Như đang lướt nhanh hồi ức của một quá vãng.
Hơn 30 năm trước, một chiều đông rét nhưng tạnh ráo. Đại tá Nguyễn Huyên, sĩ quan giúp việc cho tướng Giáp đón nhóm phóng viên Tiền Phong gồm Nguyễn Hoàng Sơn, phóng viên ảnh Phạm Yên và tôi từ cổng 30 Hoàng Diệu nhân có cuộc làm việc với Đại tướng đã hẹn trước.
Đại tá dẫn chúng tôi vào một căn phòng trên bàn có ấm trà mới pha hôi hổi nóng. Ông nói ngay, Đại tướng rất bận chỉ làm việc với các anh chừng 30 phút, liệu mà thu xếp bố trí câu hỏi…
Vầng trán như hói hơi sớm. Dáng người đậm, cử chỉ mau mắn dứt khoát… Tôi đang cố nhớ lại thời điểm hơn 4 năm trước, lần đầu tôi được tiếp cận với người sĩ quan tùy tùng này.
Đó là sau buổi mít tinh kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ở Hội trường Ba Đình đầu tháng 5 năm 1984. Cánh nhà báo chen nhau có chỗ tốt để chụp cảnh Tướng Giáp chuyện trò với đoàn đại biểu quân, dân Điện Biên về dự.
Đại tá Huyên vẻ cởi mở tham gia việc sắp xếp trật tự nhưng giọng nghiêm lạnh khi hạn chế mỗi phóng viên báo chỉ được hỏi một câu thôi vì Đại tướng rất bận…
Và lần này cũng lại rất… bận! Vừa khi ấy, Đại tướng xuất hiện bên cửa ngách căn phòng.
Đã quen với vị Tổng tư lệnh quân đội thường xuất hiện trong sắc phục nhà binh nay nom Đại tướng thoải mái trong bộ đồ mặc nhà, thấy là lạ nhưng lại có ngay một cảm giác gần gũi nhất là khi Đại tướng cười hồn hậu các cậu uống nước đi. Mà này, biết yêu cầu của nhà báo ra sao mà gia hạn chỉ 30 phút?
Đại tá Huyên cũng cười theo vui vẻ. Cặp mắt không dùng kính của Đại tướng ánh lên tia nhìn ấm áp. Buổi làm việc, nói đúng hơn một cuộc phỏng vấn không có những câu hỏi trước đã diễn ra suôn sẻ. Có lẽ đại tá Huyên phá lệ. Đã không khuôn trong 30 phút mà kéo đến hơn tiếng đồng hồ.
Mấy năm sau. May mắn tôi được theo nhà văn Sơn Tùng đến 30 Hoàng Diệu. Mối thâm giao giữa nhà văn Sơn Tùng và Đại tướng nhiều người đã biết và báo chí sau này cũng đề cập. Nhưng thời điểm đó tôi chỉ biết loáng thoáng…
Ngồi hầu chuyện Đại tướng một lát, nhà văn Sơn Tùng nói nhỏ với tôi là anh có việc muốn gặp riêng Đại tướng. Đại tá Huyên vui vẻ kéo tôi ra gian ngoài uống nước.
Bầu không khí thân mật có vẻ đã gần lại những khoảng cách? Nhờ vậy mà tôi biết thêm từ năm 1975, thượng úy Nguyễn Huyên đang công tác ở Văn phòng Bộ Quốc phòng được điều thẳng lên văn phòng Đại tướng và phục vụ từ thời điểm đó.
Có thể nói văn phòng Tướng Giáp khá đặc biệt? Các thành viên đều không có tuổi hưu. Có người chuyên trách từ hành chính, công vụ, chuyên môn, hậu cần, y tế, nấu ăn… thời gian cao điểm có 17 người.
Riêng bộ phận chuyên môn được chia riêng rẽ từng người theo dõi các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị, công viêc của Đảng, Nhà nước, tư liệu, họp hành… Chức năng khác nhau nhưng tất cả thân thiết như trong một gia đình.
Ngạc nhiên khi nghe có thời điểm, Đại tướng có đến 17 thư ký! Thế nhưng không có ông thư ký nào được rảnh rang dài dài mà liên tục được cuốn vào việc. Sức làm việc của Đại tướng thật đáng nể và cũng đáng ngại.
Đa phần từ 6 giờ 30 sáng cho đến tận nửa đêm. Một trong những phương pháp làm việc của Đại tướng là luôn tận dụng tối đa tư vấn chuyên môn. Mỗi bộ phận trong văn phòng giúp việc đều kết nối với các cơ quan chuyên ngành nên hiệu suất công việc khá cao.
