Bác sĩ trường kỳ chống dịch Covid-19: "Tôi không dám gọi điện về nhà vì con sẽ hỏi... bao giờ về?!"

Diệu Linh |

Gần 2 năm qua, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy đã chinh chiến trường kỳ tại nhiều "mặt trận" chống dịch Covid-19. Lần này, anh lại lên đường đến với điểm nóng Bắc Giang.

Đoàn công tác gồm 13 thành viên của Bệnh viện Chợ Rẫy vừa đặt chân đến Bắc Giang đã lao ngay vào các điểm nóng, cũng rà soát, kiểm tra, hỗ trợ đồng đội chống dịch Covid-19. Ngày 27/5, anh đã tới khảo sát Bệnh viện Phổi Bắc Giang để chuẩn bị cho mọi tình huống phức tạp nhất nếu có bệnh nhân Covid-19 nặng.

PV: Sau 1 ngày làm việc tại Bắc Giang, khảo sát cơ sở vật chất, nắm bắt sức khỏe bệnh nhân, anh nhận định thế nào về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang?

Bác sĩ Trần Thanh Linh: Trước đó, tôi cũng như các đồng nghiệp và người dân cả nước thời gian qua luôn luôn theo dõi sát tình hình dịch của Bắc Giang – Bắc Ninh.

Do đó lượng bệnh nhân hay điều kiện các đoàn chống dịch, bao nhiêu đơn vị chăm sóc bệnh nhân Covid-19 được thành lập, các đơn vị chi viện tôi đều nắm được. Tôi cũng tìm hiểu kỹ số lượng bệnh nhân nặng diễn tiến, cơ sở vật chất và nguồn lực tại chỗ. Tôi chủ động nên cố gắng nhận nhiệm vụ, triển khai ngay.

Bác sĩ trường kỳ chống dịch Covid-19: Tôi không dám gọi điện về nhà vì con sẽ hỏi... bao giờ về?! - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Thanh Linh khảo sát Bệnh viện Phổi tại Bắc Giang sáng 27/5

So với dịch ở Đà Nẵng, Bắc Giang không có nhiều bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh nền nhưng vì chủng virus lần này biến thể nên bệnh nhân nặng vẫn có.

"Động lực lớn nhất để có thể chiến đấu là tinh thần đoàn kết vì cuộc sống bình an."

Bác sĩ Trần Thanh Linh

Đặc biệt, hiện số lượng bệnh nhân vẫn còn gia tăng thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng, nên hiện tại dù chúng ta đang kiểm soát, khoanh vùng rất tốt nhưng vẫn phải dự trù tình huống xấu. Vì thế luôn luôn phải trong tư thế chủ động, đánh giá chính xác, tích cực hơn mới có thể kiểm soát được dịch Bắc Giang.

Trước mắt chúng tôi nhận thấy các e-kíp hỗ trợ cho Bắc Giang thời gian qua từ các tuyến trung ương đến các đơn vị chi viện đã rất nỗ lực. Chỉ trong thời gian rất ngắn (5-6 ngày) đã hoàn thiện đơn vị ICU đặt tại Bệnh viện Phổi với 58 giường bệnh, trong đó có 17 giường cho bệnh nhân nặng với đầy đủ hệ thống oxy trung tâm, khí nén và những dự trù vật tư tiêu hao, trang thiết bị.

Tuy nhiên, với tình trạng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bắc Giang mỗi lúc một tăng thì con số bệnh nhân nặng chắc chắn cũng sẽ gia tăng. Do đó về nhân sự, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cần phải tiếp tục bổ sung và cùng với lực lượng tại chỗ, làm sao giải quyết được “4 tại chỗ”.

Bác sĩ trường kỳ chống dịch Covid-19: Tôi không dám gọi điện về nhà vì con sẽ hỏi... bao giờ về?! - Ảnh 3.

Bác sĩ Trần Thanh Linh và đồng nghiệp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại BV Phổi Đà Nẵng tháng 7/2020

Hiện nhóm phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đang triển khai công việc ở Bắc Giang thế nào?

- Ngay khi đến đây, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đại diện của Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Sở Y tế Bắc Giang. Sau đó, chúng tôi trực tiếp đến Bệnh viện Phổi để khảo sát tình hình thực tế và nắm bắt về nhân sự, trang thiết bị hay số lượng bệnh nhân, diễn tiến, nguy cơ có thể xảy ra để anh em để có thể dự trù làm nhanh những đề án.

"Trong chiến trường Đà Nẵng, tôi gần như không dám gọi về nhà bởi mỗi lần nghe con hỏi khi nào ba về đều xót xa, nhớ nhà lắm"

Bác sĩ Trần Thanh Linh

Ngay trong ngày 27/5, chúng tôi sẽ tiếp quản đơn vị hồi sức (ICU) của Bệnh viện Phổi. Làm sao đảm bảo bệnh nhân được điều trị nhanh nhất, mau phục hồi, hiệu quả nhất.

Đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy lần này có 13 nhân sự với đầy đủ các chuyên khoa có thể xử lý với các bệnh nhân nặng, nguy kịch cần kỹ thuật cao.

Các anh em đã chinh chiến qua tâm dịch, mục tiêu của chúng tôi là vận hành trơn tru và an toàn nhất đơn vị hồi sức tại Bệnh viện Phổi và giải quyết, cứu chữa được nhiều bệnh nhân nhất có thể, đặc biệt giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Đồng thời tập huấn nhân lực tại chỗ để đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ chống dịch tốt nhất có thể.

Bác sĩ trường kỳ chống dịch Covid-19: Tôi không dám gọi điện về nhà vì con sẽ hỏi... bao giờ về?! - Ảnh 5.

Bác sĩ Trần Thanh Linh tại đợt dịch ở Đà Nẵng

Gần 2 năm nay, anh đã chiến đấu trường kỳ tại nhiều điểm nóng của dịch Covid-19, mỗi lần vài ba tháng. Chuyện nhà của anh thế nào?

- Có lẽ không riêng bản thân tôi, nhiều người khác như các đồng nghiệp của Bạch Mai của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đi như vậy. Đó có lẽ là nhờ chúng ta có những hậu phương vững chắc.

Tôi và nhiều anh em đồng nghiệp khác ở Bệnh viện Chợ Rẫy từng có bốn tháng gần như liên tiếp không về nhà. Đôi khi chúng tôi nghĩ tại sao mình lại làm được như vậy? Có lẽ là bởi chúng tôi có hậu phương vững chắc là những anh em đồng nghiệp luôn ở phía sau ủng hộ, luôn nhắn tin động viên.

"So với dịch ở Đà Nẵng, Bắc Giang không có nhiều bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh nền nhưng vì chủng virus lần này biến thể nên bệnh nhân nặng vẫn có.

Đặc biệt, hiện số lượng bệnh nhân vẫn còn gia tăng thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng, nên hiện tại dù chúng ta đang kiểm soát, khoanh vùng rất tốt nhưng vẫn phải dự trù tình huống xấu"

Gia đình vợ con luôn ủng hộ, gánh vác phần việc khi mình vắng nhà. Và đặc biệt, các cấp lãnh đạo cũng đến thăm hỏi, động viên, an ủi người thân để anh em yên tâm đi tuyến đầu chống dịch.

Đôi khi chúng tôi hay nói vui là đi nhiều thế này thì khi về con vật nuôi lâu năm còn quay đuôi sủa mình. Nhưng nói vui với nhau thôi, thật ra mình cũng phải nhìn nhận là mình làm nhiệm vụ xã hội, giúp nhiều người thì sẽ không trọn vẹn chu toàn cho gia đình.

Nhưng điều đó là cần thiết vì mang lại bình yên cho cả cộng đồng, người bệnh chắc chắn là niềm vui lớn nhất cho người nhà, người thân.

Trong chiến trường Đà Nẵng, tôi gần như không dám gọi về nhà bởi mỗi lần nghe con hỏi khi nào ba về đều xót xa, nhớ nhà lắm. Nhưng rồi mỗi buổi sáng, khi vào bệnh viện, các bệnh nhân nặng chưa thoát được nguy hiểm, chúng tôi lại lao đầu vào công việc và không nghĩ gì cho mình nữa. Chúng tôi chỉ mong sao mong dập tắt dịch, cứu được nhiều người.

Anh dự định "cuộc chiến" lần này của mình sẽ kéo dài bao lâu?

- Thật ra trước khi lên đường, anh em trong đội đã nhắn nhủ nhau chuyến đi lần này có thể sẽ kéo dài hơn chuyến đi Đà Nẵng năm ngoái và toàn đội phải chuẩn bị tâm thế là cùng với các đồng nghiệp chống được dịch, dập dịch sớm nhất có thể, hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng tôi biết rõ, khi Bắc Giang-Bắc Ninh và các tỉnh khu vực miền Bắc bình yên thì miền Trung, miền Nam của đất nước mới giữ sạch được “mảnh lưới”.

Tôi vẫn nói với mọi người, có thể chiến trường, chiến tranh có tiếng súng. Còn chiến trường nơi vùng dịch chỉ là tiếng còi xe cứu thương liên tục và các chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ. Động lực lớn nhất để có thể chiến đấu là tinh thần đoàn kết vì cuộc sống bình an.

Chúng tôi quyết tâm mang lại sự bình an để mọi người có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại