Bài học từ câu chuyện bà mẹ lên mạng "bóc phốt" cô gái vì không nhường ghế cho con mình: Đừng để hành động của người lớn làm hư trẻ nhỏ!

Đông |

Hành vi của con trẻ phản ánh phương pháp giáo dục và cả cách hành xử của cha mẹ.

Mới đây, trên MXH đang xôn xao trước bài đăng của một bà mẹ "bóc phốt" người lạ vì không... nhường chỗ ngồi trên xe bus cho con mình. Người mẹ này cho biết khi gia đình lên xe thì hết chỗ nên đã nhờ một cô gái nhường chỗ cho con trai mình. Tuy nhiên cô gái không nhường nên người mẹ đã chụp lại, đăng ảnh cô gái lên Facebook và cho rằng cô gái "trông xinh nhưng ý thức kém".

Cứ tưởng màn "bóc phốt" của bà mẹ sẽ nhận được sự đồng thuận từ phía cộng đồng mạng nhưng kết quả hóa ra ngược lại. Theo đó, đa phần netizen đều cho rằng nhường ghế không phải là nghĩa vụ, nhường thì tốt còn không thì cũng không có quyền chụp ảnh người ta rồi đăng lên mạng xã hội như thế.

Bên cạnh đó, nhiều người còn nghi ngại với cách ứng xử nơi cộng cộng thế này, bà mẹ không sớm thì muộn cũng dạy hư con.

Bài học từ câu chuyện bà mẹ lên mạng bóc phốt cô gái vì không nhường ghế cho con mình: Đừng để hành động của người lớn làm hư trẻ nhỏ! - Ảnh 1.

Người mẹ đã sử dụng hình ảnh của cô gái mà chưa có sự xin phép

Nên hay không việc nhường ghế cho người khác?

Trên xe buýt công cộng thường dán các tờ thông báo với nội dung "Hãy nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ". Từ xưa đến nay, đây vẫn được coi là hành động văn minh, lịch sự. Nhưng suy cho cùng, đây cũng chỉ là "lời cảm phiền" về mặt đạo đức chứ không phải điều luật mà tất cả mọi người cần tuân theo. Nó chỉ đúng trên tinh thần tự nguyện nhường của người đang ngồi, còn trong trường hợp người ngồi không muốn thì họ cũng không sai.

Còn xét về khía cạnh của người mẹ, thay vì nhìn nhận sự việc theo nhiều hướng, cô lại chọn một hành động không đáng khuyến khích là đăng đàn nói xấu người lạ trên MXH. Đặc biệt, việc sử dụng hình ảnh người khác mà chưa được sự cho phép của người đó là vi phạm pháp luật.

Con cái như tấm gương phản chiếu của cha mẹ, việc phụ huynh thay vì tìm cách giải quyết thỏa đáng trong trường hợp này, lại xử lý thiếu nhân văn như thế vô hình trung sẽ tiêm nhiễm vào đầu con trẻ những tư duy sai trái. Con trẻ từ đó sẽ nghĩ rằng, bất cứ khi nào gặp phải chuyện không may là sẽ phải lên mạng, đăng đàn "bóc phốt" người khác là xong.

Bài học từ câu chuyện bà mẹ lên mạng bóc phốt cô gái vì không nhường ghế cho con mình: Đừng để hành động của người lớn làm hư trẻ nhỏ! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhìn ở khía cạnh khác, trong phong cách giáo dục hàng ngày, nhiều bậc cha mẹ có thể dạy con nhiều thứ, nhưng dường như "quên" giáo dục những nguyên tắc hành xử nơi công cộng đơn giản nhất cho con. Ví dụ như: Giữ gìn trật tự nơi công cộng, xếp hàng đúng cách, ai lên trước thì được ngồi trước...

Việc giáo dục con cách ứng xử nơi công cộng không bao giờ là quá sớm. Ngay từ khi trẻ biết nhận thức, cha mẹ đã có thể đặt ra cho con những nguyên tắc để yêu cầu con áp dụng và quen dần, không nuông chiều theo con vô điều kiện. Hành vi của con trẻ phản ánh phương pháp giáo dục và cả hành xử của cha mẹ. Trẻ hành xử vô tổ chức, thiếu chuẩn mực, cha mẹ tất yếu cũng sẽ bị xem là nguyên nhân của loạt hành vi đó. Không chỉ thế, lối hành xử này còn có thể hình thành nên tính cách, dẫn đến những lệch lạc trong hành vi khi trẻ trưởng thành.