Ấn tượng qua câu chuyện của đại tá là tướng Giáp rất ít khi đọc bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn của bộ phận thư ký khi xuống cơ sở mình may mắn được biết và cố gắng phát triển thêm từ ý kiến của các cậu đã chuẩn bị nghiên cứu…
Lựa một lúc thân mật tôi đánh bạo hỏi thời điểm Võ Đại tướng được Chính phủ cử phụ trách công tác Dân số kế hoạch hóa gia đình quốc gia. Việc ấy diễn ra như thế nào?
Nghe xong đại tá Huyên cười xòa rằng: Sự thực quá chi là đơn giản nhưng thiên hạ một thời cứ dậy lên những đồn thổi này khác trong đó có câu Thống chế đi… đặt vòng!
Theo mình biết, trong một cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, anh Phạm Văn Đồng đặt vấn đề một cách tự nhiên “Trước đây tôi kiêm phụ trách mảng Dân số, kế hoạch hóa gia đình, nay anh Văn - Phó Thủ tướng phụ trách mảng khoa học kỹ thuật thì có lẽ anh Văn phụ trách luôn về Dân số - kế hoạch hóa gia đình được không?”.
Tôi nghe vậy và có lẽ chỉ biết vậy? Đại tá Huyên còn nói thêm rằng Đại tướng không nói gì chung quanh “sự kiện” ấy với người thư ký của mình cả! Mà từ bấy cho đến tận bây giờ, cũng không (hoặc chưa?) có thêm ý kiến nào khác? Có chăng chỉ là những đồn thổi hoặc giai thoại…
Buổi đó, chúng tôi có một chút ngậm ngùi khi đại tá kể lại thời điểm kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1984) mấy thầy trò trong đó có ông đã lặng lẽ lên Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. Mà chuyến thăm, cuộc đi ấy không có ai mời!
Riêng nhà văn Sơn Tùng rất trân trọng người thư ký tướng Giáp. Rằng mỗi lần cần gặp và làm việc với Tướng Giáp, qua cầu nối đại tá Nguyễn Huyên, nhà văn biết cần phải chuẩn bị tư liệu, xếp sắp những thứ cần thiết như thế nào để đỡ mất thời gian của Đại tướng.
Viết đến đây, đâm tiếc do bạo bệnh tai biến, nhà văn Sơn Tùng đã không thể tiếp tục triển khai một công việc cùng ý tưởng độc đáo nhưng rất giản dị Chuyện với Tướng Giáp mà ông từng ấp ủ.
Buổi chiều một ngày mùa hè năm 2008.
Cánh cổng sắt dẫn vào khu vườn nhà riêng Đại tướng khác lệ, rộng mở cả hai cánh. Loang nhanh cái tin Hội cổ vật Thanh Hóa mang tặng Đại tướng kiếm lệnh cùng trống đồng. Các ký giả tây ta tự bao giờ đã tề tựu rất đông. Lại một đoàn dài dặc những nam nữ cựu binh ngực trĩu những huân, huy chương.
Trời nóng mà ai nấy quân phục mũ mãng chỉnh tề. Chủ nhà thì chưa thấy đâu nhưng có lẽ những vị khách không mời này đã thực sự gây lúng túng cho đại tá cận vệ Nguyễn Huyên. Ông lắc đầu nói vừa đủ nghe rằng nào có ai mời đâu cơ chứ!
Khác với thường ngày, đại tá Huyên mặt đỏ gay vì nóng và cả vì bực nữa đang cao giọng yêu cầu mọi người trật tự. Rằng Đại tướng bữa nay không được khỏe, phòng khách lại quá chật so với số lượng người thế này nên cần phải giãn bớt!
Nể lời đại tá, đám đông lao xao nhích giãn ra. Đại tá cận vệ buông thõng cái câu làm mọi người hơi chưng hửng là nếu cứ tình trạng này thì đại tướng sẽ không ra nữa!
May quá, sau một hồi chờ, mọi người dãn lối cho đoàn đại biểu của Hội cổ vật xứ Thanh lễ mễ ôm hai bọc đỏ vào phòng. Kế theo là Đại tướng có hai người dìu chầm chậm sải những bước ngắn cùng phu nhân.
Bao nhiêu là ánh mắt sùng kính lẫn thương cảm bởi được chứng kiến Đại tướng ở một cự ly quá gần! Và không ngờ rằng tuy đi lại khó khăn, gương mặt đã xọm đi nhiều vì tuổi tác nhưng thần thái Đại tướng vẫn tỏa ra từ đôi mắt tinh anh. Đại tướng giơ tay chào. Những tràng pháo tay vang dội.
Đợi cho tiếng ồn ào trong phòng lắng bớt nhường lời cho ông chủ tịch Hội cổ vật xứ Thanh rằng, chiếc trống cùng kiếm lệnh tặng nhân dịp 60 năm đại tướng Võ Nguyên Giáp thụ hàm đại tướng, 97 năm ngày sinh.
Các thông số trên kiếm lệnh và trống đồng đều mang một thông điệp: mặt trống 60 cm (60 năm mang hàm Đại tướng). Trống cao 48cm (năm phong Đại tướng) mặt trống in hình hoa văn trống đồng Ngọc Lũ.
Hông (sườn) trống khắc họa hai hình ảnh biểu tượng chiến công của QĐND Việt Nam cũng là thể hiện tài trí của tướng Giáp là trận Điện Biên Phủ và xe tăng húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc Lập 30/4/1975.
Kiếm lệnh được cải biên sáng tạo từ thứ đoản kiếm Đông Sơn của người Việt cổ được tìm thấy cùng với trống đồng. Chuôi và lưỡi kiếm hợp thành con số 1948 là năm Hồ Chủ tịch ký lệnh phong hàm Đại tướng…
Sau sự kiện đó ít lâu, ông Hồ Quang Sơn nhận được điện thoại của đại tá Nguyễn Huyên. Số là sau sự kiện dâng kiếm lệnh và trống đồng lên Đại tướng vào buổi chiều oi bức và cũng có tí ti lộn xộn ồn ào ấy, Đại tướng có ý định mời đoàn ra!
Đại tá còn dặn thêm là phải giữ bí mật. Nhận được lời mời, đúng ngày hẹn, ông Sơn với các thành viên bữa trước kéo nhau ra nhà Đại tướng ở Hoàng Diệu. Xui xẻo cho ông Sơn hôm đó ra đến gần Hà Nội thì đường tắc. Ngồi trên xe anh em ruột như lửa đốt có lẽ đành lỗi hẹn với Đại tướng mất thôi. Đường vẫn tắc nên ông Sơn đã điện cho đại tá nói mong Đại tướng thông cảm!
Mãi rồi đường cũng thông. Khi ra đến nơi không ngờ Đại tướng vẫn đợi trong bộ sắc phục chỉnh tề mặc dầu chậm hơn tiếng rưỡi đồng hồ. Đại tướng và phu nhân ân cần chuyện trò hỏi han mọi người. Cụ rất vui vì các nghệ nhân xứ Thanh đã tìm ra phương pháp chế trống đồng bằng phương pháp thủ công.
Việc nhân bản này không những mang lại niềm tự hào cho người xứ Thanh mà cho dân Việt nói chung nữa... Kết thúc buổi gặp, Đại tướng cười vui, nếu sức khỏe cho phép thì ngồi dự cơm do Đại tướng mời anh em. Nhưng Đại tướng đã thân cử người con trai là Võ Điện Biên thay mặt Đại tướng mời cơm cả đoàn.
Cuộc gặp lần cuối của tôi với người cận vệ Đại tướng là dịp sinh nhật lần thứ 102, bước sang tuổi 103 của tướng Giáp. Đó là buổi sáng 26/8/2013. Thời điểm này Đại tướng đã chuyển vào Viện 108 để chăm sóc sức khỏe, văn phòng Đại tướng còn lại 9 người.
Một cuộc gặp mà cán bộ văn phòng tướng Giáp đều bất ngờ vì số lượng người tới dự quá đông mặc dù ngoài trời mưa tầm tã. Tại vị trí trang trọng, chiếc bánh sinh nhật với dòng chư Kính chúc Đại tướng của nhân dân thượng, thượng thọ trên nền cờ đỏ sao vàng đặt bên những lẵng hoa, trướng chúc thọ.
Gương mặt đại tá Nguyễn Huyên như tở mở thêm bên cạnh đại tá Trịnh Nguyên Huân, người thư ký 37 năm của Đại tướng, GS Phan Huy Lê, Trung tướng Hồng Cư vv… Hai bàn tay đại tá Nguyễn Huyên đang trân trọng đỡ lấy bàn tay đại tá Lê Trọng Nghĩa tuổi đã sắp 90, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo - một trong những trọng thần và người gần gũi thời trận mạc Điện Biên!
Hơn 1.500 ngày điều trị tại khoa A 11, Bệnh viện Quân đội 108 cho đến lúc Đại tướng mất, đại tá Nguyễn Huyên thường xuyên ra vào bệnh viện với Đại tướng bất kể ngày đêm. Sau tang lễ, ông mới lui về nghỉ hẳn. Và một ngày hạ, 25/5 vừa rồi, người lính cận vệ già của tướng Giáp đã thở hơi cuối cùng tại căn nhà nhỏ ở phố Vương Thừa Vũ, Hà Nội.