Các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp ở trẻ trong mùa lạnh
Không riêng gì mùa lạnh mà cả khi thời tiết thay đổi bất ngờ cũng khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính như: Viêm hô hấp trên (từ cảm ho thông thường - do rhinovirus, cho đến cúm - do virus cúm, viêm mũi họng, viêm tai…), hay các bệnh viêm hô hấp dưới (như viêm phổi và đặc biệt là viêm tiểu phế quản).
Hầu hết, các trẻ chỉ bị viêm hô hấp trên, tình trạng bệnh thường nhẹ, trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 10 –14 ngày nếu được chăm sóc tốt.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo, phụ huynh không vì thế mà lơ là, chủ quan, theo thống kê có khoảng 20-25% trẻ bị nhẹ sẽ phát triển thành viêm phổi, cần điều trị kháng sinh thích hợp để tránh biến chứng và tử vong.
Hiện nay, viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi tại hầu hết các nước đang phát triển: Ước tính có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi mỗi ngày, cứ mỗi 20 giây sẽ có một trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới và 90% là ở các nước đang phát triển.
Bệnh viêm tiểu phế quản là một bệnh chỉ gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Tuy ít gây tử vong hơn so với viêm phổi, nhưng bệnh rất dễ lây và chính là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhỏ phải nhập viện trong mùa lạnh.
Chuyên gia chỉ rõ yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh đường hô hấp vào mùa lạnh
Liên quan đến những vướng mắc về nguyên nhân con mắc bệnh hô hấp của số đông các bậc phụ huynh, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội để tìm ra đâu là yếu tố dẫn đến bệnh của trẻ nhỏ.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy phân tích Yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh đường hô hấp vào mùa lạnh
Hầu hết, tất cả chúng ta khi thấy có các triệu chứng như ho, thở nhanh, chảy mũi, hắt hơi, sốt... thì đều mặc định là bệnh lý đường hô hấp nhưng cụ thể bệnh lý gì thì rất ít người biết.
Thực tế y khoa chia bệnh lý hô hấp thành bệnh đường hô hấp trên và hô hấp dưới.
Đường hô hấp trên bao gồm: Viêm họng, viêm mũi xoang, viêm tai... hay gặp và thường là nhẹ, nếu chúng ta xử trí đúng đắn thì bệnh nhân sẽ khỏi nhất là với những đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ do đề kháng kém và từ trên xuống dưới.
Và bệnh đường hô hấp dưới như: viêm phổi, hen phế quản, viêm tiểu phế quản, bệnh thường nặng hơn, điều trị lâu dài hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy nhấn mạnh: "Sở dĩ trong cơ thể chúng ta luôn luôn tồn tại virus rồi, khi thay đổi thời tiết là thời điểm rất thuận lợi từ thể không hoạt động sang hoạt động và vì sức đề kháng trẻ em nhỏ do hệ thống bảo vệ tự nhiên chưa tốt, hệ thống dinh dưỡng chưa tốt làm trẻ có các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi...".
Yếu tố tiếp theo mà chuyên gia muốn chia sẻ đó là, bệnh hô hấp rất hay gặp nhất ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Các bệnh lý hô hấp đi liền với yếu tố môi trường do mật độ dân số đông, khói thuốc lá làm bệnh lý nặng, tái phát, cơ địa, một số trẻ bệnh mạn tính trước.
Liên quan đến yếu tố dinh dưỡng khiến trẻ mắc bệnh đường hô hấp, TS.BS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết:
"Dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân đóng góp gia tăng bệnh lý vào mùa lạnh. Khi lạnh thì thức ăn cũng dễ bị lạnh, khi sử dụng thức ăn lạnh cộng thêm không khí đang lạnh thì trẻ càng dễ bị nhiễm lạnh làm cho vi khuẩn càng dễ tấn công".
Sử dụng thức ăn lạnh cộng thêm không khí đang lạnh thì trẻ càng dễ bị nhiễm lạnh.
Đồng thời, ngoài thức ăn lạnh thì các thức ăn xào rán, nướng tương đối khô cứng do họng miệng trẻ dễ tổn thương. Ăn quá nhiều đường, nước có gas làm sụt giảm bạch cầu (bạch cầu có vai trò phòng bệnh).
Tình trạng thiếu dinh dưỡng (mùa lạnh do nhu cầu cao hơn bình thường do cơ thể tỏa nhiệt nhiều hơn), nếu không tăng năng lượng trong khẩu phần sẽ làm giảm miễn dịch trẻ.
Vitamin D trong thực phẩm rất nghèo nàn nên chỉ lấy vitamin D từ thực phẩm không đủ mà phải tổng hợp từ ánh nắng mặt trời. Mùa đông trẻ ít có cơ hội phơi nắng nên mức độ thiếu càng trầm trọng. Ở người có nồng độ D huyết thanh thấp thì bệnh lý hô hấp cao tương tự DHA, omega 3...