"Tất cả chúng ta phải nhận thức được nguy cơ trong 2 tuần tới là thời gian quyết định Việt Nam và Hà Nội có bị dịch hay không, mặc dù chặng đường chúng ta đi đã được hơn 2 tháng.
Trong 2 tuần tới, bệnh dịch có biểu hiện rất phức tạp vì số công dân nhập cảnh (từ ngày 6/3 đến ngày 20/3) ở thành phố vẫn còn nhiều", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói như vậy vào sáng 21/3, khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại một số quận trên địa bàn. Tại một cuộc họp khác, ông Chung còn khuyên từ nay đến hết tháng 3/2020, người dân nên ở nhà nhiều nhất có thể.
Tuổi trẻ online trước đó cũng ghi nhận, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM vào chiều 19/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định “Hai tuần sắp tới là hai tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam”.
Theo ông Bỉnh, Chính phủ và các địa phương đã phát đi thông điệp: người dân nếu không có việc gì tối cần thiết thì không nên ra ngoài. Chúng ta đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng.
Nói về thời điểm "2 tuần quyết định", bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM) hôm nay chia sẻ trên Tuổi trẻ online: Hai tuần này sẽ là hai tuần "thử lửa" cho cả hệ thống phòng ngừa dịch Covid-19 ở nước ta. Bởi lúc này, lượng người từ nước ngoài về coi như gần hết. Vấn đề đặt ra là về nhiều quá, liệu có "lọt lưới" nguồn lây ra cộng đồng hay không?
Bác sĩ Khanh cho rằng, ngoài việc đảm bảo quy trình kiểm soát cách ly tập trung như hiện nay thì mỗi người dân phải có ý thức nâng cao cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đi lại để chung tay cùng chính quyền, ngành y tế khống chế dịch bệnh.
Cũng theo bác sĩ Khanh, "hai tuần quyết định" cũng chính là thời điểm 14 ngày ủ bệnh (nếu có). Do đó phải tìm mọi cách khống chế nguồn lây nhiễm ra cộng đồng, không để lặp lại như trường hợp bệnh nhân "siêu lây nhiễm" thứ 34 ở Bình Thuận.
Cùng trao đổi với Tuổi trẻ, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói, thời gian qua lượng người từ nước ngoài đổ về Việt Nam ngày càng tăng, và hai tuần tới sẽ đạt mức đỉnh điểm. Tình hình này rất có thể sẽ kéo theo tình huống xuất hiện thêm các ca bệnh mới. Đây là thời điểm quan trọng để hệ thống nguồn nhân lực, kiểm soát, cách ly, điều trị chuẩn bị bấy lâu nay tiếp tục "gồng" cho một cuộc chiến quyết định. Nếu kiểm soát tốt, đó là tín hiệu đáng lạc quan cho chặng đường đẩy lùi dịch bệnh phía trước.
Trước đó, khi đưa ra khuyến cáo người dân nếu không có việc gì thực sự cần thiết thì nên ở nhà nhiều nhất có thể, cho đến hết tháng 3/2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã phân tích một loạt tình hình liên quan đến diễn biến dịch Covid-19 ở Hà Nội, cả nước ta cũng như trên thế giới.
Theo ghi nhận của Tiền phong online, ông Chung cho rằng, giả sử dịch bệnh diễn ra như kịch bản ở Trung Quốc và Hàn Quốc thì chúng ta đã bước vào đến tuần thứ 2, mà kéo dài đến tuần thứ 11 mới giảm. Hiện nay chúng ta mới đang cách ly toàn bộ nguồn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước từ châu Âu và Mỹ, Trung Đông, nhưng còn một số nguồn vào từ trước 0h ngày 17/3 trở về trước thì nguy cơ rất cao.
Ông nói, với thời gian ủ bệnh trung bình là 14 ngày, kể cả những người nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày 17/3, thì thời gian từ 20/3 trở đi và kéo dài đến hết ngày 3/4 là thời gian cao điểm phát hiện khi phát bệnh.
(Tổng hợp)