Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã diễn ra tại thủ đô Tokyo hôm 15/4 vừa qua.
Chuyến công du hôm 15/4 là lần trở lại Nhật Bản đầu tiên của ông Lavrov sau hai năm rưỡi. Tính cả buổi tiệc tối, chương trình hội đàm giữa hai ngoại trưởng kéo dài 3 tiếng rưỡi.
Phía Nhật Bản né tránh đề cập nội dung đàm phán cụ thể giữa hai ông, đồng thời nhấn mạnh "hai bên tiến hành hội đàm mang tính xây dựng tích cực, trong bầu không khí hết sức hữu nghị".
Ngoại trưởng Kishida nói với báo chí sau đó rằng song phương "đã có thảo luận tích cực để thúc đẩy cuộc đàm phán (liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc) trong tương lai".
Tuy nhiên, Nikkei cho hay, các chi tiết trong cuộc gặp cho thấy chính quyền của Tổng thống Nga Vladmir Putin đang cố gắng "dằn mặt" Nhật Bản.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc hội đàm tại Tokyo hôm 15/4. (Ảnh: Nikkei)
"Cây gậy và củ cà rốt": Thái độ quen thuộc đối với Tokyo
Ngoại trưởng Nga đã nêu lập trường hết sức cứng rắn về vấn đề lãnh thổ: "Nhật Bản buộc phải thừa nhận kết quả của Thế chiến II. Đó là tiền đề bất di bất dịch."
Theo Nikkei, ông Lavrov muốn "nhắc nhở" Tokyo rằng Nhật để mất Vùng lãnh thổ phương Bắc là kết quả của thất bại trong chiến tranh, do đó việc Nga vẫn chấp nhận đàm phán hoàn toàn là sự thể hiện "thiện chí" của Moscow. Nhật Bản cần hiểu điều đó.
Ông cũng yêu cầu Nhật triển khai hợp tác với Nga "trên mọi lĩnh vực, không có ngoại lệ" như một điều kiện để đổi lại đàm phán.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc Tokyo "loại bỏ trở ngại khiến quan hệ song phương không thể bình thường", được cho là đề cập đến lệnh cấm vận mà Nhật áp đặt lên Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nikkei bình luận, mặc dù Ngoại trưởng Lavrov sử dụng ngôn từ "uyển chuyển", nhưng thể hiện rõ lập trường đe dọa Nhật Bản rằng đàm phán về lãnh thổ sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, ông Lavrov vẫn khẳng định đàm phán "sẽ được tiếp tục dù trong hoàn cảnh nào" và đề cập đến Tuyên bố chung Liên Xô-Nhật Bản năm 1956, trong đó nói Nga sẽ cân nhắc trả lại hai trong bốn đảo cho Nhật là Shikotan và quần đảo Habomai.
Lavrov cho biết "sẵn sàng lấy đó làm cơ sở để tiếp tục các lộ trình liên quan".
Theo Nikkei, các nhà ngoại giao của Nga và Nhật Bản am hiểu tình hình chính phủ Nga đã lý giải, Tổng thống Putin đã luôn để Ngoại trưởng Sergei Lavrov thể hiện thái độ cứng rắn với Tokyo, trong khi chính ông tỏ ra ôn hòa để gây ảnh hưởng tới phía Nhật.
"Việc Điện Kremlin cho phép quan chức thường 'đóng vai ác' như Lavrov đưa ra những tuyên bố hòa dịu về vấn đề lãnh thổ chính là động thái nhằm tạo ra kỳ vọng cho Nhật Bản," Nikkei dẫn lời một chuyên gia đánh giá.
Tại cuộc hội đàm Kishida-Lavrov hồi tháng 9/2015 tại Moscow, Ngoại trưởng Nga tuyên bố thẳng thừng rằng "Nga vẫn chưa thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ".
Hôm 14/4 vừa qua, trả lời báo chí Nga, Tổng thống Putin nói: "[Vấn đề tranh chấp quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc] có khả năng đạt được thỏa hiệp vào một thời điểm nào đó. Tôi cho rằng có thể thực hiện được."
Dù vậy, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn tỏ ra thận trọng về triển vọng thỏa hiệp được với Nga khi ông Abe tới Moscow vào tháng 5.
Các quan chức chính phủ Nhật quan ngại Putin sẽ không nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ.
Trao đổi thương mại hai chiều Nga-Nhật năm 2015 giảm 30% so với năm trước đó, nguyên nhân bởi các lệnh cấm vận Tokyo áp đặt lên Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine. (Ảnh: AFP)
Nhật không bỏ trừng phạt, đừng mơ đàm phán?
Tờ Nikkei đánh giá, quan hệ giữa hai nguyên thủ Abe và Putin dường như khá tốt đẹp, nhưng quan hệ giữa hai nước lại tiềm ẩn nhiều "sóng gió". Nguyên nhân do vấn đề Ukraine.
Trong cuộc hội đàm với ông Fumio Kishida hôm 15, Sergei Lavrov dẫn tuyên bố của Tổng thống Nga rước đó 1 ngày:
"Dù chịu sức ép từ Mỹ và đồng minh, nhưng những người bạn Nhật vẫn nỗ lực duy trì quan hệ (với Nga)... Nhưng quyết định của Tokyo ở một số giai đoạn làm hạn chế sự tiếp xúc của hai bên."
Đối với Nội các Shinzo Abe, vốn trừng phạt Nga để ủng hộ Mỹ, đây là sự "đe dọa" từ Putin. Bất chấp thực tế chính phủ Nhật đã cố gắng cấm vận "nhẹ nhàng", điều đó vẫn khiến Moscow rất không hài lòng.
Nikkei cho rằng, mục tiêu hàng đầu trong chính sách của Nga đối với Nhật Bản là tìm cách lôi kéo Tokyo, từ đó phá vỡ thế 'bao vây' của nhóm G7 đối với Nga.
Việc Nhật là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay cũng khiến giá trị của nước này đối với Moscow tăng lên.
Ngoài ra, theo Nikkei, cái bắt tay giữa Putin và Shinzo Abe còn mang ý nghĩa "kiềm chế Trung Quốc".
Tờ báo Nhật Bản tin rằng Shinzo Abe cũng nhận thức được mục đích của Nga, nhưng ông khó có lựa chọn khác bởi đây là lộ trình duy nhất để tới bàn đàm phán về vấn đề lãnh thổ.
Chuyến công du tới Moscow vào tháng 5 dự kiến sẽ là một thử thách ngoại giao lớn đối với Thủ tướng Nhật Bản.