Sáng ngày 14/6, Quốc hội đã bấm nút biểu quyết đồng ý bổ sung nội dung: nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nội dung này sẽ được thêm vào Điều 5 của Luật Phòng chống tác hại rượu, bia.
Tôi băn khoăn với quy định nồng độ cồn trong cơ thể phải bằng 0 khi lái xe.
Giới hạn bằng 0 tuyệt đối, có nghĩa là bất kì ai có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở trên con số 0, sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Theo tôi, con số giới hạn bằng 0 tuyệt đối này, trong một số trường hợp cụ thể sẽ gây ra những hệ lụy pháp lý phức tạp.
Uống rượu bia thì không lái xe, ảnh minh hoạ.
Tôi lấy ví dụ, một tài xế lái ô tô đi đúng luật trên đường, bị một xe máy vượt sai quy định đâm vào ô tô và tử vong. Kết quả giám định nồng độ cồn trong máu người lái ô tô vượt qua số 0. Trước thời điểm tai nạn, người lái xe ô tô vừa... ăn hoa quả và uống nước trái cây bị lên men.
Như vậy, tài xế ô tô có nồng độ cồn trong máu đã vi phạm luật, nên căn cứ Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999, thì tài xế ô tô có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, với mức cao nhất là bị phạt tù đến 10 năm!
Vậy giới hạn nồng độ cồn bằng 0 tuyệt đối có bất hợp lí?
Có nhiều lí do để một người không uống một giọt rượu bia nào, nhưng vẫn có nồng độ cồn trong máu và hơi thở, như các trường hợp sử dụng thuốc uống, nước súc miệng, thực phẩm lên men, hoa quả chín quá mức.
Tôi tìm được khoảng 130 chế phẩm thuốc chữa bệnh, 14 chế phẩm vitamin, được bào chế dưới dạng dung dịch, thành phần bên trong có chứa cồn. Danh sách nước súc miệng chứa cồn, tôi cũng đếm được 11 loại tất cả.
Không có thực phẩm tự nhiên nào chứa rượu. Nhưng một số thực phẩm chứa tinh bột hoặc đường có thể xuất hiện phản ứng lên men chuyển hóa thành rượu theo cách tự nhiên, hoặc quá trình chế biến có thêm rượu, mặc dù là lượng rất nhỏ.
Tôi lấy ví dụ món cá hấp bia, thịt bê sốt rượu Marsala, các món thịt hầm không có rượu sẽ mất hương vị thơm ngon. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt hấp nấu có bia rượu sẽ giữ lại 85% lượng cồn, thịt ướp giữ 70% lượng cồn, phải đun kĩ 150 phút thì lượng cồn mới giảm xuống còn 5% so với khi pha chế.
Các món tráng miệng nướng làm bằng vani cũng chứa cồn, thời gian nướng 15 phút vẫn giữ lại 40% cồn, nướng 60% thì lượng cồn là 25%. Các loại bánh tráng miệng như bánh châu chấu của Pháp hay một số loại bánh khác cũng chứa cồn.
Giấm ăn cũng là thực phẩm chứa một lượng nhỏ cồn. Phong cách nấu ăn lành mạnh không thể thiếu giấm, vì bản thân giấm nhờ vào hương vị đặc biệt mà khi khi chế biến thực phẩm sẽ giúp giảm bớt lượng muối, giảm bớt chất béo.
Chính vì thế, giấm đang trở nên phổ biến trong các gia đình, các chủng loại cũng dần phong phú, từ giấm bỗng rượu, giấm trắng, giấm táo, giấm rượu vang, giấm lúa mạch nha, giấm Balsamic, giấm dừa, giấm nho, giấm bia.
Hoa quả và trái cây chứa đường chín quá mức, một số đồ uống từ trái cây, một số loại nước tăng lực, trà Kombucha cũng có thể chứa cồn.
Rõ ràng, sẽ có những người không uống một giọt rượu bia nào, nhưng họ sử dụng các chế phẩm thuốc, ăn thực phẩm hay trái cây chứa rượu, thì vẫn xuất hiện nồng độ cồn trong máu và hơi thở.
Đó chính là một trong những lí do quan trọng để hầu hết các quốc gia trên thế giới không sử dụng con số giới hạn bằng 0 tuyệt đối. Chỉ số ít quốc gia như UAE, Ả Rập Saudi và Pakistan, Afghanistan sử dụng giới hạn 0 tuyệt đối, do vấn đề văn hóa và tôn giáo.
Tôi xin đưa ra những con số cụ thể ở 221 quốc gia và khu vực lãnh thổ quy định nồng độ cồn trong máu (BAC) không được phép vượt quá khi lái xe:
Giới hạn 0.00% BAC: có 28 quốc gia.
Giới hạn 0.01% BAC: có 1 quốc gia.
Giới hạn 0.015% BAC: có 2 quốc gia.
Giới hạn 0.02% BAC: có 9 quốc gia.
Giới hạn 0.03% BAC: có 11 quốc gia.
Giới hạn 0.04% BAC: có 4 quốc gia.
Giới hạn 0.05% BAC: có 87 quốc gia.
Giới hạn 0.06% BAC: có 3 quốc gia.
Giới hạn 0.07% BAC: có 1 quốc gia.
Giới hạn 0.08% BAC: có 70 quốc gia.
Giới hạn 0.10% BAC: có 2 quốc gia.
Không giới hạn: có 13 quốc gia.