Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi đến nay chưa có một trường hợp tử vong vì Covid-19 nào.
Một người dân Nhật Bản làm việc tại Việt Nam nói với phóng viên của Asahi Shimbun: "Tôi đã nói là nhờ các biện pháp cứng rắn của Chính phủ nên rất ít người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, không ai ở Tokyo tin tôi".
Covid-19 bắt đầu hoành hành trên toàn cầu 4 tháng trước, nhưng Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng quá lớn, bất chấp sự gần gũi với Trung Quốc.
Nhật Bản tính đến ngày 14/2 đã có 41 trường hợp, ngoại trừ những người trên tàu Diamond Princess. Vào thời điểm đó, có rất ít sự khác biệt trong số liệu về ca mắc giữa Việt Nam và Nhật, mặc dù Việt Nam có chung đường biên giới dài 1.400 km với Trung Quốc.
"Chúng tôi không thấy số bệnh nhân viêm phổi tăng vọt tại các cơ sở y tế", ông Chihuahuahi Chiba, 46 tuổi, một bác sĩ người Nhật làm việc tại một phòng khám tư ở Hà Nội. "Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp khắc nghiệt nhất kể từ đầu tháng 2, và chúng đã được chứng minh là có hiệu quả".
Trên thực tế, giãn cách xã hội dường như là cách hiệu quả nhất để chống lại đại dịch, trong bối cảnh nguồn lực kinh tế và y tế hạn chế.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến năm 2016, Nhật Bản có 24,1 bác sĩ trên 10.000 dân, trong khi Việt Nam chỉ có 8,3 bác sĩ. Nếu khủng hoảng thực sự xảy ra, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng các nguồn lực y tế.Nhật Bản bắt đầu áp dụng các quy tắc nhập cảnh nghiêm ngặt đối với du khách đến từ Trung Quốc vào ngày 5/3, chậm hơn một tháng so với Việt Nam. Các nhà phê bình cho rằng Nhật Bản đã đánh giá thấp quy mô của dịch bệnh.
Ngay từ thời điểm dịch Sars bùng phát vào năm 2003, chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp tương tự.
Ban đầu, lây nhiễm cộng đồng xảy ra ở bệnh viện tư nhân. Tổng cộng có 63 người được xét nghiệm dương tính, và 5 bệnh nhân đã tử vong. Chính phủ truy tìm các con đường lây nhiễm và những người nhiễm bệnh bị cô lập nghiêm ngặt, cũn như những người mà họ đã tiếp xúc. Việt Nam tuyên bố đây là quốc gia đầu tiên đẩy lùi Sars khỏi lãnh thổ của mình.
Chính phủ Việt Nam đã tung ra một gói các biện pháp kinh tế khẩn cấp để đối phó với khủng hoảng, phân bổ 62 nghìn tỷ VND (280 tỷ JPY, tương đương 2,6 tỷ USD). Tuy nhiên, sự hỗ trợ này có lẽ sẽ không đủ để giải cứu những người gặp khó khăn lớn tài chính vì phải ở nhà trong vài tháng.
Bất chấp sự khác biệt trong hệ thống chính trị, các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt với thách thức chung là đánh bại đại dịch này. Cuối cùng, Asahi Shimbun kết luận rằng: "Những nỗ lực đơn lẻ của một quốc gia sẽ không đủ để chấm dứt tai họa này. Nó sẽ đòi hỏi một cam kết toàn cầu. Cho đến lúc đó, mọi người sẽ vẫn bị hạn chế trong việc di chuyển quốc tế và câu hỏi lớn là khi nào mọi thứ sẽ trở lại trạng thái bình thường trong khi tình hình toàn cầu vẫn còn khó nắm bắt".