Thói quen sinh hoạt, cung cách ứng xử, cách thức sử dụng tài chính của các tỷ phú luôn là thứ mà những người bình thường quan tâm, bởi đó có thể là những kinh nghiệm quý báu để họ tham khảo cũng như áp dụng vào đời sống của chính mình.
Đối với tỷ phú, khi tiền đã là câu chuyện không còn quá quan trọng, không phải là thứ ưu tiên hàng đầu, thì đâu mới là yếu tố khiến họ thật sự quan tâm? Có rất nhiều đáp án cho câu hỏi này.
Mỗi tỷ phú sẽ có một nét tính cách khác nhau dẫn đến sự ưu tiên và cung cách tiêu tiền của họ cũng khác; tuy nhiên, đâu đó sẽ tồn tại những mẫu số chung cho tất cả. Người thành công thường có những điểm chung, họ đều có cho bản thân những giá trị quan mang tính phổ quát và kiên định tuân thủ những giá trị này.
Lấy nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett làm đơn cử, niềm tin của ông dường như dựa trên sự trung dung, cân bằng và khiêm nhường. Ngay cả khi đã trở thành tỷ phú, Buffett vẫn lái một chiếc xe bán tải có cửa mở ra ở đằng sau.
Đối với ông, đây không phải cố làm ra vẻ mà bởi nó là tính cách của ông. Từ đầu đến cuối, Buffett chính là người như vậy, không để tiền tài làm thay đổi cách nghĩ và lối sống của mình.
Warren Buffett.
Không mù quáng chạy theo xu thế
Buffett khẳng định mình theo cách riêng của ông bất kể áp lực đến từ những người xung quanh, và sẽ không rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng. Ông chứng minh năng lực của bản thân qua các hành động ở các cấp độ khác nhau, và không bao giờ mù quáng theo xu hướng đầu tư, chứ chưa nói đến việc theo đuổi các xu hướng thời trang.
Trong cuốn sách nổi tiếng về quản lý tài chính The Real Warren Buffett: Managing Capital, Leading People, tác giả James Loughlin đã nhấn mạnh nhiều lần rằng: “Trong cuộc sống Buffett trước sau luôn tuân thủ một bộ quy tắc ứng xử nhất quán”.
Warren Buffett.
Chỉ mang một đôi giày trong suốt cả năm ở trường trung học
Loughlin cho biết: “Buffett không có tâm lý của bầy cừu, vì vậy ông ấy sẽ không cần tìm một nơi trú ẩn an toàn trong quần thể nào đó, bởi vì ông ấy cảm thấy điều đó là không cần thiết. Thế nên ông sẽ không nhìn vào những gì người khác làm và làm theo, ngay cả khi một mình cô độc ông ấy cũng không sợ sệt.
Đây chính xác là lý do tại sao khi thị trường chứng khoán không đem lại giá trị, ông có thể quyết định rời đi ngay lập tức, và cũng cho thấy rằng ông ấy có thể tuân thủ nghiêm ngặt logic trong sự cô đơn và tự hào về nó”.
Loughlin cũng đã đề cập trong cuốn sách rằng Buffett chỉ mang một đôi giày trong suốt cả năm thời trung học, ngay cả lúc trời có tuyết trong khi bạn bè ông lại luôn cố gắng thay đổi sao cho giống với mọi người.
Không khó để thấy rằng Buffett rất khác biệt ở đó. Nhiều năm sau, khi đã thành công, Buffett mua một bộ đồ, ông cũng không quan tâm tới người khác sẽ đánh giá gì và mua năm bộ đồ cùng kiểu một lúc.
Hay như một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới - Mark Zuckerberg cũng không dành quá nhiều thời gian để chú ý đến câu chuyện ăn mặc. Ông chủ của Facebook sở hữu hẳn cho mình một bộ sưu tập những chiếc áo thun đơn giản có màu giống nhau để có thể mặc ngay mỗi sáng thức dậy mà không cần đắn đo cân nhắc.
Thường những người hạnh phúc và có thể thực hiện lý tưởng của mình đều coi trọng kinh nghiệm sống. Họ cũng biết rằng không dễ để biết trước những gì có thể làm cho mình hạnh phúc. Do đó, họ thường sẵn sàng tích lũy kinh nghiệm thông qua các loại sai lầm hoặc phương pháp thử nghiệm.
Để tránh cho mình khỏi lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức chạy theo những giá trị không thật và không xứng đáng, chúng ta có thể học cách ghi lại cảm nhận của mình đối với những điều đã xảy ra trong ngày, tổng kết lại giá trị bạn nhận được và chi phí bỏ ra để có nó.