Quan trọng hơn cả, cha mẹ nên nhìn thẳng vào lỗi lầm của con, dạy con biết cách kiểm soát để tránh những hậu quả xấu. Nếu gây ra sai lầm, con cần dũng cảm đứng lên chịu trách nhiệm, thay vì bảo vệ con trước những câu nói như: "Trẻ con có biết gì đâu", "Nhìn thấy trẻ con đứng trên xe bus mà cũng không nhường ghế"... Chính cha mẹ cũng cần tôn trọng người khác, phải nhắc nhở và ngăn chặn hành vi sai của con mình.

Làm thế nào để thúc đẩy hành vi tốt của trẻ nơi công cộng?

1. Hãy làm gương cho con

Sử dụng hành vi của cha mẹ để hướng dẫn và định hướng hành vi của trẻ. Con cái thường quan sát những gì cha mẹ làm để học theo. Những gì phụ huynh làm thường quan trọng hơn nhiều so với những gì họ nói. Ví dụ, nếu bạn muốn con mình nói "làm ơn", hãy tự nói điều đó với những tình huống xảy ra xung quanh cuộc sống. Nếu bạn không muốn con mình cao giọng với thái độ trịch thượng, hãy nói nhỏ nhẹ và điềm tĩnh.

2. Nói với con cảm xúc của bạn

Thành thật nói với con rằng hành vi sai trái của chúng nơi công cộng sẽ ảnh hưởng đến cha mẹ như thế nào. Từ đó, sẽ giúp con bạn nhìn thấy cảm xúc của chính chúng trong bạn. Và nếu bạn bắt đầu câu với từ "mẹ", con cái sẽ có cơ hội nhìn mọi thứ từ quan điểm của bạn. Ví dụ: "Mẹ cảm thấy khó chịu vì con gây ra quá nhiều tiếng ồn trong quán cafe này".

Ngoài ra, khi con bạn cư xử theo cách chuẩn mực, hãy cho con những lời khen tích cực. Ví dụ: "Chà, con giỏi quá. Mẹ rất thích cách con không đòi hỏi trước một món đồ chơi mà con thích".

3. Lắng nghe tích cực

Khi ở gần con, cha mẹ có thể điều chỉnh những hành vi hay suy nghĩ lệch lạc của chúng. Gần gũi cũng giúp con tập trung vào những gì cha mẹ đang nói về hành vi của mình. Nếu đang ở gần con, bạn không cần bắt chúng phải nhìn bạn.

Ngoài ra, hãy lắng nghe con nói một cách tích cực. Sau khi nghe trẻ nói xong, bạn hãy chấn chỉnh lại hành vi của chúng và rút ra bài học. Điều đó cũng khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và an ủi. Nó thậm chí có thể giảm thiểu những cơn giận dữ tiềm ẩn hay những hành vi không đúng mực nơi công cộng.

Bài học từ câu chuyện bà mẹ lên mạng bóc phốt cô gái vì không nhường ghế cho con mình: Đừng để hành động của người lớn làm hư trẻ nhỏ! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

4. Giữ lời hứa

Khi bạn thực hiện đúng lời hứa của mình, dù tốt hay xấu, con bạn sẽ học cách tin tưởng và tôn trọng bạn. Con bạn học được rằng bạn sẽ không làm chúng thất vọng khi bạn đã hứa điều gì đó và con cũng học được cách để không làm thay đổi quyết định của cha mẹ. Vì vậy, khi bạn hứa sẽ đi dạo sau khi con bạn thu dọn đồ chơi, hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị sẵn mọi thứ. Khi bạn nói rằng bạn sẽ rời khỏi thư viện nếu con bạn không ngừng chạy loanh quanh, hãy chuẩn bị rời đi ngay lập tức.

5. Tạo môi trường cho hành vi tốt

Môi trường xung quanh con bạn có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng, vì vậy bạn có thể định hình môi trường để giúp con bạn cư xử đúng mực. Đặc biệt là không được chấp nhận lời vòi vĩnh của con. Nếu bạn nhượng bộ khi con bạn mè nheo vì không được mua món đồ yêu thích, bạn có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn. "Không" có nghĩa là "không", không phải là "có thể", hãy cương quyết với quyết định của mình.

6. Giao cho trẻ trách nhiệm

Khi con bạn lớn hơn, bạn có thể giao cho con nhiều trách nhiệm hơn đối với hành vi của bản thân. Bạn cũng có thể cho con cơ hội nếm trải những hậu quả mà hành vi sai lệch của chúng gây nên. Đặc biệt, trong những trường hợp này, hãy đảm bảo rằng bạn đã giải thích các hậu quả cho con một cách cặn kẽ.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại