Chuyện tiết kiệm chẳng phải điều gì xa lạ đối với những gia đình châu Á trung lưu. Bản tính cần kiệm gom góp từ ông bà, cha mẹ chúng ta được sinh ra từ những nhu cầu "đầy tính trách nhiệm" mua nhà, mua đất, đầu tư cho con cái theo học những trường Đại học danh giá hoặc những bằng cấp đắt đỏ trong xã hội hiện nay.
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, bà nội vẫn hay gom những đồng tiền lẻ đi chợ của mẹ để vương trên bàn bếp rồi gói vào một chiếc khăn mùi xoa cất trong túi áo.
Đó là quỹ quà vặt cho tôi những năm đi học mẫu giáo: mẹ thường nghiêm khắc nhưng bà nội thì chẳng bao giờ từ chối những lần ăn vạ đòi mua kẹo bánh hay mấy chiếc móc khoá phát sáng nhanh hỏng mỗi khi tan trường của tôi. Tôi tin rằng, trong kí ức của bất cứ ai thế hệ millenials xa xưa cũng từng chứng kiến những hành động gom góp nhỏ nhặt ấy từ ông bà hay bố mẹ.
Nhưng theo thời gian, bối cảnh và lối sống hiện đại đã tạo ra một thế hệ chúng ta những người trẻ quay cuồng trong mạng lưới công việc và các mối quan hệ xã hội. Khi không có nhiều trách nhiệm đeo bám, người ta thường có xu hướng quẳng gánh lo đi mà vui sống, làm hết sức và chơi cũng hết mình.
Work hard, play harder:
Có quá nhiều điều để nói về thế hệ millenials – những người trẻ đang nắm giữ những vai trò năng động then chốt trong nền kinh tế hiện nay: Họ là lực lượng khách hàng tiêu dùng mục tiêu, lực lượng lao động thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, lực lượng kiến tạo xu hướng và đổi mới không ngừng…
Cùng với sự phát triển các nền tảng mạng xã hội, động lực của thế hệ millenials cũng có sự thay đổi, tiến hoá so với những thế hệ đi trước: Họ xem trọng sức ảnh hưởng (personal impact) của bản thân đối với thế giới nhưng đồng thời cũng luôn đề cao tính toàn thể trọn vẹn (inclusivity). Nói một cách dễ hiểu, một người trẻ điển hình thuộc thế hệ millenials hiện nay thường nắm bắt được chính xác những xu hướng thịnh hành trong các vấn đề phổ thông (thời trang, văn hoá, chính trị…) và có mong muốn tạo được chỗ đứng nổi bật trong cộng đồng bằng những đóng góp hữu hình được thể hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
Điều này cũng phần nào có thể lý giải tại sao những xu hướng: điệu nhảy savage Tiktok, câu chuyện gom 3 chữ A ủng hộ lớp học cho trẻ em tự kỷ, ATM Gạo… lại trở nên "viral" đến vậy. Bởi lẽ, trong mắt thế hệ millenials, tính cách của họ không cho phép họ bỏ qua những điều có thể mang lại cảm xúc tích cực; họ muốn được "hoà mình" vào cộng đồng và lo sợ bị bỏ lỡ nhiều điều trong cuộc sống (fear of missing out).
Cũng chính nhờ nỗi sợ này mà millenials trở thành một thế hệ xông xáo nhiệt thành sẵn lòng dốc cạn túi tiền để mua về những trải nghiệm quý giá: Du lịch 2 – 3 lần/ năm, ăn cơm hàng, xài đồ hiệu… dường như trở thành những gạch đầu dòng must-check trong sổ tay thời thanh xuân của thế hệ millenials. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc thói quen tiết kiệm vốn dĩ được coi là đức tính truyền đời trong nếp sống người châu Á xưa nay lại trở thành khái niệm xa lạ.
Không nói đâu xa, tôi chắc hẳn bạn có thể dễ dàng liên tưởng ngay tới những cốc Starbucks gần trăm ngàn, những bữa brunch không bao giờ tính theo đơn vị chục ngàn, những chiếc túi hiệu, những đôi giày limited hàng hiếm được lăng xê không mệt mỏi từ các "seller" nổi tiếng hay hypebeast… nhan nhản trên news feed Instagram/ facebook mỗi ngày. Đó là còn chưa kể tới những tầng lớp đặc biệt: KOLs, "rich kid", travel bloggers… với hàng tá những chuyến du lịch, những shot hình, viễn cảnh đắt đỏ sang trọng.
Bối cảnh đó vừa là hiện thực vừa là "chuẩn mực xã hội mới" thúc đẩy thế hệ millenials lao vào cuộc sống. Chuyện tiết kiệm lo xa cho một ngày "nhỡ chẳng may" của thế hệ trước dường như không thực sự phù hợp. Người trẻ bây giờ làm hết sức, chơi hết mình để đạt được những mục tiêu "xã hội", thoả mãn cái tôi cá nhân nhưng lại chưa thực sự chú tâm tới vài cột mốc mang tên "trách nhiệm".
