PV: Năm học 2022-2023 đã bắt đầu và học sinh trở lại trường học bình thường sau hơn 2 năm học online do dịch COVID-19 . Vậy khi trở lại trường các em có phải chịu nhiều áp lực? Số trẻ được bố mẹ đưa đi khám, tư vấn tâm lý có gia tăng không thưa bác sĩ?
Ths.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Sau khi năm học mới bắt đầu, số trẻ đến khám, tư vấn cũng như điều trị tâm lý tại Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) có gia tăng. Một nguyên nhân có thể kể đến là sự thay đổi môi trường học tập sau thời kỳ COVID-19, khi học sinh chủ yếu học online và hiện nay là quay trở lại trường học. Do đó, có những em khó thích ứng với môi trường học trực tiếp.
Các em cũng chịu những áp lực học tập, nhất là với những học sinh chuyển cấp, áp lực tăng hơn nhiều. Còn những bạn ở độ tuổi nhỏ hơn thì gặp những vấn đề về thiếu tập trung trong học tập, chưa quen với môi trường học trực tiếp.
Các bạn ở độ tuổi lớn hơn còn có những vấn đề tâm lý, áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ... nên dễ sinh cảm xúc buồn chán, chán nản, thậm chí có bạn suy nghĩ tiêu cực, tự làm hại bản thân... Đã có những trường hợp như vậy đến khám.
PV: BS có thể cho biết cụ thể con số học sinh gặp vấn đề tâm lý phải đến khám và tỷ lệ này so với các giai đoạn khác như thế nào?
Ths.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Phòng Tâm lý lâm sàng tập trung tiếp nhận, khám và tư vấn trực tiếp nên chưa thể thực hiện thống kê so sánh và nghiên cứu số bệnh nhân giai đoạn này. Tuy nhiên, con số rõ ràng nhất là có hơn một nửa số bệnh nhân là trẻ vị thành niên điều trị tâm lý.
Trung bình, chúng tôi điều trị cả nội trú và ngoại trú là 25 ca/ngày và có 5 cán bộ tâm lý đề điều trị tâm lý phụ trách. Viện sức khỏe tâm thần tiếp nhận số bệnh nhân đến khám ở nhiều độ tuổi. Trong đó có những bạn ở độ tuổi mới vào cấp 1. Độ tuổi lớn là vị thành niên có dấu hiệu rối loạn hành vi, trầm cảm.
PV: Như BS vừa chia sẻ có cả trẻ vị thành niên và trẻ nhỏ gặp vấn đề tâm lý. BS có thể nêu cụ thể hơn về vấn đề mà các nhóm trẻ gặp phải?
Ths.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Với các trẻ nhỏ, đa phần gặp phải vướng mắc về học tập, như có khả năng tập trung học, khả năng tiếp thu hay khả năng đọc, viết... Hay vấn đề tăng động và giảm chú ý cũng ảnh hưởng tới quá trình và kết quả học tập. Với lứa tuổi nhỏ này, tỷ lệ trầm cảm thấp hơn. Trẻ nhỏ còn chịu ảnh hưởng rất nhiều của bố mẹ và "cái tôi" của trẻ lúc này vẫn còn thấp, do vậy, việc tác động sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên cũng có những khó khăn, là nhận thức của trẻ nhỏ là chưa đủ để hiểu và tiếp nhập liệu pháp điều trị. Do đó, sẽ có những phương pháp cho trẻ nhỏ thông qua vẽ tranh hay phương pháp nghệ thuật khác.
Với trẻ vị thành niên, cấp 2 - 3, vấn đề trầm cảm học đường có tỷ lệ nhiều hơn và rất cần sự can thiệp về mặt tâm lý. Ở lứa tuổi này nhận thức đã có nhưng chưa hoàn thiện và đây vừa là trở ngại vừa là lợi thế để chúng ta tác động trực tiếp với trẻ. Để làm sao trẻ thấy được sự đồng cảm, có thể làm bạn và tin tưởng chia sẻ. Bố mẹ đôi khi áp đặt sẽ khiến các bạn chống đối. Chúng ta cần đứng trên quan điểm của các bạn đó để chia sẻ thì hoàn toàn có thể tác động thông qua nói chuyện và tư vấn. Các nhà tâm lý sẽ chỉ lắng nghe và đặt ra câu hỏi hay giải pháp để các bạn có thể tự suy nghĩ, tự đưa ra cách giải quyết của mình. Các nhà tâm lý cũng chỉ giúp phân tích cái nào tốt, cái nào xấu để các bạn tự lựa chọn. Rất nhiều trường hợp các bạn có thể thay đổi từ tiêu cực sang tích cực và dần dần tốt hơn, tự vượt qua vấn đề của mình.
PV: Học sinh nào cũng có áp lực học tập. Vậy đâu là dấu hiệu mà các bậc phụ huynh cần lưu ý để nhận biết con mình đang có vấn đề tâm lý nghiêm trọng hay bị trầm cảm cần phải đưa đi khám?
Ths.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Bạn nào cũng có áp lực học tập, nhưng cách các bạn ứng phó với áp lực là rất khác nhau. Có những bạn ứng phó được, vượt qua được, thậm chí áp lực học tập đó có thể trở thành động lực giúp các bạn cố gắng hơn. Đây là khi bố mẹ có cách động viên, khuyến khích, đồng hành cùng con vượt qua áp lực.
Tuy nhiên, với một số bạn có yếu tố sinh học riêng và thiếu đi sự quan tâm, động viên, khích lệ, cũng như sự thấu cảm, đồng cảm của bố mẹ, thì khi stress trong học tập sẽ chuyển thành trầm cảm. Bố mẹ cần thực sự thấu cảm để tìm hiểu mong muốn, khả năng học tập của các bạn để lựa chọn học đúng sức thì áp lực sẽ giảm đi nhiều.
Vai trò của phụ huynh rất quan trọng, vì cha mẹ gần con nhất và hiểu con nhất. Nếu cha mẹ không đồng hành, không trở thành bạn của con ở độ tuổi vị thành niên, thì các bạn sẽ rất khó chia sẻ với bố mẹ. Từ đó, bố mẹ cũng khó nhận biết sớm được các dấu hiệu trầm cảm. Khi phát hiện muộn, thăm khám muộn sẽ khiến điều trị gặp khó khăn hơn.
Bố mẹ phải lưu ý, trước mỗi quyết định trong việc học tập của con, cần thiết phải nói chuyện với con một cách bình đẳng, lắng nghe điều các con chia sẻ để hiểu mong muốn của con, hiểu điểm yếu điểm mạnh của con để lựa chọn hướng đi, chọn cách học tập, chọn trường phù hợp. Điều này giúp con thấy rằng học tập không phải là áp lực, đồng thời biến thành động lực và giảm nguy cơ con bị trầm cảm.
Trong quá trình trị liệu, các bác sĩ cũng thấy sự kỳ vọng của bố mẹ đặt lên con cái là quá lớn. Có những bạn chia sẻ: "từ lớn đến bé, con học vì bố mẹ, con chưa từng học vì con". Nghe điều này thực sự rất đau lòng vì gần như con không được thấu hiểu bởi chính những người thân thiết nhất là bố mẹ. Điều này khiến các con mất niềm tin và không muốn chia sẻ với bố mẹ, bạn bè... khiến các con mất đi tự tin và động lực để bản thân cố gắng.
Đôi khi đó là mong ước trước đây bố mẹ không thực hiện được và giờ lại được đặt lên vai con trẻ. Nhưng mong muốn này lại không đồng nhất với mong ước, sở trường con muốn theo đuổi. Do vậy, con trẻ hiểu mình chỉ là công cụ để thực hiện mong ước của bố mẹ và cảm thấy không được đồng cảm. Các con sẽ tự thu mình lại và chỉ sống trong thế giới riêng của mình.
Có trường hợp trẻ không muốn chia sẻ với bạn bè vì sợ rằng sự tiêu cực của mình cũng ảnh hưởng tới bạn bè. Những trường hợp này sẽ thường lên mạng tìm những nhóm đồng cảm và đa phần những nhóm này sẽ có thêm nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới các bạn.
PV: Khi tiếp nhận thông tin tiêu cực từ mạng xã hội, nhiều trường hợp biết phân biệt đúng sai để dừng lại. Nhưng với những trẻ đã bị tổn thương tâm lý và tinh thần thì việc tiếp xúc với thông tin tiêu cực có giống như "thêm dầu vào lửa" và khiến tổn thương này càng lớn hay không thưa bác sĩ?
Ths.BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Điều này khá là đúng. Bởi với những trẻ trong quá khứ đã có những trải nghiệm tổn thương, chưa từng được lắng nghe, được thấu cảm... thì các bạn sẽ suy nghĩ theo hướng tiêu cực. Chính vì vậy, khi gặp sự kiện tiêu cực hay nhóm tiêu cực, các bạn sẽ diễn giải mọi điều bằng cách suy nghĩ tiêu cực đó. Sự tiêu cực này sẽ tự động xuất hiện ngay lập tức. Đây là lối mòn trong suy nghĩ và để điều chỉnh, điều trị sẽ rất khó.
Bản thân các bạn sẽ phải tự đấu tranh với các tiêu cực đó và tìm bằng chứng để phản bác, để chống lại nó, thay thế nó bằng suy nghĩ tích cực hơn.
Điều này rất cần sự hỗ trợ từ bố mẹ trong quá trình điều trị cho con, đồng hành cùng con trong các buổi trị liệu. Từ đó có phương pháp đúng và tìm ra cách thay đổi suy nghĩ tiêu cực.
Khi trẻ hay bất cứ bệnh nhân nào đến điều trị đều được tiếp nhận phương pháp toàn diện nhất, từ thuốc đến điều trị tâm lý hay các biện pháp khác... Tuy nhiên, cần nói đến sự phối kết hợp, bởi trẻ chỉ đến bệnh viện trong thời gian cấp tính, sau đó trẻ phải quay trở lại cuộc sống. Khi đó trẻ phải làm thế nào để có thể vừa điều trị vừa học tập. Đương nhiên khi tiếp tục học tập, trẻ tiếp tục có những áp lực như vậy. Sự đồng hành và sự phối của gia đình, nhà trường, thầy cô giáo là rất quan trọng. Thậm chí cần sự quan tâm của những tổ chức ngoài xã hội để hỗ trợ các con quay trở lại cuộc sống, quay lại học tập bình thường.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ! ./.