Doanh nghiệp khen, chê gì môi trường kinh doanh?
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến: "Đi tìm động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm" chiều 24/4, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group nói rằng khối doanh nghiệp tư nhân đang rất hào hứng với sự thay đổi trong cách làm chính sách cũng như hạ tầng. "Những điều này đang chuyển biến tương đối nhanh", ông nói.
Tuy nhiên, câu chuyện đau đầu muôn thuở khi doanh nghiệp ngồi với nhau lại là việc thực thi chính sách, thể hiện qua luật, quy định không rõ ràng.
Ví dụ như thời hạn trả lời cho doanh nghiệp, ông Kiên nói rằng có trường hợp rất nhanh, chỉ trong 1 – 2 ngày là xong nhưng cũng có khi cùng sự việc như vậy doanh nghiệp phải chờ đợi nhiều tháng.
"Doanh nghiệp cũng kêu nhiều nhất ở chỗ họ kỳ vọng vào sự thay đổi rất cao, rất nhiều, nhưng sự thay đổi thực chất thì chưa nhanh, nhiều như vậy. Một số việc nhiều khi cần sự can thiệp mang tính cá nhân hơn là chính sách thể chế. Cái đấy là kêu nhiều nhất của doanh nghiệp hiện tại", ông nói.
Dù vậy, theo ông Trần Trọng Kiên, dù vẫn còn nhiều kỳ thị, bất công, nhưng về bản chất doanh nghiệp tư nhân đã được đối xử tốt hơn trước rất nhiều. Nhiều công ty lớn của Việt Nam đã có cơ hội đóng góp cho nền kinh tế thông qua thuế và tạo công ăn việc làm. "Họ cũng bắt đầu đủ năng lực để vươn ra tầm khu vực", ông cho biết thêm.
Để phát triển doanh nghiệp tư nhân, vị doanh nhân này cho biết cần phải tập trung vào 3 yếu tố: đảm bảo tính sáng tạo của các doanh nghiệp; đảm bảo môi trường đầu tư và đào tạo con người; đảm bảo tính hợp tác quốc tế.
Thấy gì khi một loạt khách sạn, villa nghỉ dưỡng "mọc" lên
Trả lời câu hỏi: "Ở Việt Nam, một vài doanh nghiệp tư nhân trong nước đã thay đổi cả một vùng đất như Vingroup, Sun Group... khi đến đầu tư ở các tỉnh, ông thấy bài học gì từ họ?", ông Trần Trọng Kiên cho rằng sự tăng trưởng trong mảng khách sạn, villa nghỉ dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng năng lực du lịch Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng điều này tốt cho đất nước", ông nói.
Tuy nhiên, ông Kiên lưu ý việc phát triển các dự án cần đảm bảo cả quy hoạch cả phần cứng - là hạ tầng và phần mềm - là con người. "Chúng ta phải có đủ nhân lực đào tạo để phục vụ được, có đủ nguồn khách cao cấp để mình phục vụ", ông nói.
Bên cạnh đó còn là bài toán cân đối nguồn lực, giữa nguồn lực đầu tư cá nhân và nguồn lực đầu tư chung của xã hội, như hạ tầng, hàng không với hạ tầng về khách sạn buồng mới tạo ra.
"Chúng ta xây dựng hàng trăm ngàn phòng dọc bờ biển như vậy, nếu không chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng hàng không để đưa khách đến, không đảm bảo tiếp thị tốt cho thị trường cao cấp, thì những buồng đó chỉ phục vụ cho nhóm khách ít tiền. Như vậy là chúng ta đang lãng phí nguồn lực", ông phân tích.
"Bản chất của vấn đề là, năng suất lao động chung của cả ngành và đất nước tăng trưởng tốt, nhưng cuối cùng người dân không được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng, khi chất lượng cuộc sống giảm đi vì môi trường bị phá hủy", ông nói thêm.