Theo Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng của Mỹ (Consumer Financial Protection Bureau), cứ 10 người trẻ (trong độ tuổi 18 – 34) thì có 1 người luôn chi tiêu quá hạn mức thấu chi 10 lần một năm. Trong một cuộc khảo sát 1,000 người thuộc thế hệ millenials, trang web Rent.com đã đi đến kết quả có hơn một nửa người tham gia khảo sát dành đến 30% thu nhập hàng tháng của mình cho chuyện thuê nhà.
Số lượng người dành đến một nửa thu nhập cho việc thuê nhà chiếm tới 20%. (Điều này cho thấy nhu cầu về chỗ ở khá quan trọng đối với thế hệ millenials, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là sau khi trừ hết các chi phí sinh hoạt, mua sắm, đời sống cá nhân liệu họ còn được bao nhiêu để cho vào tài khoản tiết kiệm).
Hệ quả là gì? Có lẽ không phải nhắc đến quá nhiều nữa. Trong trận đại dịch đang diễn ra, thế hệ trẻ có lẽ là những người thấm đòn nhất khi bất ngờ bị đẩy vào tình huống của một nền kinh tế buộc phải suy thoái: cắt giảm lương, làm việc ở nhà, không còn những cuộc vui "social", không có gì chắc chắn đảm bảo về mặt tài chính những tháng tiếp theo…
Quỹ phòng hộ bản thân lúc này chính là một thứ thuốc an thần liều cao giúp cho những người đã có sự chuẩn bị sẵn sàng có thể kê cao gối ngon giấc trong một khoảng thời gian không dài nhưng chắc chắn không hề ngắn.
Đã đến lúc tự tạo cho mình những thói quen tài chính lành mạnh
Không ít bạn trẻ lo ngại rằng, việc giảm bớt chi tiêu sẽ khiến họ trở nên "kém cool" hơn, bớt sang hơn trong mắt bạn bè. Điều này không hề đúng. Việc tạo lập những thói quen mới dựa trên nhu cầu phát triển và bảo đảm cho bản thân bạn một cuộc sống ở tầm nhìn xa hơn những bữa ăn, cuộc nhậu, đi bar theo tuần.
Điều này đòi hỏi bạn cần có những nhận định chính xác về điều mình muốn và căn chỉnh hành vi tiêu dùng của mình ở một mức độ hợp lý hơn. Những thói quen tài chính lành mạnh không đồng nghĩa với việc bạn phải đánh đổi những mục tiêu "xã hội" của mình và trở nên tụt hậu hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Hãy bắt đầu bằng những lần cân nhắc trong việc chi tiêu hàng ngày của mình
Cắt giảm bớt những bữa ăn vặt không cần thiết, ngừng quẹt thẻ trước những chương trình giảm giá quần áo (mà các thương hiệu có quanh năm), tự đặt một hạn mức chi tiêu trong ngày dành cho bản thân, chuẩn bị bữa ăn thay vì ăn ngoài.
Tất nhiên, chuyện cân nhắc chi tiêu không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm, không tiêu xài mà còn nằm ở những quyết định rút ví chất lượng và đúng đắn. Mua đồ hiệu, xài sang không xấu nhưng hãy biết điểm dừng và học được cách cân bằng giữa "cần" và "muốn". Cuộc sống quá chi li tính toán thì cũng không còn nhiều niềm vui nữa.
Tạo tài khoản tiết kiệm
Tuy mang tiếng là thế hệ chỉ biết làm và chơi, nhưng millenials khi đã tiết kiệm thì lại thường bắt đầu rất sớm. Ngân hàng Hoa Kỳ đã có thông báo sau một cuộc khảo sát vào năm 2019 rằng độ tuổi trung bình của thế hệ millenials khi bắt đầu tiết kiệm là 23. Độ tuổi này sớm hơn rất nhiều so với thế hệ X, thế hệ Y trước đây.
Không chỉ là giải pháp hạn chế vung tay quá chán, việc có tài khoản tiết kiệm cũng giống như một hình thức đầu tư dài hạn an toàn bảo đảm hơn cho tương lai của bạn vậy. Việc tạo ra các tài khoản tiết kiệm cũng cần bạn phải có sự phân chia hợp lý giữa những khoản chi tiêu hàng tháng cho chính mình. Một cách chia đơn giản đó là: tiền thuê nhà (accommodation fee), tiền sinh hoạt, tiền tiêu vặt và tiền tiết kiệm.
Ngoài ra, lãi suất ngân hàng tại Việt Nam không hề tệ. Bạn đã tìm hiểu chưa?
Học cách đầu tư
Nghe thì có vẻ khó nhằn nhưng thực ra không ít người trong chúng ta đã bắt đầu dấn thân vào con đường đầu tư để tạo ra những nguồn thu nhập thêm bên cạnh công việc văn phòng 8 tiếng hàng ngày. Cổ phiếu, bitcoin hay thậm chí là bất động sản… không khó để bạn tìm được thông tin về những hạng mục đầu tư sôi nổi này trên các nền tảng mạng xã hội, báo chí, bạn bè. Nếu có chút máu liều và không cam tâm nhìn rất nhiều tiền trong quỹ phòng hộ của mình ngồi yên, hãy thử đầu tư. Nhưng cũng đừng quên vẫn chừa lại vừa đủ để lo cho bản thân trong một dịp "nhỡ chẳng may" nào đó có thể xảy đến trong tương lai sông rộng đường dài sau này.