Cô đi mà lấy chồng tôi (Marry my husband) là bộ phim Hàn Quốc đang làm mưa làm gió những ngày gần đây. Không chỉ đơn thuần tập trung vào màn trả thù của nữ chính Ji Won với chồng và “tiểu tam", bộ phim còn gói gọn nhiều bài học cuộc sống mà người xem có thể áp dụng trong đời thực.
Nữ chính Ji Won ra đi sau khi phát hiện chồng và bạn thân ngoại tình. Nếu như Ji Won có thể “tái sinh" để làm lại cuộc đời thì ai trong chúng ta cũng không được may mắn đến vậy. Để không muốn rơi vào cuộc sống bi kịch như Ji Won và ôm mộng một ngày được “chuyển kiếp”, bạn cần biết 4 bài học tiền bạc dưới đây.
Chấp nhận để chồng “ăn bám" nhiều năm: Tiền mất tình cũng tan
Trong Cô đi mà lấy chồng tôi , chỉ một năm sau khi kết hôn, Min Hwan tự xin nghỉ việc ở công ty để theo đuổi đam mê chơi chứng khoán. Kể từ đó, gánh nặng chu cấp tài chính cho gã chồng tồi và mẹ anh ta đổ dồn hết lên vai Ji Won. Đây là “red flag" đầu tiên mà Min Hwan dành cho vợ, đáng tiếc cô đã không tinh tế nhận ra.
“Thà không có (chồng) còn tốt hơn. Nếu không, tôi sẽ chẳng có khoản nợ nào phải trả, cũng có thể tự nộp viện phí”, Ji Won tổng kết cay đắng về cuộc hôn nhân bất hạnh.
Thực tế, dấu hiệu nhận biết rõ nhất của cuộc tình sắp đổ vỡ là vợ hoặc chồng đùn đẩy gánh nặng tài chính cho đối phương. Một hôn nhân bền vững phải được xây dựng từ sự cố gắng của cả hai người.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, Ji Won vẫn chấp nhận để chồng và mẹ anh ta “ăn bám" mình mà không có một lời phản kháng. Để rồi những ngày cuối đời rơi vào cảnh trắng tay vì lo toan cuộc sống gia đình, Ji Won lại phải quay sang nhắn tin cầu cạnh chồng: “Chưa đầy 1 năm sau khi cưới anh đã nghỉ việc, em sẽ không tính toán số tiền em đã lo cho anh. Nhưng giờ em phải nằm viện". Đáp lại cô là những cú dập máy điện thoại của chồng khi đang nằm bên tình nhân.
Thêm nữa, một biểu hiện rõ nét của gã chồng đểu là anh ta không bao giờ lắng nghe ý kiến, cũng như bàn bạc các vấn đề quan trọng với bạn, chuyện tài chính là một trong số đó. Min Hwan là điển hình của trường hợp này. Ji Won chỉ biết chồng rơi vào cảnh thất nghiệp khi anh ta đã nộp đơn xin nghỉ, bất chấp ở thời điểm đó, cả hai đang có khoản nợ cần trả hàng tháng. Và đây cũng là bước mở đầu cho cuộc sống hôn nhân đầy màu đen của cô nàng.
Sau cùng, trong hôn nhân, dù tin tưởng đối phương đến đâu, hãy luôn có một quỹ dự phòng cho cá nhân. Đừng bao giờ chu cấp hết tiền bạc cho một mối quan hệ, nếu bạn không muốn đến cả tiền cứu sống bản thân lúc mắc bệnh nan y cũng không còn như Ji Won.
Không bao giờ đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc
Để có đủ tiền nuôi gia đình chồng, Min Hwan chấp nhận làm việc cật lực quên ngày đêm. Cái giá cô phải trả là căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Đến khi Ji Won phát hiện chồng ngoại tình, Min Hwan còn hỏi ngược lại vợ: Một người sắp chết như cô có thể làm gì?
Trong cuộc sống, không thiếu người chấp nhận làm thêm ngoài giờ, đặt công việc lên hàng đầu mà gạt qua những thứ quan trọng khác đằng sau như sức khoẻ, sở thích cá nhân. Hệ quả là giống như Ji Won, họ mất đi tuổi trẻ và mắc căn bệnh nghiêm trọng ở tuổi đôi mươi. Đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc, thăng tiến ở công sở luôn là khoản đầu tư tệ nhất. Vì số tiền dành để đi chữa bệnh và “chữa lành" tinh thần sau này có thể nhiều hơn gấp bội tiền lương mà bạn đang kiếm được.
Đừng ôm mộng chỉ đổi đời bằng chứng khoán
Min Hwan là một gã nghiện chứng khoán. Vì muốn dành trọn tâm sức cho chứng khoán - cách mà anh ta nghĩ có thể “đổi đời” nên Min Hwan chọn nghỉ công việc ổn định. Sau này, khi nghĩ đến chuyện sắp được hưởng 1 tỷ won từ tiền bảo hiểm của vợ, Min Hwan còn dự tính dùng chúng để tiếp tục mua cổ phiếu, bên cạnh một món quà dành cho tình nhân.
Các hình thức làm giàu trong thời gian ngắn luôn khiến mọi người dễ bị “mờ mắt". Đầu tư cổ phiếu là một trong số đó. Tuy nhiên, việc tất tay vào một kênh đầu tư giống như chơi trò sinh tử, đầy mạo hiểm và có thể “ra đê" bất cứ lúc nào. Nhớ rằng, thu nhập từ các khoản đầu tư là không ổn định, do đó bạn sẽ phải chấp nhận ít nhiều rủi ro khi theo đuổi bộ môn này.
Khi đầu tư, hãy nhớ nguyên tắc “không để hết trứng vào cùng một giỏ”. Hãy phân bổ tiền của bạn sang nhiều “giỏ" khác nhằm hạn chế rủi ro như bất động sản, vàng, trái phiếu, sản xuất kinh doanh… Quan trọng hơn nữa, đừng bao giờ từ bỏ công việc đang hái ra tiền để dồn sức cho chứng khoán, nếu bạn không muốn trắng tay và không còn đường lui.
Không mua bảo hiểm khi chưa tìm hiểu kỹ
Một chất “xúc tác" khiến Ji Won bị xô ngã và nhanh chóng “chuyển kiếp" là khi cô và chồng cũ xảy ra tranh chấp bởi món tiền bảo hiểm. Trước đó do nhận thấy gia đình vợ có gen di truyền bệnh ung thư, Ji Won lại ngày càng gầy đi nên Min Hwan đã dụ cô mua bảo hiểm. Như thế, nếu Ji Won ra đi vì bệnh ung thư, chồng cô nghiễm nhiên được hưởng 1 tỷ won đền bù.
Thực tế, bảo hiểm là một khoản đầu tư đảm bảo cho tương lai. Tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng khi chọn mua gói bảo hiểm nào. Nhất là khi bảo hiểm không “đóng khung" bảo vệ khách hàng suốt hành trình dài, mà liên tục có những điều chỉnh và phát sinh… Khi không rõ nội dung nào, bạn cần yêu cầu nhân viên bảo hiểm giải thích rõ các điều khoản, tránh món tiền sau này phục vụ mục đích mà bản thân không mong muốn.