Sau khi một số món ăn vặt như xoài lắc, bánh mì nướng muối ớt,… “hạ nhiệt” thì đến lượt mì cay 7 cấp độ lên ngôi.
Giai đoạn giữa năm 2016, hàng loạt quán mì cay với những thương hiệu ăn theo kiểu Hàn Quốc như Sasin, Naga, Seoul... nhanh chóng mọc lên ở mọi ngóc ngách Hà Nội, đặc biệt là những điểm bán gần trường đại học và khu vui chơi lớn.
Giới học sinh, sinh viên, thậm chí cả nhân viên văn phòng nô nức kéo nhau đi ăn thử, rồi thách đấu xem ai ăn cay tốt hơn. Không khó để nhìn thấy hình ảnh những quán mì cay chật kín khách từ sáng tới tối, nhân viên chạy tới, chạy lui nhưng không kịp đáp ứng hết nhu cầu vì lượng khách quá đông.
Vậy mà chỉ khoảng 4-5 tháng sau, mì cay bắt đầu thoái trào. Số khách giảm nhanh, doanh thu lao dốc khiến nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa. Số khác may mắn hơn khi vẫn “cầm cự” được đến ngày hôm nay nhưng doanh thu cũng chỉ đủ bù chi phí.
Ông Hoàng Tùng, sáng lập chuỗi Pizza Home, người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh nhà hàng ăn uống (Food and Beverages – đồ ăn và đồ uống) cho biết, một số sản phẩm F&B có tính xu hướng (trend) rất rõ nét.
Và nếu đã nói về sản phẩm theo xu hướng thì thường có hai dạng là dài hạn và ngắn hạn. Điểm khác biệt giữa sản phẩm có xu hướng ngắn hạn và sản phẩm có xu hướng dài hạn chính là độ lặp lại tần suất sử dụng sản phẩm.
Tham chiếu yếu tố trên vào sản phẩm mì cay 7 cấp độ thì rõ ràng sản phẩm này người dùng chỉ sử dụng một lần cho biết vì tính lạ của sản phẩm. Khả năng lặp lại hành vi tiêu dùng là gần như không có.
“Khi vào trend, tính lạ, độc đáo phát huy tối đa tác dụng thì khách hàng đến ăn thử rất đông, tuy nhiên bởi không lặp lại hành vi tiêu dùng sản phẩm nên mô hình này suy yếu rất nhanh”, ông Tùng kết luận.
Cũng theo ông, mô hình kinh doanh sản phẩm theo trào lưu giống mì cay 7 cấp độ thường thu hút nhiều cá nhân tham gia vì có những lợi thế ban đầu nhất định. Nếu bắt đúng sóng đang lên của trend thì lượng khách rất đông, nhu cầu rất lớn và dòng tiền thu về rất tốt. Các sản phẩm theo trend thường khá dễ làm nên học hỏi làm theo không quá khó khăn.
Tuy nhiên, đi kèm thuận lợi cũng có khá nhiều thách thức vì nếu là người đi trước thì không sao, nhưng nếu đi sau, gần như tất cả các “chất mầu mỡ” đã bị hút hết, khả năng rủi ro cao hơn. Ngoài ra sản phẩm dễ làm và mô hình dễ copy nên rất nhiều người có thể mở ra liên tục và mật độ cạnh tranh sẽ tăng lên rất nhanh.
Với những mô hình đã rót vốn quá nhiều, dù lượng khách ban đầu có thể rất tốt nhưng khi trào lưu lụi tàn, hiệu quả kinh doanh kém đi do dòng tiền chưa đủ khấu hao đầu tư ban đầu, kết quả là rơi vào tình trạng thua lỗ, đóng cửa.
“Sản phẩm theo trào lưu đòi hỏi người tham gia đầu tư phải có độ nhạy cảm kinh doanh tốt, có kiến thức để biết được đó là sản phẩm trend ngắn hạn hay dài hạn từ đó điều chỉnh bài toán đầu tư sao cho an toàn và hiệu quả. Nếu không thất bại là điều không tránh khỏi”.
Trước mô hình mì cay 7 cấp độ, thị trường Việt Nam cũng đón nhận nhiều món ăn theo xu hướng như như trà chanh, sữa chua mít, khoai tây lốc xoáy,…
Các sản phẩm này đều được sử dụng nhiều lần, trở thành món ăn bình thường và thậm chí là một phần thói quen của nhiều khách hàng tuổi teen. Một số món ăn khác như pizza, gà rán, lẩu băng chuyền…cũng vượt ra khỏi xu hướng ngắn hạn để tiếp tục tồn tại đến ngày hôm nay.
Nói thế để thấy đầu tư vào sản phẩm theo trào lưu không có gì xấu và cũng không phải hoàn toàn thất bại. Quan trọng là mỗi cá nhân, trước khi quyết định đầu tư, nên tìm hiểu kỹ về mô hình kinh doanh, chuẩn bị tốt tài chính và trang bị cho mình kiến thức đầy đủ về ngành F&B để tránh những sai lầm không đáng có.
“Đầu tư vào sản phẩm trào lưu là điều hết sức bình thường, nguy cơ, rủi ro hay lợi nhuận thực ra nằm ở phía người quyết định tham gia cuộc chơi hơn là nằm ở mô hình sản phẩm ăn theo trào lưu”, ông Tùng kết luận.