Các bệnh viện ở một số khu vực thuộc miền Nam nước Mỹ đang cạn kiệt oxy y tế, trong khi các ca bệnh COVID-19 phải nhập viện tiếp tục tăng vọt. Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều người chưa chịu tiêm chủng vaccine, trong khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành tại Mỹ.
Một số bệnh viện ở Florida, Nam Carolina, Texas và Louisiana đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm oxy y tế. Một số có nguy cơ phải sử dụng nguồn oxy dự trữ hoặc có nguy cơ cạn kiệt nếu tình hình vẫn tiếp diễn như hiện tại, theo các quan chức y tế nhà nước và chuyên gia tư vấn bệnh viện.
Với sự gia tăng của số ca nhiễm COVID-19, nhu cầu sử dụng oxy y tế cũng ngày càng tăng và bắt đầu vượt quá khả năng đáp ứng của các bệnh viện, theo Donna Cross, - giám đốc công ty cải thiện chăm sóc y tế Premier.
"Thông thường, bể oxy y tế sẽ được bơm đầy khoảng 90%, sau đó nhà cung cấp sẽ bơm đầy khi mức oxy xuống còn 30-40% - như vậy số oxy y tế dự trữ có thể được sử dụng trong 3 đến 5 ngày. Nhưng hiện nay các bệnh viện đang phải dùng oxy ở mức 10-20% - tức 1-2 ngày trước khi cạn kiệt", bà Cross nói.
Ngay cả khi được bổ sung, thì bể chứa cũng chỉ đầy lên khoảng 50%. "Đây là tình huống rất nguy cấp".
Ảnh: CNN
BIẾN THỂ DELTA "ĂN MÒN" PHỔI NGƯỜI BỆNH
Bác sĩ Ahmed Elhaddad thuộc đơn vị chăm sóc tích cực tại Florida nói rằng ông cảm thấy kiệt quệ "khi phải chứng kiến bệnh nhân chịu đựng đau đớn và mất mạng vì không tiêm vaccine".
Vị bác sĩ này cho biết biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 "ăn mòn" phổi của người bệnh, khiến cơ quan này "sụp đổ".
"Chúng ta đang chứng kiến bệnh nhân tử vong nhanh hơn vì biến thể Delta. Các bệnh nhân lần này trẻ hơn trước - có những người trong độ tuổi 30, 40, 50 đang phải chịu đày đọa. Họ cần oxy và đang chết dần chết mòn, chết nhanh hơn trước", bác sĩ Elhaddad nói.
Chuyên gia hàng đầu của chính phủ Mỹ về các bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Anthony Fauci, nói với CNN rằng nước này có thể sẽ có thêm 100.000 ca tử vong do COVID-19 vào tháng 12, theo một mô hình dự đoán của Đại học Washington.
"Những gì đang diễn ra hiện nay là hoàn toàn có thể dự đoán được. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế bằng cách tiêm chủng", ông Fauci kêu gọi.
Bác sĩ Elhaddad cũng đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Fauci, dựa trên thực tế mà bản thân ông đang chứng kiến: các ca nhiễm COVID-19 nhập viện và được điều trị ở khoa ICU của ông đều chưa tiêm vaccine, và ông cũng chưa thấy người đã tiêm vaccine nào tử vong sau khi nhiễm bệnh.
"Không có phương thuốc thần kỳ nào cả. Điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là vaccine có thể ngăn ngừa tử vong. Nó có thể giúp bệnh nhân không phải vào ICU", ông Elhaddad nói.
Florida đã tiêm đủ 2 liều vaccine cho 52,4% tổng dân số toàn bang, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tính đến ngày 28/8.
Trong khi đó, chưa đến 50% người dân ở các bang Nam Carolina, Louisiana và Texas - nơi đang thiếu oxy y tế - được tiêm đủ 2 liều vaccine. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêm chủng đầy đủ là điều kiện cần thiết để bảo vệ cơ thể trước biến thể Delta.
Dữ liệu của CDC cho thấy trên toàn nước Mỹ, 52,1% dân số đã được tiêm đu 2 liều vaccine.
"THẢM HỌA KÉP" Ở LOUISIANA
Tại Louisiana, tỷ lệ tiêm chủng tổng thể đang ở mức thấp nhất cả nước - 41.2%, và các bệnh viện của bang đang phải chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân COVID-19 khi cơn bão Ida ập đến.
Hiện tại có 2.450 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện ở Louisiana, theo Thống đốc John Bel Edwards. Mặc dù con số này đã giảm 20% trong vòng 10 ngày, nhưng đây vẫn là con số bệnh nhân rất lớn mà các bệnh viện của bang này từng phải tiếp nhận kể từ đầu dịch bệnh. Hơn 475 người trong số đó phải sử dụng máy thở.
Ngày 29/8, bão Ida đã đổ bộ gần cảng Fourchon của Louisiana và được đánh giá là bão nguy hiểm cấp 4. Những người bị thương do cơn bão có thể tăng thêm gánh nặng của các bệnh viện, nới các ca bệnh COVID-19 vốn đã chiếm gần hết giường trống.
Thống đốc Edwards nói: "Việc sơ tán các bệnh viện không khả thi vì không còn chỗ nào để đưa họ đến. Và bệnh viện cũng cần tiếp nhận những người bị thương do cơn bão - đây là một thách thức rất lớn đối với Louisiana."
Ông Edwards cũng lo ngại về tình trạng mất điện kéo dài. Hiện tại bang này có khoảng 10.000 công nhân điện và 20.000 nhân lực dự trữ đề phòng tình huống khẩn cấp, sẵn sàng khắc phục điện lưới để duy trì hoạt động của các bệnh viện.
Ảnh minh họa: Bloomberg
"MỘT GIAI ĐOẠN THỰC SỰ KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI NGƯỜI TRẺ"
Việc các trường học mở cửa trở lại đã khiến hàng ngàn học sinh, sinh viên Mỹ phải đi cách ly, và tỷ lệ trẻ em nhiễm COVID-19 tăng cao chưa từng thấy kể từ cuối năm ngoái.
Và số trẻ em nhập viện do COVID-19 có thể tiếp tục gia tăng khi nước Mỹ bước vào mùa tựu trường.
Bác sĩ Esther Choo, giáo sư Đại học Khoa học Y tế Oregon, cho biết: "Chắc chắn đây sẽ là một giai đoạn thực sự khó khăn đối với người trẻ".
Theo bác sĩ Choo, năm ngoái tình hình không khó khăn đến như vậy, nhưng năm nay tình hình đã khác: "Các trường học mở cửa lại, nhiều người phản đối quy định đeo khẩu trang bắt buộc và tiêm chủng - những điều giúp bảo vệ con cái của chúng ta trong trường học".
Một điều cần lưu ý là tại Mỹ, trẻ dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm vaccine COVID-19.
Hiện vẫn còn nhiều trường chưa mở cửa, nhưng dự kiến các trường này sẽ mở lại sau ngày lễ lao động 6/9 của Mỹ. Bác sĩ Choo lo ngại rằng điều này sẽ khiến tỷ lệ trẻ nhập viện vì COVID-19 tiếp tục tăng mạnh hơn nữa.
Tiến sĩ Fauci nói rằng ông ủng hộ tiêm chủng vaccine COVID-19 bắt buộc cho các học sinh đủ điều kiện. "Điều này không có gì mới mẻ. Chúng ta đã làm điều đó với các bệnh khác như bại liệt, sởi, quai bị, rubella, viêm gan"./.