Kí ức khó quên thời Adolf Hitler: Lễ Giáng sinh chỉ dành cho "tộc người thượng đẳng"

Tất Đạt |

Bằng nhiều biện pháp, Đức Quốc xã đã tạo ra một ngày lễ Giáng sinh khác biệt hoàn toàn so với "bản gốc".

Năm 1921, tại Munich, Adolf Hitler - lãnh đạo mới được bổ nhiệm của Đức quốc xã - phát biểu thông điệp Giáng sinh trước đám đông đang chăm chú lắng nghe.

Theo những cảnh sát mặc thường phục, 4.000 người ủng hộ đã vỗ tay khi Hitler lên án người Do Thái và thề "sẽ không ngừng nghỉ cho tới khi tất cả dân tộc Do Thái bị tiêu diệt". Sau đó, đám đông hát các ca khúc ngày lễ quanh cây Giáng sinh. Những người lao động được nhận quà từ thiện khi buổi lễ kết thúc.

Đối với những người Đức sống trong những năm 1920 - 1930, sự kết hợp giữa ngày lễ gia đình, truyền thông nhà nước và tư tưởng bài Do Thái không phải là chuyện hiếm gặp.

Khi Đảng Quốc xã (Nazi) ngày càng lớn mạnh cả về quy mô và tầm ảnh hưởng - và cuối cùng giành quyền kiểm soát vào năm 1933, những chuyên gia truyền thông tiếp tục tận dụng cơ hội để "Quốc xã hóa" ngày Giáng sinh.

Kí ức khó quên thời Adolf Hitler: Lễ Giáng sinh chỉ dành cho tộc người thượng đẳng - Ảnh 1.

Ảnh: Business Insider/ Wikimedia Commons

Bằng cách định nghĩa lại ngày lễ và thiết kế biểu tượng, phong tục mới, Đức Quốc xã dự tính lan truyền chủ nghĩa quốc xã thông qua những lễ hội phổ biến. Nắm quyền điều hành quốc gia, các quan chức của Đức Quốc xã dễ dàng xây dựng một hình tượng "Giáng sinh kiểu mới" thông qua những chương trình phát thanh và cơ quan báo chí.

Mặc dù một số người Đức phản đối tầm ảnh hưởng chính trị của chính phủ Đức đối với kì nghỉ lễ, nhiều người khác lại cho rằng "sự biến hóa" là cần thiết trong quá trình loại bỏ người Do Thái và những người thuộc dân tộc khác.

Tái định nghĩa Giáng sinh

Một trong những đặc điểm nổi trội nhất trong thời kì Đức Quốc xã là việc đưa ngày Giáng sinh trở thành một buổi lễ kiểu Bắc Âu. Thay vì nói về nguồn gốc tôn giáo, "Giáng sinh phiên bản Nazi" được sử dụng để ca ngợi chủng tộc thượng đẳng mà Đức Quốc xã sử dụng để làm mục tiêu cho toàn đất nước.

Theo những học giả Đức trong thời kì này, ngày lễ Giáng sinh truyền thống là nghi thức được các bộ lạc Germanic cổ đại thực hiện để kỉ niệm ngày đông chí, trước cả khi có sự xuất hiện của đạo Cơ đốc.

Để lấy bằng chứng cho điều đó, họ lấy dẫn chứng về ý nghĩa của những đồ vật xuất hiện trong ngày lễ. Ví dụ, ánh nến trên cây Giáng sinh biểu tượng cho "sự trở lại của ánh sáng" trong ngày ngắn nhất năm.

Ý tưởng ấy đã được lan rộng tại nhiều nơi. Từ những năm 1860, các sử gia, nhà thần học và các nhà văn nổi tiếng người Đức đã cho rằng nhiều lễ hội tại Đức đã xuất hiện từ trước thời đạo Cơ đốc có mặt. Rất nhiều cơ quan chính phủ Đức Quốc xã đã đảm bảo rằng phiên bản Giáng sinh của người Đức sẽ mang tầm ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội của người dân.

Kí ức khó quên thời Adolf Hitler: Lễ Giáng sinh chỉ dành cho tộc người thượng đẳng - Ảnh 2.

Bằng cách định nghĩa lại ngày lễ và thiết kế biểu tượng, phong tục mới, Đức Quốc xã dự tính lan truyền chủ nghĩa quốc xã thông qua những lễ hội phổ biến. Ảnh: Business Insider/Wikimedia Commons

Có hai điểm khá mới trong Giáng sinh thời kì này.

Đầu tiên, tư tưởng của Đức Quốc xã cho rằng hoạt động tôn giáo có tổ chức là kẻ thù của chủ nghĩa phát xít, vậy nên các nhà truyền thông đã tìm cách loại bỏ yếu tố Cơ đốc giáo của kì nghỉ lễ. Do đó, Giáng sinh buộc phải nhắc tới ngày đông chí và những nghi thức "ánh sáng" theo yêu cầu của nhà nước.

Thứ hai, như trong bài phát biểu hồi năm 1921 của Hitler, ngày lễ của Đức Quốc xã đã khuyến khích tư tưởng "thuần chủng" và bài Do Thái. Hoạt động bài trừ công khai đã ít nhiều biến mất từ sau năm 1933, khi Đức Quốc xã tìm cách ổn định người dân.

Các hình ảnh truyền thông về gia đình người Đức tóc vàng, mắt xanh đứng quây quần cạnh cây Giáng sinh đã quảng bá biểu tượng "chủng tộc thượng đẳng" một cách rõ nét hơn.

Tuy nhiên, hoạt động bài Do Thái vẫn tiếp tục diễn ra vào mùa Giáng sinh. Thông điệp của Đức Quốc xã vào thời điểm này rất rõ ràng: chỉ có "chủng tộc thượng đẳng" được tổ chức và tham gia buổi lễ hội.

Tước bỏ tính Do Thái của lễ Giáng sinh

Theo Chủ nghĩa Quốc xã, phụ nữ - đặc biệt là các bà mẹ - đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường mối liên kết giữa đời sống cá nhân và "tinh thần mới" của nước Đức.

Mỗi hoạt động ngày thường của buổi lễ - gói quà, trang trí nhà, nấu các món ăn nghỉ lễ "đậm chất Đức" và tổ chức các buổi liên hoan gia đình - đều mang đậm tinh thần Bắc Âu.

Những nhà tuyên truyền cho rằng, với vai trò của mình, những bà mẹ có thể "đem tinh thần đích thực của Giáng sinh trở lại với căn nhà của người Đức.

Cụ thể, họ được khuyến khích trang trí căn nhà bằng những hình dạng như "Bánh xe Mặt trời của Odin" và làm bánh có hình dạng số 8 nằm ngang (ám chỉ tính vĩnh cửu). Ngoài ra, các ca khúc Giáng sinh phiên bản Đức Quốc xã cũng xuất hiện, thay thế các bài hát truyền thống bằng những tư tưởng phân biệt chủng tộc.

Dù được viết lại trên nền giai điệu gốc, lời bài hát đã loại bỏ nguồn gốc Do Thái của Giáng sinh và thay vào đó là ca ngợi các vì sao, ánh sáng và niềm tin vào chủ nghĩa Quốc xã. Không khó để bắt gặp bài hát với nội dung như vậy trên đài phát thanh, chương trình văn nghệ nhà nước dưới thời đảng Quốc xã nắm quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại