Bậc thầy "quảng cáo" Putin: Nga suy tính gì khi muốn bán S-400 cho toàn bộ các nước Trung Đông vô điều kiện?

Quốc Vinh |

Lời mời gọi của ông Putin đối với Saudi chỉ đơn giản là “chào hàng” vũ khí, xuất phát từ chính sách của Nga trong việc cung cấp S-400 và S-300 cho càng nhiều quốc gia trong khu vực càng tốt.

Nga đã có những động thái mang tính bước ngoặt trong việc cung cấp cho nhiều quốc gia khác nhau ở Trung Đông các hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi nhất của mình, cụ thể là S-400 và S-300.

Moscow hy vọng sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu thiết bị quân sự lớn hơn và cạnh tranh trong lĩnh vực bán vũ khí của Mỹ cho một số quốc gia quan trọng trong khu vực, theo Rudaw.

Màn chào hàng của Nga

Vào ngày 14/9, máy bay không người lái và tên lửa hành trình do phiến quân Houthi triển khai đã tấn công các cơ sở dầu mỏ quan trọng của Saudi Arabia. Sự bất lực của mạng lưới phòng không vương quốc trước cuộc tấn công đã đặt ra những câu hỏi hoài nghi về tính hiệu quả của vũ khí Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nắm bắt cơ hội để một lần nữa rao bán S-400 cho Riyadh.

"Chúng tôi sẵn sàng giúp Saudi bảo vệ người dân của họ", ông Putin nói.

"Họ cần đưa ra quyết định sáng suốt, như Iran đã làm bằng cách mua S-300 của chúng tôi, hay như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã làm bằng thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 tiên tiến nhất", ông nói thêm.

Nhiều người cho rằng, thời điểm và hoàn cảnh đưa ra lời bình luận nói trên của ông Putin là bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo Nga đang cố tình muốn trêu chọc sức mạnh phòng không của Mỹ.

Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, đây chỉ đơn giản là màn "chào hàng" vũ khí, xuất phát từ chính sách của Nga trong việc cung cấp tên lửa S-400 và S-300 cho càng nhiều quốc gia trong khu vực càng tốt.

Như Tổng thống Putin đã đề cập, Nga đã bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là S-300. Không những vậy, Moscow còn sẵn sàng bán S-400 cho cả Saudi Arabia và đối thủ của vương quốc là Qatar.

Nga đã cung cấp cho Ai Cập và Syria những tổ hợp S-300, mang lại cho cả hai quốc gia này khả năng phòng không tối tân và có tầm xa hơn so với những gì họ sở hữu trước đó.

Mặc dù có nhiều thông tin mâu thuẫn về sự quan tâm của Iraq với hệ thống S-400, Moscow có thể sẽ sẵn sàng bán cho Baghdad hệ thống này vào một ngày không xa. Động thái như vậy cũng sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả đối với mạng lưới phòng không còn hạn chế của Iraq .

Timur Akhmetov, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, tin rằng Moscow đang sử dụng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa gần đây vào Saudi để đạt được một số mục tiêu.

"Trước hết, họ muốn quảng cáo vũ khí của mình", Akhmetov nói. "Thứ hai, họ muốn gửi một tín hiệu cho các quốc gia trong khu vực rằng, có một sự thay thế về mặt nhà cung cấp vũ khí".

Akhmetov lưu ý về việc Nga đã bán vũ khí cho cả hai nước Azerbaijan và Armenia, vốn đã ở trong tình trạng căng thẳng kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Ông tin rằng việc cung cấp vũ khí cho cả hai bên dường như là một đòn bẩy của Moscow ở cả hai phía của cuộc xung đột.

Mục tiêu thúc đẩy

Bậc thầy quảng cáo Putin: Nga suy tính gì khi muốn bán S-400 cho toàn bộ các nước Trung Đông vô điều kiện? - Ảnh 2.

Patriot của Mỹ đang mất đi uy tín sau vụ tấn công ở Saudi Arabia.

Nhìn rộng hơn, việc bán các hệ thống đắt tiền như vậy cho nhiều khách hàng - nhiều quốc gia vốn phụ thuộc vũ khí chủ yếu của Mỹ và phương Tây - chắc chắn có thể mang lại cho Nga một thị trường lớn hơn đối với xuất khẩu vũ khí.

Về phần mình, Mỹ đã khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến Đạo luật Chống đối thủ của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) đối với bất kỳ quốc gia nào mua các hệ thống vũ khí tiên tiến như vậy của Nga.

Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt này khi mua S-400. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn đang kéo dài thời gian để tìm giải pháp trọn vẹn nhất.

Nếu Nga có thể thuyết phục thành công một số quốc gia có nguy cơ chịu các lệnh trừng phạt từ CAATSA mua vũ khí của mình thì Mỹ sẽ rơi vào một tình huống khó khăn. Theo đó, Washington sẽ phải nghiêm túc xem xét các biện pháp trừng phạt đối với một số khách hàng được coi là thân thiết nhất.

Điều này có thể đồng thời làm hỏng mối quan hệ song phương và dẫn đến việc các khách hàng này sẽ càng có cái cớ để đa dạng hóa các nguồn cung ứng phần cứng quân sự của họ.

Bước đi như vậy sau đó có thể mang lại cho Nga một thị phần đáng kể hơn trong việc bán vũ khí, đánh đổi bằng sự suy giảm thị trường của Washington trong dài hạn.

Tuy nhiên, chuyên gia Akhmetov không tin rằng việc tăng thị phần vũ khí và thách thức trực tiếp Mỹ là mục tiêu duy nhất của Nga.

"Nga muốn đóng góp thêm các hệ thống phòng không trong khu vực, có thể hy vọng rằng một khi các nhà lãnh đạo trong khu vực cảm thấy đủ tự tin để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài, họ sẽ chuyển hướng sang đối thoại ngoại giao nhiều hơn là nói chuyện bằng vũ khí", ông nhấn mạnh.

"Nói cách khác, đề xuất của Tổng thống Putin nên được xem là một phần trong nỗ lực kích thích hệ thống an ninh khu vực mới, không dựa trên động lực hủy diệt lẫn nhau, mà là nâng cao sức mạnh phòng thủ. Trong đó vũ khí tấn công sẽ trở nên ít hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy xu hướng chính trị trong khu vực".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại