Củ nghệ từ lâu được nhiều nước châu Á, nhất là Ấn Độ, sử dụng như gia vị nấu ăn cũng như thuốc dân gian chữa một số bệnh về đường tiêu hóa và da. Curcumin, tên chung chỉ một số chất chính của củ nghệ, có màu vàng, được tin chính là yếu tố quan trọng nhất, quyết định những lợi ích cho sức khỏe của nghệ.
Curcumin, vì thế, bắt đầu được nghiên cứu từ những năm 50 của thế kỷ trước, đến nay là gần 70 năm. Trong gần 70 năm đó, thế giới đã tiêu tốn rất nhiều tiền của và thời gian.
Chỉ tính riêng từ năm 1995 đến nay, và tính riêng ở Mỹ, 150 triệu đô (hơn 3000 tỉ đồng) đã đổ vào những nghiên cứu trực tiếp và gián tiếp liên quan đến tinh nghệ. Con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều.
Những kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy “curcumin có xu hướng chữa bệnh A, B, C…”.
Danh sách A, B, C… ngày một dài và bao gồm cả HIV và ung thư khiến Curcumin trở thành đối tượng nghiên cứu đầy triển vọng trong khoa học, và trở thành “thần dược, vàng ròng” trong cuộc sống, thông qua những câu chuyện truyền miệng đầy thêu dệt.
Tuy nhiên, cái “quả tên lửa có nhiều đích ngắm” mà các nhà khoa học ưu ái gọi tinh nghệ trong giai đoạn còn “mặn nồng”, liên tục nổ tung khi vừa rời bệ phóng và chưa một lần chạm tới bất kì cái đích nào.
Thực vậy, sau gần 70 năm nghiên cứu, cho đến nay, mặc dù đã có hàng ngàn bài báo khoa học được xuất bản và hơn 120 thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm trên người) được tiến hành, người ta vẫn chỉ có thể đưa ra một kết luận nửa vời “có xu hướng chữa bệnh”.
Không một bằng chứng nào chứng minh Curcumin có tác dụng điều trị một loại bệnh cụ thể nào đó!
Trên thực tế, để một chất “có xu hướng chữa bệnh” trở thành thuốc chữa bệnh, là một con đường dài (trung bình 12 năm), trải qua rất nhiều bước nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm ngặt trên tế bào, trên động vật, và cuối cùng là trên người bệnh và người khỏe mạnh.
Số lượng động vật và người thử nghiệm cũng phải đủ lớn (có thể lên đến vài nghìn người), để đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn thống kê. Trung bình, trong 5000 chất "có xu hướng chữa bệnh" được thử nghiệm trên động vật, có 5 chất được tiếp tục thử nghiệm trên người và chỉ có 1 chất được bán ra thị trường.
Trên chặng đường đi tìm câu trả lời cho việc tinh nghệ cho kết quả khả quan khi nghiên cứu hoạt tính trên các dòng tế bào nhưng lại hoàn toàn không cho kết quả như mong đợi khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng trên người, các nhà khoa học phát hiện ra tinh nghệ thuộc vào nhóm các chất PAINS (pan-assay interference compounds).
PAINS là nhóm các chất có khả năng tạo ra những tín hiệu khả quan không có thực ở hàng loạt thí nghiệm tương tác với protein.
Các nhà khoa học thiếu kinh nghiệm sẽ ngay lập tức vui mừng thông báo khi thấy những tín hiệu tích cực này mà không cần xem xét gì nhiều, và sự thực chỉ phơi bày khi những thí nghiệm sâu hơn, cụ thể là thử nghiệm trên động vật và người, được tiến hành.
Một tính chất nữa của tinh nghệ cũng giúp lí giải kết quả trên, đó là tính không bền. Curcumin có chứa 1 liên kết đặc biệt, có thể chuyển hóa qua lại giữa 2 dạng cấu trúc keto-enol.
Ngoài ra thời gian bán hủy của curcumin ở 23oC là 20 phút, khi nhiệt độ tăng lên 37oC (nhiệt độ cơ thể), giá trị này giảm còn dưới 10 phút.
Điều này có nghĩa khi curcumin được đưa vào cơ thể, 50% bị phân hủy sau chưa đến 10 phút, và thêm 10 phút nữa thì chỉ còn lại 25%, sau 1h thì chỉ còn khoảng 1,5%.
Thêm nữa, curcumin là chất khó tan trong nước nên phần lớn lượng chất này sẽ bị đào thải trực tiếp qua đường tiêu hóa và chỉ một phần rất nhỏ được đưa vào cơ thể.
Cũng cần lưu ý rằng tinh dầu nghệ và oleoresin nghệ (phần còn lại sau khi loại bỏ nước) được Hiệp hội thuốc và thực phẩm Mỹ FDA (U.S. Food and Drug Administration) đánh giá là an toàn (Generally recognized as safe- GRAS) khi sử dụng như gia vị nấu ăn (20mg/người/bữa ăn).
Tinh nghệ (hay curcumin) không hề có tên trong danh sách các thực phẩm, hay thuốc an toàn trên.
Đối ngược với rất nhiều nghiên cứu tập trung vào công dụng của tinh nghệ, tác dụng phụ của hỗn hợp này lại rất ít được quan tâm.
Năm 2010, 64 nghiên cứu của các nhà khoa học trên cả thế giới được tóm tắt trong bài báo “Những mặt tối của curcumin” . Nội dung chính như sau:
- Curcumin gây tổn thương DNA và gây đột biến nhiễm sắc thể ở cả thí nghiệm trên tế bào và thí nghiệm trên người và động vật (10, 11). Điều này đặc biệt nguy hiểm! Một khi DNA bị tổn thương ở mức độ vượt quá khả năng tự sửa chữa của tế bào, sẽ dẫn đến nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt là bệnh ung thư.
Còn đột biến nhiễm sắc thể, dù ở bố hay ở mẹ, cũng có nguy cơ gây sảy thai hoặc sinh ra những đứa trẻ với những căn bệnh di truyền không mong đợi và các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
- Năm 1993, chương trình độc học quốc gia của Mỹ (National Toxicology Program), nghiên cứu tác hại của dịch chiết của nghệ (chứa 79-85% curcumin) lên chuột bằng cách cho chúng ăn thức ăn có trộn với dịch chiết này, ở các liều lượng khác nhau, trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 2 năm.
Những con chuột tội nghiệp sau 2 năm được phát hiện tăng tỉ lệ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, cường giáp và đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột.
- Năm 2009, thí nghiệm trên những con chuột bị cấy bệnh ung thư phổi đưa ra những bằng chứng về việc curcumin thúc đẩy quá trình ung thư phổi như tăng kích thước khối u, đẩy nhanh các giai đoạn ung thư.
Tất nhiên, những nghiên cứu trên đều chỉ là những nghiên cứu ngắn hạn. Các nghiên cứu dài hạn chưa hề được tiến hành. Thiếu những nghiên cứu này đồng nghĩa với việc thiếu thông tin về tác dụng phụ của curcumin khi được sử dụng lâu dài, cũng như thiếu thông tin về tác hại lâu dài của nó trên người.