Bác sĩ Mỹ: Đây là độ tuổi bạn nên bỏ rượu hoàn toàn, nếu không thì não bộ 'chịu trận'

Trà My |

Mới đây, một bác sĩ Mỹ đưa ra khuyến cáo về độ tuổi mà mọi người nên ngừng uống rượu hoàn toàn để bảo vệ sức khỏe não bộ.

Rượu bia là đồ uống được sử dụng phổ biến trong mùa lễ Tết. Tuy nhiên, uống rượu bia quá mức có thể gây hại cho sức khỏe.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, sử dụng rượu bia quá mức đã dẫn đến hơn 140.000 ca tử vong mỗi năm ở Mỹ (giai đoạn 2015 – 2019), rút ngắn trung bình 26 năm tuổi thọ của những người tử vong. Hơn nữa, uống rượu bia quá mức chịu trách nhiệm cho 1 trong 5 ca tử vong ở người trưởng thành Mỹ trong độ tuổi 20-49.

Bác sĩ Mỹ: Đây là độ tuổi bạn nên bỏ rượu hoàn toàn, nếu không thì não bộ 'chịu trận'- Ảnh 1.

Uống rượu bia quá mức có thể gây hại cho sức khỏe.

Cũng theo CDC Mỹ, uống quá nhiều rượu bia nghĩa là hơn 15 ly rượu/bia một tuần đối với nam giới, hơn 8 ly mỗi tuần đối với nữ giới. Một ly rượu/bia được quy ước là 1 chai bia 350 ml, 1 ly rượu vang 150 ml hoặc 1 ly rượu mạnh 45 ml.

Độ tuổi nên cai rượu hoàn toàn

Với những thông tin này, một số người đã quyết định cắt giảm lượng rượu bia tiêu thụ hoặc bỏ rượu bia hoàn toàn. Có người cho biết cai rượu là một trong những quyết định đúng đắn nhất của họ.

Mới đây, một vị chuyên gia cho rằng khi đạt đến một độ tuổi nhất định, bạn nên cai rượu hoàn toàn để ngăn ngừa sự phát triển của chứng sa sút trí tuệ.

Bác sĩ thần kinh người Mỹ, ông Richard Restak, cho biết uống rượu thường xuyên hoặc nhậu say có thể gây tổn hại cho sức khỏe não bộ.

Bác sĩ Mỹ: Đây là độ tuổi bạn nên bỏ rượu hoàn toàn, nếu không thì não bộ 'chịu trận'- Ảnh 2.

Bác sĩ thần kinh người Mỹ, ông Richard Restak.

Trong cuốn sách mới "Cách ngăn ngừa sa sút trí tuệ: Hướng dẫn của chuyên gia về sức khỏe não bộ", nhà thần kinh học đã mô tả rượu bia là một "chất độc thần kinh trực tiếp".

Chất độc thần kinh là những chất gây tổn hại, phá hủy hoặc làm suy giảm chức năng của hệ thần kinh, bao gồm cả não.

Do những tổn hại mà rượu có thể gây ra cho não và trí nhớ, bác sĩ Restak đã đề xuất một độ tuổi mà mọi người nên loại bỏ hoàn toàn rượu khỏi cuộc sống.

"Tôi khuyến nghị rằng nếu bạn từ 65 tuổi trở lên, bạn nên loại bỏ hoàn toàn rượu khỏi chế độ ăn", bác sĩ Restak nói.

Vị chuyên gia khuyên tất cả mọi người nên xem xét lại cách sử dụng rượu bia của mình, đặc biệt là những người phụ thuộc vào rượu bia để lấy lại bình tĩnh hoặc cải thiện tâm trạng. Nếu bạn phụ thuộc vào rượu, "có lẽ tốt nhất là bạn nên dừng lại hoàn toàn", bác sĩ Restak khuyên.

Rượu gây hại cho não như thế nào?

Theo Hiệp hội Alzheimer (một tổ chức từ thiện tại Anh), bằng chứng cho thấy tiêu thụ rượu quá mức làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.

Tổ chức từ thiện giải thích việc uống rượu có liên quan đến việc giảm thể tích chất trắng của não, chất giúp truyền tín hiệu giữa các vùng não khác nhau. Sự suy giảm này dẫn đến các vấn đề về chức năng não.

Trong một thời gian dài, uống quá nhiều rượu bia "có thể làm co lại các phần não liên quan đến trí nhớ". Hậu quả khác là sự suy giảm rõ rệt về kỹ năng tư duy khi mọi người già đi.

Bác sĩ Mỹ: Đây là độ tuổi bạn nên bỏ rượu hoàn toàn, nếu không thì não bộ 'chịu trận'- Ảnh 4.

Bác sĩ Mỹ khuyên mọi người nên bỏ rượu hoàn toàn khi 65 tuổi. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Restak cho biết có một loại sa sút trí tuệ liên quan đến việc uống quá nhiều rượu bia, đó là hội chứng Wernicke-Korsakoff, "được biểu hiện bằng sự mất trí nhớ nghiêm trọng về thời gian gần đây" và "là kết quả của tác động trực tiếp của rượu với não".

Uống nhiều rượu trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến thiếu vitamin B1, còn được gọi là thiamine, gây ra hội chứng trên.

Hiệp hội Azheimer cho biết thường xuyên uống quá nhiều rượu trong nhiều năm cũng có thể gây tổn thương não liên quan đến rượu (ARBD).

Bác sĩ Mỹ: Đây là độ tuổi bạn nên bỏ rượu hoàn toàn, nếu không thì não bộ 'chịu trận'- Ảnh 5.

Cai rượu có thể đem lại nhiều lợi ích. (Ảnh minh họa)

Đặc điểm của chứng rối loạn não này bao gồm:

- Khó tập trung vào công việc mà không bị phân tâm

- Khó giải quyết vấn đề, lập kế hoạch và tổ chức

- Khó đặt mục tiêu, đánh giá và đưa ra quyết định

- Không có động lực để thực hiện các nhiệm vụ hoặc hoạt động, ngay cả những việc thiết yếu như ăn uống

- Khó kiểm soát cảm xúc – bạn có thể trở nên cáu kỉnh

- Khó hiểu cách người khác đang suy nghĩ hoặc cảm nhận - hành vi của người bệnh có thể có vẻ thiếu tế nhị hoặc thiếu quan tâm

- Khó hiểu thông tin mới và ghi nhớ các cuộc trò chuyện hoặc sự kiện gần đây.

Làm thế nào để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ?

Một số yếu tố nguy cơ của sa sút trú tuệ - bao gồm gen, tuổi tác và mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí - có thể không thể thay đổi được. Nhưng bạn có thể thực hiện thay đổi lối sống để giảm khả năng mắc bệnh.

1. Tập thể dục thường xuyên

Theo Hiệp hội Alzheimer, có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy ít hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ của một người.

Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy những người có khối lượng cơ nạc nhiều hơn trong suốt cuộc đời có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ ở tuổi già thấp hơn 12%.

Một nghiên cứu khác cho thấy ngồi 10 giờ mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ "một cách nhanh chóng".

2. Đừng hút thuốc

Hút thuốc có thể khiến bạn có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn nhiều khi về già. Thói quen này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và mạch máu, có liên quan đến bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ mạch máu.

3. Điều trị trầm cảm

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết trầm cảm là tình trạng cực kỳ phổ biến, nhưng nghiên cứu cho thấy không điều trị tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.

Theo Hiệp hội Alzheimer, những người từng trải qua giai đoạn trầm cảm trong đời có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn.

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cho rằng mình bị trầm cảm và họ có thể giới thiệu bạn với các phương pháp điều trị, chẳng hạn như liệu pháp trò chuyện hoặc liệu pháp nhận thức hành vi (CBT).

4. Quản lý huyết áp cao và bệnh tiểu đường

Một số tình trạng sức khỏe nhất định, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc tiểu đường, có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.

Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo bạn đang kiểm soát bệnh nền là một cách tốt để kiểm soát nguy cơ sa sút trí tuệ.

Bác sĩ Mỹ: Đây là độ tuổi bạn nên bỏ rượu hoàn toàn, nếu không thì não bộ 'chịu trận'- Ảnh 6.

Một số tình trạng sức khỏe nhất định, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc tiểu đường, có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng của sa sút trí tuệ

Theo Trung tâm Y tế Mayo Clinic (Mỹ), các triệu chứng sa sút trí tuệ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

Thay đổi nhận thức

- Mất trí nhớ, thường được người khác phát hiện ra.

- Gặp vấn đề khi giao tiếp hoặc tìm từ.

- Có vấn đề về khả năng thị giác và không gian, chẳng hạn như bị lạc khi đang lái xe.

- Các vấn đề về lý luận hoặc giải quyết vấn đề.

- Rắc rối khi thực hiện các nhiệm vụ phức tạp.

- Rắc rối với việc lập kế hoạch và tổ chức.

- Gặp khó trong việc phối hợp và kiểm soát các chuyển động.

- Nhầm lẫn và mất phương hướng.

Thay đổi tâm lý

- Thay đổi tính cách.

- Trầm cảm.

- Lo lắng.

- Kích động.

- Hành vi không phù hợp.

- Hoang tưởng.

- Ảo giác.

Hãy gặp bác sĩ nếu bạn hoặc người thân có vấn đề về trí nhớ hoặc các triệu chứng sa sút trí tuệ khác. Điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân. Một số tình trạng bệnh lý gây ra các triệu chứng sa sút trí tuệ có thể được điều trị.

(Theo The Sun, Mayo Clinic)

Bác sĩ Mỹ: Đây là độ tuổi bạn nên bỏ rượu hoàn toàn, nếu không thì não bộ 'chịu trận'- Ảnh 7.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại