụ thể nào?
TS Khuất Việt Hùng: Từ khi Việt Nam có quy định pháp luật về An toàn Giao thông, chúng ta đã có những chế tài quy định rõ rằng: Người lái ô tô trong hơi thở không được có nồng độ cồn, tức là không được phép uống rượu bia; tài xế xe máy có nồng độ cồn trong khí thở tối đa ở mức 0,25mg/1 lít khí thở (tức là tương đương 1 lon bia).
Các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chế tài xử phạt ngày càng nghiêm. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, vận động thực hiện khẩu hiệu "uống rượu bia - không lái xe" đã có hiệu quả.
Kết quả của việc này là tai nạn giao thông giảm liên tục qua các năm. Nếu như năm 2007 có trên 13.400 người chết vì tai nạn giao thông thì đến năm 2011, con số này chỉ còn khoảng 11.400 người, đến năm 2018 là 8.248.
Rõ ràng tai nạn giao thông, trong đó có tai nạn giao thông vì vi phạm nồng độ cồn đang giảm dần qua các năm.
Dù vậy, mỗi ngày vẫn có 21 người tử vong do tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ tai nạn giao thông do lái xe vi phạm nồng độ cồn đã và đang gây nên nỗi bức xúc mạnh mẽ trong dư luận xã hội.
Hiện nay, nhận thức người dân ngày càng được nâng cao, việc thể hiện ý kiến, quan điểm cũng trở nên mạnh mẽ hơn thông qua truyền thông và hệ thống mạng xã hội thì tôi cho rằng, đây chính là môi trường thuận lợi để Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm hơn những quy định pháp luật.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ hơn về việc tăng cường tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, kêu gọi người dân để họ nhận thức, nhìn thấy hậu quả việc uống rượu bia gây tai nạn, từ đó tiến tới thay đổi hành vi. Chúng ta cũng cần thay đổi cách truyền thông, hướng tới việc tuyên truyền cho cả những người đi cùng phải cương quyết không ngồi lên xe người đã uống rượu bia.
Sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia - Không lái xe" sáng 12/5.
Ngoài ra, cần phải vận động những người bán rượu bia, kinh doanh nhà hàng, quán nhậu phải có ý thức quan tâm đến khách hàng. Trong trường hợp, khách phải tự lái xe ra về, người bán hàng tốt nhất nên khuyên khách hàng không nên sử dụng rượu bia.
Mới đây nhất, đồng chí Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan nghiên cứu nhằm chặt các chế tài để xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn trong dự thảo Nghị định 46.
Bộ Công an vừa rồi cũng đã ban hành kế hoạch chỉ đạo Công an toàn quốc, nòng cốt là lực lượng CSGT, tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm 2 hành vi: Vi phạm ma túy và nồng độ cồn đồng thời đưa việc này thành hoạt động thường xuyên của lực lượng tuần tra kiểm soát.
Tôi cho rằng đó là những cách để thay đổi: Thay đổi cả về nhận thức xã hội, quy định chế tài, và hành động cụ thể của nhà nước, người dân trong việc thực hiện khẩu hiệu "đã uống rượu bia không lái xe".
Đây cũng là những giải pháp có khả năng ngăn chặn, kéo giảm các hành vi vi phạm nồng độ cồn, giảm những vụ tai nạn đau lòng do rượu bia gây ra.
Buổi đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia - không lái xe". Ảnh: Hoàng Hải.
Phóng viên: Cách đây khoảng 3 năm, một số Đại biểu Quốc hội đã đưa ra kiến nghị xử phạt hình sự, tịch thu vĩnh viễn phương tiện của người vi phạm, nhưng khi đó vấp phải sự phản đối trong dư luận. Ở thời điểm này, với sự phẫn nộ của toàn dân sau hàng loạt tai nạn nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu bia, trình độ nhận thức ngày càng được nâng cao, ông có cho rằng chúng ta nên áp dụng các kiến nghị nêu trên không?
TS Khuất Việt Hùng: Đưa những hình thức xử phạt mới và phong phú hơn, kết hợp với hình thức xử phạt hành chính bằng tiền để tăng sức răn đe, thì tôi cho đây là việc rất cần thiết. Vấn đề này cũng đã được chỉ đạo thống nhất từ Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Thường trực Ủy ban ATGTQG, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận.
Cụ thể, chính đồng chí Phó Thủ tướng đã chỉ đạo ngành Tư pháp phải nghiên cứu để bổ sung những hình thức xử phạt hành chính mới vào trong sửa đổi luật xử phạm vi phạm hành chính.
Tôi từng đi nhiều nước và thấy rằng, ở nhiều quốc gia, vi phạm nồng độ cồn không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có sự kết hợp các hình thức xử phạt ý nghĩa khác. Ví dụ một số nước buộc người vi phạm phải đi lao động công ích như đến bệnh viện phục vụ trong các phòng bệnh cấp cứu về tai nạn giao thông; cùng lực lượng chức năng ra đường làm công tác hướng dẫn giao thông... để hiểu rõ hậu quả của việc sử dụng rượu bia khi lái xe.
Tôi cho đây là những cách làm chúng ta có thể tham khảo. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể nghiên cứu việc tịch thu phương tiện đối với những hành vi vi phạm nặng, tái phạm.
Mong muốn Luật Phòng chống tác hại của rượu bia quy định trách nhiệm của người bán trực tiếp cho khách hàng
Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đang thiếu dịch vụ đưa đón người say về tận nhà. Vậy Ủy ban ATGTQG đã và đang có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ phát triển dịch vụ này?
TS Khuất Việt Hùng: Chúng tôi rất mong muốn trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ có quy định trách nhiệm của người bán bia, rượu trực tiếp cho khách hàng. Khi đã xác định rõ trách nhiệm, cần phải có chế tài xử lý đi kèm.
Ví dụ ở Nhật Bản, luật pháp quy định rõ, người vi phạm nồng độ cồn nếu bị giam giữ, phạt tiền, phạt tù thì người ngồi bên cạnh và người bán rượu, bia cho họ cũng bị phạt tù, phạt tiền.
Về vấn đề phát triển dịch vụ vận tải thương mại để hỗ trợ những người đã uống rượu bia về tận nhà, trước hết, tôi muốn nói rằng chúng ta không nên dùng cụm từ "chở người say". Nếu dùng cụm từ ấy thì đó là một thất bại trong việc tuyên truyền khẩu hiểu "đã uống rượu bia không lái xe".
Cụ thể, theo quy định của pháp luật, đối với người lái ô tô tuyệt đối không được sử dụng rượu bia. Đối với xe máy, quy định về nồng độ cồn là 0,25mg/ 1 lít khí thở. Điều này tương đương với 1 lon bia.
Thông thường, nếu chỉ uống 1 lon bia thì không ai say cả cho nên họ thường rất chủ quan. Theo khảo sát của chúng tôi, 42% tai nạn giao thông nặng và rất nặng là những người cảm thấy tự tin, bình thường sau khi uống rượu và tham gia giao thông.
Để phát triển dịch vụ chở người sử dụng rượu bia về tận nhà, Ủy ban ATGTQG đã phát động, làm thí điểm từ năm 2014 ở 40 Tăng Bạt Hổ (Hà Nội). Sau đó, Uber và Grab triển khai và đều làm theo sự kêu gọi của Ủy ban.
Năm ngoái, năm nay và những năm tới đây, Grab sẽ tiếp tục phối hợp với Heiniken Việt Nam để thực hiện chương trình này rộng khắp ở Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác.
Bài học từ thời trẻ và ứng xử trên bàn nhậu
Phóng viên: Không biết ông có uống rượu không?
TS Khuất Việt Hùng: Có (cười)
Phóng viên: Vậy thì trên bàn nhậu, ông thường kiểm soát mình như thế nào?
TS Khuất Việt Hùng: Tôi đơn giản là uống theo khả năng của mình và tất nhiên khi đã uống rồi, tôi tuyệt đối không lái xe.
Trước kia khi mới lấy vợ, lúc đó tôi còn rất trẻ, trong một lần đi ăn cưới, tôi uống rượu rồi ngủ gật và lao xe xuống ruộng trong khi đang chở vợ mang bầu đằng sau. Sau lần đó, tôi không bao giờ dám uống rượu bia rồi lái xe. Cho dù chỉ uống 1 ly, tôi cũng không bao giờ tự lái xe về nhà.
Về chuyện tự kiểm soát mình đơn giản là do tôi biết sức mình, hiểu trạng thái của mình trước khi uống và biết cuộc này chúng ta nên uống như thế nào. Có lẽ rất ít người, may chăng chỉ có vợ tôi là từng chứng kiến tôi say rượu còn lại tôi luôn cố gắng kiểm soát mình.
Phóng viên: Lý do lớn nhất khiến ông luôn nhắc bản thân phải tự kiểm soát mình là gì?
TS Khuất Việt Hùng: Nếu uống rượu rồi lái xe còn gây mất an toàn giao thông. Tôi là làm việc ở Ủy ban ATGTQG, là Đảng viên, Cán bộ công chức nhà nước, tôi có trách nhiệm thực hiện những gì pháp luật quy định cũng như bản thân tôi đang vận động người khác làm.
Phóng viên: Nhưng không lẽ chưa bao giờ ông gặp phải tình huống khó xử khi bị "ép nhậu" trong lúc giải quyết công việc?
TS Khuất Việt Hùng: Câu chuyện nài ép đối với tôi hầu như không xảy ra.
Thực tế, văn hóa gặp gỡ, uống với nhau đôi ba chén rượu để thành câu chuyện không chỉ có ở Việt Nam mà hầu hết các nước khác. Rõ ràng sau một cuộc nhậu, mối quan hệ có thể sẽ trở nên thân thiết hơn, giúp người ta hiểu nhau hơn và những mối quan hệ tiếp theo có thể là quan hệ công việc, có tính chất xã giao dễ tìm được tiếng nói chung.
Đó chính là lý do vì sao có người nói, đôi khi phải ký hợp đồng trên bàn nhậu.
Riêng về câu chuyện ép nhậu thì việc cùng uống hay không uống là do người được mời. Tôi cũng hoàn toàn phản đối việc ép uống rượu. Cá nhân tôi tuyệt đối không ép ai và cũng không ai ép được tôi cả.
Đây cũng là lý do vì sao tôi thấy tiếc cho những người gây tai nạn giao thông vì vi phạm nồng độ cồn bởi họ hoàn toàn có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện khẩu hiệu đã uống rượu bia không lái xe nhưng họ không làm. Họ thậm chí cũng đã biết rằng đã uống rượu bia rồi mà lái xe là nguy hiểm nhưng họ vẫn làm. Đó là điều đáng buồn nhất.
Và đó cũng chính là điều tạo ra mẫu thuẫn: một người tốt, uống rượu bia gây tai nạn lại thành kẻ giết người!