Bài học Berlin buộc Moskva rút tên lửa đạn đạo hé lộ giải pháp Nhật, Hàn chống Triều Tiên

Minh Anh |

Giáo sư người Nhật Bản lập luận, nếu cho phép khu vực Đông Á trang bị vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho chi phí quốc phòng tại khu vực.

Bài học lịch sử

Trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng, tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Triều Tiên, và việc Trung Quốc có tham gia hoàn toàn với Liên minh Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc để tạo thế bao vây cấm vận đối với Triều Tiên hay không, đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận.

Giáo sư Takubo Tadae, từ Đại học Kyourin của Nhật Bản, cho biết quy định quốc tế đã có ít nhiều thay đổi. Cụ thể, Mỹ đang xem xét lại việc cho phép Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu trở thành hiện thực, điều này sẽ tạo ra tác động nhất định đối với thể chế quốc phòng hiện nay của Tokyo.

Phân tích trên tờ Sankei, giáo sư Tadae đề cập chính sách của Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) trước đây trong việc khiến Moskva phải thu hồi toàn bộ hệ thống tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân SS20 được bố trí ở châu Âu trong thời kì Chiến tranh Lạnh.

Theo đó, nhằm ngăn chặn sự phát triển và mối đe dọa từ SS20, chính quyền tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã kí thỏa thuận với các nước đồng minh châu Âu, nhất trí sử dụng "ô hạt nhân" Mỹ làm bảo hộ tại khu vực.

Thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt, khi đó dù còn nghi ngờ về mục đích thực sự của chính quyền Carter, cũng nhận thấy việc triển khai ô hạt nhân của Mỹ để khắc chế SS20, có thể đạt được hiệu quả răn đe ngoại giao và khiến Moskva phải ngồi vào bàn đàm phán, đi đến từ bỏ hoàn toàn việc triển khai SS20 tại châu Âu.

Sau bài phát biểu của ông Schmidt tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London, Anh vào tháng 10/1997, chính sách này NATO đã được NATO thực hiện và đạt được mục đích cuối cùng là Nga thu hồi toàn bộ SS20 đã triển khai ở châu Âu từ thời Liên Xô cũ.

Bài học Berlin buộc Moskva rút tên lửa đạn đạo hé lộ giải pháp Nhật, Hàn chống Triều Tiên - Ảnh 1.

Người dân Nhật đứng trước màn hình thông báo tên lửa Triều Tiên bay qua không phận. Ảnh: EPA

Hàn Quốc, Nhật Bản và vấn đề sở hữu hạt nhân

Ông Tadae cho rằng việc vũ khí hạt nhân bị cấm tại Nhật Bản một phần do nguyên nhân lịch sử, còn một phần do những toan tính chính trị của Mỹ tại khu vực.

Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa, bom hạt nhân trong thời gian qua, Mỹ đã bắt đầu thay đổi quan điểm về việc cho phép Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hãng Fox News, thân với đảng Cộng hòa cầm quyền ở Mỹ, chỉ ra tính cần thiết của việc sở hữu vũ khí hạt nhân, cho rằng đây là biện pháp có thể giúp duy trì sự sống còn của Nhật Bản. Ý tưởng này chưa từng được đề cập trong lịch sử nhưng hiện đã bắt đầu là chủ đề thảo luận chính.

Tờ Wall Street Journal ngày 5/9 cho hay, đang có những luồng quan điểm rất rõ ràng trong chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến việc Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo WSJ, một bộ phận quan chức Nhà Trắng cho rằng duy trì tình hình như hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ. Nhưng nhiều người, bao gồm tổng thống Trump, lại tin rằng trang bị vũ khí hạt nhân cho đồng minh ở Đông Á sẽ giúp Mỹ có thuận lợi hơn về ngoại giao, hay có thể cắt giảm chi tiêu quốc phòng thông qua việc rút quân khỏi Hàn Quốc.

Bài học Berlin buộc Moskva rút tên lửa đạn đạo hé lộ giải pháp Nhật, Hàn chống Triều Tiên - Ảnh 2.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết không chạy đua vũ trang. Ảnh: NK News

Tại Hàn Quốc, theo kết quả khảo sát sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch (bom H) vào ngày 3/9, có tới 68 % người dân tán thành tái trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật, và 60% tán thành Hàn Quốc tự chủ trong sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tờ JoongAng Ilbo ngày 11/9 cho biết, thái độ của người dân Hàn Quốc đã thay đổi đáng kể. Điều này sẽ buộc chính quyền Tổng thống Moon Jae-in phải đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.

Giáo sư Takubo Tadae cho rằng việc tái trang bị vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc có thể giống cách thức của Thủ tướng Tây Đức Schmidt năm xưa. Những gì diễn ra tại Hàn Quốc cũng có tính tham chiếu đối với tình huống của Nhật Bản.

Dù đã có ý kiến kêu gọi từ bỏ nguyên tắc "không mang vào" trong "nguyên tắc 3 không" về vũ khí hạt nhân giữa Nhật Bản với Mỹ (không chế tạo, không trang bị, không mang vào), nhưng theo ông Tadae, việc cần thiết và có ý nghĩa nhất hiện nay là tìm hiểu mức độ tin tưởng của người dân Nhật Bản đối với vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại