Thận là cơ quan đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Thận không chỉ giúp cơ thể lọc máu, loại bỏ các chất thải ra bên ngoài mà còn sản xuất các hormone giúp kiểm soát huyết áp, cân bằng chất điện giải và điều hòa thể tích máu. Tuy vậy, một số thói quen hàng ngày tưởng chừng như vô hại nhưng lại đang âm thầm ‘phá hỏng’ thận, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bác sĩ S. Adam Ramin, bác sĩ tiết niệu và giám đốc y tế của Urology Cancer Specialists, Mỹ cho biết một số thói quen mọi người làm hàng ngày có thể vô tình hủy hoại sức khỏe của thận. Điển hình là 6 thói quen dưới đây, nếu mắc phải thì có lẽ bạn nên thay đổi ngay để giữ cho thận khỏe mạnh.
6 thói quen âm thầm 'phá hỏng' thận
1. Ăn quá nhiều muối
Giảm thiểu lượng muối ăn vào có tác động đáng kể đến sức khỏe của thận, đặc biệt nếu bạn đang mắc các bệnh lý về thận. Theo Tổ chức Thận Quốc Gia Hoa Kỳ (NKF), những người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ khoảng 2.3g muối mỗi ngày, trong khi những người mắc bệnh thận hoặc huyết áp cao chỉ nên tiêu thụ ở mức 1.5g muối mỗi ngày.
Chuyên gia Ramin giải thích: “Khi bạn ăn quá nhiều muối, thận sẽ phản ứng lại bằng cách giữ lại nước để làm loãng lượng muối hấp thụ vào. Đây là cách để thận cân bằng nồng độ của các chất điện giải trong máu nhằm giữ cho tim hoạt động hiệu quả. Do đó, nếu bạn ăn nhiều muối trong thời gian dài, bạn đã vô tình tạo ra áp lực cho thận. Điều này có thể gây tổn thương cho thận và cơ tim”.
Bác sĩ Ramin khuyến cáo: “Mọi người nên giảm lượng muối ăn vào. Khi nấu ăn, mọi người nên nêm nếm gia vị vừa phải, hạn chế cho quá nhiều muối vào thức ăn để tránh ăn quá nhiều muối”.
Ảnh minh họa
2. Thường xuyên ăn thực phẩm siêu chế biến
Theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Nutrition, những người ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn.
Chuyên gia Ramin nói: “Cơ thể chúng ta sẽ mất nhiều thời gian hơn để lọc và đào thải các chất từ thực phẩm siêu chế biến - món ăn được nhiều người ưa thích và ăn thường xuyên. Việc ăn quá nhiều thực phẩm siêu chế biến trong một thời gian dài sẽ tăng gánh nặng cho các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả thận, vì chúng phải lọc các chất cặn bã ra ngoài cơ thể”.
3. Ăn quá nhiều thịt đỏ
Tiêu thụ hàm lượng lớn protein trong thịt đỏ và ăn ít trái cây và rau củ sẽ làm tăng hàm lượng axit nội sinh. Điều này đòi hỏi cơ thể phải tăng cường bài tiết amoniac để ngăn ngừa tình trạng nhiễm axit. Lúc này, thận phải làm việc nhiều hơn để duy trì mức bicarbonate huyết thanh bình thường và loại bỏ axit dư thừa, điều này có thể làm suy giảm chức năng của thận.
Protein trong thịt đỏ sau khi nạp vào cơ thể sẽ bị phân hủy và giải phóng ure vào máu. Thận lọc ure từ máu và bài tiết qua nước tiểu. Nếu chức năng thận bị suy giảm, ure dư thừa tích tụ trong cơ thể có thể gây tổn thương thận.
Ngoài ra, chất béo bão hòa và cholesterol trong thịt đỏ có thể làm tăng mức cholesterol, làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch thận. Lúc này, những động mạch dẫn máu tới thận bị cứng lại và có thể bị tắc nghẽn, gây thiếu máu đến thận, làm mức lọc cầu thận giảm sút.
BS Ramin nói: “Việc tiêu thụ thịt đỏ thường xuyên có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển sỏi thận”.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hội Thận học Hoa Kỳ cho thấy lượng thịt đỏ ăn vào có liên quan mật thiết với suy thận mạn giai đoạn cuối (ESRD). Điều này có nghĩa là những người càng ăn thịt đỏ thường xuyên có nguy cơ mắc càng cao.
Ảnh minh họa
4. Không uống đủ nước
Cung cấp đủ nước giúp thận hoạt động hiệu quả để loại bỏ natri và chất độc hại ra khỏi cơ thể. Uống nhiều nước cũng là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh sỏi thận. Đối với người bình thường, một ngày nên đảm bảo uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, với những người có vấn đề về thận hoặc suy thận cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về lượng nước nên uống hàng ngày.
5. Uống nhiều rượu
Theo Tổ chức Thận Quốc Gia Hoa Kỳ (NKF), uống nhiều hơn 4 ly đồ uống chứa cồn mỗi ngày có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Thậm chí những người nghiện rượu và nghiện thuốc lá đồng thời còn có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao gấp 5 lần so với những người không hút thuốc hoặc uống rượu thường xuyên.
Ảnh minh họa
6. Lạm dụng thuốc giảm đau thường xuyên
NKF cho biết tương tự như uống nhiều rượu, những người lạm dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc khác có nguy cơ mắc các vấn đề về thận cao hơn. Đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau mà không được kê đơn. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tự ý sử dụng thuốc và chỉ nên uống thuốc theo đơn của bác sĩ.