Bài 1: Nỗi đau kép từ ma túy ở Ngã ba Đông Dương

HKD |

Những năm gần đây, 'bóng đen' ma túy len lỏi, làm đảo lộn cuộc sống vốn yên bình của đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Đặc biệt, không ít phụ nữ, trẻ em ở Ngã ba Đông Dương đã phải chịu nỗi đau kép từ 'cơn lốc' này.

"Điểm đen" ma túy

Đăk Mế là ngôi làng của người dân tộc thiểu số đặc biệt ít người Brâu (thuộc nhóm 5 dân tộc thiểu số dưới 1.000 người). Phó bí thư chi bộ, phụ trách công tác Mặt trận Tổ quốc thôn Đăk Mế Thao Lợi bảo: "Làng giờ đã khác xưa nhiều lắm". Ở Đăk Mế giờ đây, ngoài chủ yếu đồng bào dân tộc Brâu sinh sống còn có sự hội tụ của 6 dân tộc anh em khác. Sự giao thoa trong văn hóa, lối sống giữa các dân tộc anh em trong cùng một ngôi làng đã phần nào đó tác động, làm thay đổi đời sống của dân tộc Brâu.

Ông Thao Lợi cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân tộc đặc biệt ít người Brâu giờ đã tiến bộ nhiều.

Nhưng ông Thao Lợi bảo, mừng thì mừng vậy chứ ông vẫn còn nhiều trăn trở lắm, khi tệ nạn ma tuý đã và đang len lỏi vào cuộc sống của người dân. Những năm trở lại đây, làng Đắk Mế là điểm nóng ma tuý của xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi.

Bài 1: Nỗi đau kép từ ma túy ở Ngã ba Đông Dương - Ảnh 1.

Đắk Mế bình yên trước nguy cơ len lỏi của tệ nạn ma tuý. Ảnh: HKD

"Vì hám lợi, cộng với thiếu hiểu biết pháp luật, lại bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc nên nhiều người dân nơi đây đã tham gia mua bán, vận chuyển ma tuý. Xã Pờ Y có hơn 20km đường biên giới giáp hai nước bạn Lào và Campuchia với nhiều đường mòn, lối mở. Bà con người Brâu ở Đắk Mế lại có mối thân tộc đối với cụm bản phía nước bạn. Do có mối quan hệ qua lại dẫn đến tình trạng bị lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc trở thành những con mồi mua bán, vận chuyển ma túy. Lợi nhuận từ ma túy quá nhiều, do vậy bà con lao sâu theo con đường ma túy.

Theo báo cáo của Công an huyện Ngọc Hồi, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Công an và Biên phòng đã phá 21 vụ mua bán, vận chuyển ma túy trên địa bàn huyện bắt giữ 35 đối tượng. Trong 4 vụ ở xã Pờ Y thì riêng làng Đăk Mế chiếm tới 3 vụ. Nhìn lại các vụ "đại án" về mà tuý ở Bờ Y thì Đắk Mế chiếm đa số.

Thôn Đắk Mế có tổng số 287 hộ với 993 nhân khẩu, trong đó, có 173 hộ với 588 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số đặc biệt ít người Brâu. Tính đến thời điểm hiện tại, cả thôn có 17 người bị án tù vì phạm tội liên quan đến ma tuý. Có gia đình, có đến 4, 5 người có mối quan hệ anh em, cậu cháu, họ hàng cùng đi tù, với mức án nhiều năm cho đến chung thân.

Phụ nữ, trẻ em chịu nỗi đau kép

Từ khi chồng là Thao Say đi tù (2018), do mặc cảm, 3 mẹ con chị Y Dưi sống khép mình, không dám đến chơi nhà bà con trong làng, hạn chế đến những chỗ hội hè đông người. Một mình nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống của chị Y Dưi vốn khó khăn càng trở nên nghèo túng. Để có tiền nuôi hai con, chị Y Dưi phải đi làm thuê với mức thu nhập chỉ từ 100.000 đến 150.000 đồng mỗi ngày. Chị Y Dưi không giấu được vẻ lo lắng vì còn một khoản nợ ngân hàng kha khá vì làm nhà, trước khi chồng bị bắt, chẳng biết đến bao giờ mới trả xong.

Cũng do hậu quả từ ma tuý, ngôi nhà của vợ chồng A Ba và Y Ràng nằm trơ trọi giữa làng Đăk Mế lâu nay cửa đóng, then cài, lối vào phủ cỏ. Chị Đinh Thị Khiêm, Bí thư chi bộ thôn Đắk Mế cho biết, cả hai vợ chồng A Ba đều đi tù vì liên quan đến vận chuyển trái phép chất ma túy. Cuối tháng 3/2021, khi đang trên rẫy, A Ba (người Brâu) và vợ là Y Ràng (người Ca Dong) đã bị một đối tượng dụ dỗ, nhờ vận chuyển ma túy từ thôn Iệc đến cổng chào thôn Đăk Mế với số tiền công là hơn 30 triệu đồng. Khi đến khu vực thôn Tà Ka thì vợ chồng A Ba bị bắt giữ.

A Ba bị kết án chung thân còn vợ là Y Ràng bị kết án 20 năm tù. Cả hai vợ chồng đi tù, cô con gái duy nhất là Y Mai Trâm (8 tuổi) trở nên bơ vợ, phải tá túc ở nhờ bên họ ngoại, nay nhà này, mai nhà khác.

"Khổ thân con bé, giờ bố mẹ như vậy, biết ngày nào mới được trở về với gia đình. Chẳng biết tương lai con bé rồi sẽ ra sao. Chỉ sợ con bé bỏ học, lại rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu", chi Y Khiêm thở dài.

Bài 1: Nỗi đau kép từ ma túy ở Ngã ba Đông Dương - Ảnh 2.

Phụ nữ cao tuổi dân tộc Brâu. Ảnh: Minh Tuấn

Trong ngôi nhà cấp 4 xuống cấp lụp xụp, tuềnh toàng, chị Y Khok buông ánh mắt u buồn nhìn ra ngoài sân im lặng. Câu chuyện buồn khiến vợ xa chồng, con xa cha của gia đình chị cũng bắt nguồn từ ma túy.

Kể từ năm 2018 đến nay, khi chồng bị kết án chung thân về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, một mình chị trở thành trụ cột gia đình. Trước nhà chị có 2 con bò nhưng đã phải gán nợ. Một minh nuôi 3 đứa con, thu nhập từ ruộng lương chẳng được bao nhiêu nên chị Y Khok đi nhặt cỏ, làm cà phê thuê. Ai thuê gì chị Y Khok làm lấy, để có thêm đồng ra đồng vào. Chị Y Khok nghẹn ngào: "Hồi chồng mình bị bắt, đứa con út của mình mới được 3 tuổi, mình ở nhà chăm con cho chồng đi rẫy. Đang ở nhà thì nghe chồng bị bắt. Nghe kể lại, mới biết chồng vận chuyển ma túy thuê cho người ta"…

Hoàng hôn buông, những vạt nắng cuối chiều xiên ngang Đắk Mế, ánh mắt lũ trẻ ngây ngô, nụ cười thánh thiện, đẹp như bông hoa cà phê. Cô gái e lệ khép mình bên khung cửa, ánh nhìn mơ màng như đoá Pơ lang. Tôi buông những bước chân chậm trên con ngõ nhỏ, chạnh lòng bởi hình ảnh của chị Y Dưi, Y Khok và còn bao người mẹ, người vợ, người con Brâu đang phải chịu nỗi đau kép từ ma tuý.

* Bài 2: Chung tay mang bình yên về Đắk Mế

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại